Thứ Tư, 24/4/2024
Dân vận khéo để giữ rừng
 
 Cán bộ kiểm lâm cùng người dân thôn Bản Bung trong một buổi tuần rừng.


Giữ rừng là giữ bản

Men theo con đường bê tông dẫn lối xuyên giữa khu rừng già, chúng tôi mục sở thị khu rừng nguyên sinh ở thôn Bản Bung, xã Thanh Tương. Anh Lục Văn Thiên, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thanh Tương chỉ tay về phía cây nghiến cổ thụ vươn tán ngay sát mép đường bảo: Để giữ được cánh rừng nguyên sinh như thế này, nếu không được người dân trong thôn chung tay giữ rừng thì lực lượng kiểm lâm có đông đến mấy, có căng mình ra làm việc thì cũng rất khó khăn, vất vả. Bởi diện tích rừng đặc dụng thuộc Trạm quản lý tới hàng chục nghìn ha trải dài sang tới các xã của huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), xã Yên Lập của huyện Chiêm Hóa. Địa bàn rộng, đòi hỏi sự hỗ trợ rất lớn của người dân trong việc bảo vệ rừng.

Ông Triệu Thế Hải, Bí thư Chi bộ thôn Bản Bung, đồng thời là nhân viên tuần rừng của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang đã có thâm niên 5 năm làm nhân viên rừng. Hằng tháng, ông Hải thường xuyên thực hiện 18 đến 20 chuyến tuần rừng, tuyến dài nhất của ông dài tới 25 km. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ tuần rừng, với cương vị là Bí thư Chi bộ, ông Hải luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong bản chung tay bảo vệ rừng. Ông Hải chia sẻ, bà con đều đã nhận thức rõ nhiệm vụ giữ rừng là giữ bản, giữ được nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất. Vì vậy, chỉ cần có người lạ vào bản thì bà con lập tức báo cho cán bộ thôn, kiểm lâm biết để phòng bị. Do đó, rừng ở đây luôn giữ được nguyên trạng, đến cái cây gãy đổ cũng không ai dám lấy về. Chốt kiểm lâm ở đầu bản được bà con coi là một hộ trong thôn. Mọi công việc họp bàn, mọi khoản đóng góp của thôn đều có cán bộ kiểm lâm tham gia.

Thôn Tát Kẻ, xã Khau Tinh có 30 hộ dân nằm trong vùng lõi của rừng đặc dụng. Theo quan niệm của đồng bào Tày, Dao ở đây, rừng là nơi linh thiêng, ai xâm phạm sẽ bị thần rừng trừng phạt. Việc giữ gìn, bảo vệ rừng cũng như bảo vệ thôn bản đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của người dân ở đây, nó như sợi dây vô hình liên kết các thành viên trong cộng đồng. Chị Phùng Thị Hoa, Trưởng thôn Tát Kẻ cho rằng, cán bộ kiểm lâm ở đây với bà con như người nhà. Mọi hoạt động của thôn từ làm đường, đến tham gia văn hóa văn nghệ, thăm hỏi bà con ốm đau cũng đều có cán bộ kiểm lâm tham gia. Thế nên giữ rừng không chỉ là công việc của kiểm lâm, nhân viên tuần rừng mà của cả tất cả bà con trong thôn.

Thôn Khâu Tinh, xã Khau Tinh có gần 150 hộ dân tộc Tày sống trong lõi rừng đặc dụng. Thế nhưng, trong suốt những năm vừa qua, hơn 8.300 ha rừng ở Khâu Tinh không hề bị xâm hại. Để có được điều đó, chính là nhờ sự bảo vệ nghiêm ngặt của người dân địa phương. Trước đây, khi Nhà nước chưa cấm cửa rừng, những người già trong bản đã luôn dạy con cháu phải có ý thức giữ rừng. Người dân muốn vào rừng chặt cây làm nhà phải báo với Trưởng bản số lượng, loại gỗ và phải làm lễ cúng thần rừng. Tiếp nối truyền thống của tổ tiên, hiện nay, người dân Khâu Tinh càng thực hiện nghiêm ngặt hơn việc bảo vệ rừng. Từ năm 2010, người dân đã đưa vào nội dung bảo vệ rừng vào hương ước của thôn; 100% số hộ trong bản ký cam kết bảo vệ và không xâm hại rừng với UBND xã và Hạt Kiểm lâm. Từ năm 2017, thôn còn có đội xung kích gần 20 người thực hiện nhiệm vụ thường xuyên tuần tra tại những nơi có nguy cơ xảy ra cháy cao vào mùa khô; tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát nương, đốt nương phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, khi đốt nương phải báo với đội xung kích và bố trí người túc trực không để lửa lan vào rừng.

Tăng cường công tác dân vận

Đồng chí Vi Văn Chính, Hạt phó Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang cho biết, công tác bảo vệ rừng hiện nay đang là một trong những nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp. Rừng có tầm quan trọng trong việc giữ gìn môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, bảo vệ nguồn gen sinh vật rừng, danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Vì vậy, việc quản lý, bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên không chỉ là trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện những biện pháp đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân ở tất cả các địa bàn tiếp giáp với rừng cùng vào cuộc để bảo vệ rừng.

Một trong những giải pháp quan trọng trong công tác dân vận được Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang phối hợp với chính quyền các địa phương là lựa chọn những người có uy tín, cán bộ thôn, công an viên thôn, bản tham gia vào lực lượng tuần rừng. Họ cũng chính là hạt nhân vừa tham gia bảo vệ rừng vừa tuyên truyền, vận động nhân dân cùng nhau thực hiện tốt Luật bảo vệ và phát triển rừng. Trong 35 nhân viên tuần rừng hiện nay có trên 70% là cán bộ thôn, mô hình này qua thực tế đã phát huy hiệu quả và tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.

Anh Đặng Đình Trưởng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Sơn Phú cho biết, nhờ thực hiện tốt công tác dân vận trong những năm gần đây đã hạn chế rất nhiều vụ việc xâm hại rừng. Nếu có cũng sớm được phát hiện kịp thời ngăn chặn. Tính riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn trạm quản lý có 10 vụ, việc xâm hại rừng, trong đó có 5 vụ, việc được người dân phát hiện báo cho lực lượng kiểm lâm. Không chỉ phát hiện người lạ mà ngay cả những người trong thôn có hành vi vi phạm cũng được người dân phát hiện và báo với lực lượng kiểm lâm. 

Hiệu quả của công tác dân vận trong bảo vệ rừng đã góp phần quan trọng để Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung được giữ gìn, bảo tồn. Để phát huy giá trị của khu bảo tồn, huyện Na Hang đang từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, mở mang các tuyến đường vào thôn Tát Kẻ, thôn Bản Bung, biến nơi đây trở thành địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Thành quả này chính là nhờ sự chung tay, ý thức giữ rừng cũng như giữ bản của người dân nơi đây.

(baotuyenquang.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất