Thứ Năm, 25/4/2024
Lai Châu: Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới

 Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ)
tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới
 tích cực tham gia phát triển kinh tế,
gìn giữ trật tự an toàn xã hội, đảm bảo ổn định, chủ quyền biên giới 



Qua 05 năm thực hiện Đề án 132, nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp tục được nâng lên; công tác dân vận trên địa bàn các huyện biên giới có chuyển biến tích cực, góp phần tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo ổn định, chủ quyền biên giới được giữ vững.

 Cấp ủy các cấp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, một số huyện, xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc thực hiện giảm tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3; không thả rông gia súc; vệ sinh môi trường; phát triển sản xuất nông nghiệp để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Cấp ủy các huyện biên giới lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác dân vận trên địa bàn gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện, lồng ghép với chương trình, dự án, chính sách dân tộc để tạo nguồn lực, tập trung thực hiện tốt 4 mục tiêu của Đề án đề ra.

Kết quả thực hiện mục tiêu về phát triển kinh tế: đã tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tập trung chỉ đạo công tác giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Một số nơi thực hiện tốt sản xuất hàng hóa một số cây trồng như: gạo đặc sản, chuối, dược liệu, chè, mắc ca, cao su, chế biến tinh dầu sả...; hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Giá trị sản lượng hàng hóa và thu nhập trên một đơn vị diện tích ngày càng tăng. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 4 huyện biên giới là 25,85%, giảm 10,58% so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt 27,9 triệu đồng, tăng 13,4 triệu đồng so với năm 2015. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới của 4 huyện biên giới là 14 xã, tăng 8 xã so với năm 2015; bình quân tiêu chí đạt 14,1 tiêu chí/xã, tăng 3,1 tiêu chí/xã so với năm 2015; nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới trong 5 năm được trên 142 tỷ đồng.

Thực hiện mục tiêu về bảo vệ và phát triển rừng: đã vận động, tổ chức cho  531/531 bản của 4 huyện biên giới được giao khoán thực hiện khoanh nuôi, tái sinh, trồng và bảo vệ rừng, có quy ước bảo vệ rừng, ký cam kết phòng chống cháy rừng, thành lập các tổ chuyên trách bảo vệ rừng tại các thôn bản trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế với các loại cây có giá trị kinh tế cao như: quế, sơn tra, mắc ca. Diện tích rừng trồng mới trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 5.300 ha; tỷ lệ che phủ rừng bình quân của 4 huyện biên giới đạt 54,6%, tăng 6,9% so với năm 2015; các khu “rừng thiêng”, “rừng cấm” được nhân dân duy trì bảo vệ và phát triển. Thực hiện đảm bảo công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng; vận động nhân dân tham gia đấu tranh phát giác, tố cáo các hoạt động xâm hại tài nguyên rừng, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tình trạng phá rừng, cháy rừng, buôn bán lâm sản từng bước được kiểm soát; đời sống nhân dân được cải thiện nhờ tiếp cận dịch vụ môi trường rừng và khai thác rừng kinh tế.

Thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa truyền thống dân tộc, xóa bỏ tập tục lạc hậu: đã tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bài trừ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Hằng năm, tổ chức 25 lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì, La Hủ, Si La, Cống, Mảng và hoạt động văn hóa, thể thao các dân tộc; phục dựng, bảo tồn 16 lễ hội của các dân tộc Mông, Si La, Hà Nhì, La Hủ; tiếp nhận, sưu tầm được 1.880 hiện vật các DTTS vùng biên giới trên địa bàn tỉnh; sưu tầm bảo tồn tri thức dân gian của dân tộc Hà Nhì, làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc Hà Nhì, Si La, Mông. Năm 2020 có 414/536 bản có nhà văn hóa (đạt 77,23% mục tiêu Đề án); 536/536 bản xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước (đạt 100% mục tiêu Đề án). Đa số đồng bào các dân tộc đã nhận thức rõ hơn về những hủ tục còn tồn tại trong đời sống và từng bước tiếp tục xóa bỏ, thực hiện tốt phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn. Số cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm; một số tập tục lạc hậu (như thách cưới, ma chay kéo dài, uống rượu nhiều...) đã được đa số đồng bào các dân tộc nâng cao nhận thức và thực hiện theo nếp sống mới.

Thực hiện mục tiêu về an ninh trật tự, bảo vệ biên giới đã tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy trong tình hình mới; thực hiện nghiêm các văn kiện về biên giới. Phát huy hiệu quả vai trò của nhân dân trong phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự bản"; xây dựng, củng cố và duy trì các tổ tự quản về ANTT, đường biên, mốc quốc giới. Xây dựng các mô hình "Dân vận khéo" tiêu biểu như: "Tổ an ninh nhân dân", "Tổ hòa giải", "Dòng họ tự quản về ANTT", "Tổ bảo vệ đường biên, mốc giới", "Phụ nữ vận động chồng, con không vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội", "Xã không có tệ nạn ma túy", "Các bản, các hộ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới", "Bảo vệ và phát triển rừng"... Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; chú trọng tuyên truyền phòng chống âm mưu lợi dụng tôn giáo, di cư tự do, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; số vụ di cư tự do, tuyên truyền hiện tượng tôn giáo trái pháp luật có chiều hướng giảm.

Tuy nhiên, công tác dân vận ở các huyện biên giới tỉnh Lai Châu thời gian qua còn một số khó khăn, hạn chế như: Có một số mục tiêu thành phần đề ra kết quả đạt được chưa cao (như tỷ lệ xây dựng nhà văn hóa thôn, bản); đời sống của đồng bào DTTS còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới; trình độ dân trí chưa đồng đều; còn tồn tại một số tập tục lạc hậu khó xóa bỏ. Hoạt động tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”, tình hình an ninh biên giới, xuất nhập cảnh trái phép vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây phức tạp. Một số mô hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” có nơi chưa thực sự đạt được hiệu quả thiết thực.

Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, bám sát các nghị quyết chuyên đề, đề án, kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu, trong đó có Kết luận số 69, ngày 09/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIV về tiếp tục thực hiện Đề án tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS ở các huyện biên giới tỉnh Lai Châu đến năm 2025, toàn hệ thống chính trị tỉnh và đặc biệt là các huyện biên giới tỉnh Lai Châu cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các huyện biên giới trong lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trọng tâm là tiếp tục cụ thể hóa thực hiện tốt Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ sở; vận động nhân dân các dân tộc đoàn kết, đồng thuận trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Chỉ đạo xây dựng mô hình điểm về “Dân vận khéo” trên 04 lĩnh vực của Đề án 132 để nhân rộng.

Hai là, tăng cường trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan nhà nước trong công tác dân vận gắn với thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Xác định rõ các mô hình để chỉ đạo điểm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi trong đồng bào các dân tộc những nơi còn khó khăn để vận động đồng bào làm theo.

Ba là, cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức sâu rộng các phong trào văn hóa, thể thao quần chúng; quan tâm phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn và dân tộc ít người. Xây dựng và hướng dẫn nhân dân sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa bản; phát huy vai trò của tổ dân vận thôn, bản, cộng tác viên dân số cơ sở trong việc xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, xóa bỏ tập tục lạc hậu; lựa chọn một số  tập tục lạc hậu cần tập trung vận động ngăn chặn, đẩy lùi đi đến xóa bỏ; biểu dương, nhân rộng các điển hình trong việc thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ tập tục lạc hậu. Thực hiện tốt phương châm công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả”.

Bốn là, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực lao động, sản xuất, nỗ lực vươn lên thoát nghèo; phối hợp với các ban, ngành hướng dẫn cho nhân dân đổi mới tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua theo hướng cụ thể, thiết thực; phối hợp nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Lựa chọn, tổ chức phong trào quần chúng trong thực hiện các mục tiêu của Đề án trong giai đoạn tiếp theo.

Năm là, các cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang chủ động nắm chắc tình hình địa bàn; tăng cường các tổ đội công tác xuống cơ sở, bám dân, bám địa bàn, thực hiện “4 cùng” với nhân dân, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; phối hợp giải quyết các vấn đề xảy ra trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo cho nhân dân; phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng địa phương đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo tuyên truyền đạo trái pháp luật, kích động di cư tự do, thành lập “Nhà nước Mông”.

Sáu là, Ban Dân vận các cấp, Khối Dân vận xã, phường, thị trấn nâng cao chất lượng công tác tham mưu cấp ủy lãnh đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của đề án; phối hợp nắm chắc tình hình cơ sở, phát hiện những vấn đề mới phát sinh./.

Lò Văn Cương
UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất