Thứ Sáu, 19/4/2024
Những dấu ấn từ phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở Quảng Ngãi
 

Mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao ở huyện Nghĩa Hành. 


Phát huy vai trò của nhân dân

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Cao Phúc cho biết: Thực hiện Chỉ thị 22, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể trong tỉnh đã quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác dân vận theo hướng "gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân" để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều mô hình “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đã động viên, phát huy vai trò chủ thể các tầng lớp nhân dân trong thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi...  Tiêu biểu như mô hình “Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” ở TP.Quảng Ngãi, “Thu gom phế liệu, biến rác thành tiền” ở thị xã Đức Phổ, “Trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao” ở huyện Nghĩa Hành...  

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), cùng với chủ trương đúng, cơ chế hỗ trợ thiết thực của tỉnh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí, công sức nhằm giúp các địa phương nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí NTM, nhất là những tiêu chí khó. Đến nay, Quảng Ngãi có 83/164 xã và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện có thêm 1 huyện đã được thẩm tra, hoàn tất hồ sơ đề nghị trung ương thẩm định công nhận đạt chuẩn NTM. Trong xây dựng NTM nhân dân đóng góp hơn 400 tỷ đồng và gần 584.000 ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội...

Giai đoạn 2017 - 2020, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã triển khai trên 4.100 mô hình “Dân vận khéo”. Đến nay có hơn 1.200 mô hình đạt hiệu quả cao. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có 175 mô hình, lĩnh vực xã hội có 762 mô hình, lĩnh vực quốc phòng - an ninh có 256 mô hình và lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 80 mô hình.

Xây dựng hệ thống chính trị

Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Chỉ thị 22 là đã có 80 mô hình (tăng 50 mô hình so với năm 2016) “Dân vận khéo” trong xây dựng hệ thống chính trị. Đặc biệt, có những cơ sở đảng đã xây dựng được mô hình “Dân vận khéo” góp phần phòng, chống biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu đã thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Bên cạnh đó, phương thức lãnh đạo, năng lực quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền và tinh thần trách nhiệm, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từng bước được nâng lên.

Việc tổ chức, tiếp xúc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân được tăng cường với hơn 300 cuộc ở cả 3 cấp; đã phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, những nguyện vọng chính đáng của dân ngay từ cơ sở, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Chỉ thị 22 về phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; kết hợp đồng bộ giữa công tác dân vận với hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền... Tuy nhiên, để phong trào này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, trọng tâm là Nghị quyết 25 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng...

(baoquangngai.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất