Thứ Năm, 25/4/2024
Nhân rộng các mô hình "Dân vận khéo" ở huyện Quảng Ninh
 
Mô hình “Dân vận khéo” vận động hội viên nông dân chuyển đổi đất lầy thụt sang trồng rau màu
ở Võ Ninh đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 


Trao đổi với phóng viên, đồng chí Hoàng Xuân Thiết, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Quảng Ninh cho biết: Trên cơ sở bám sát Chỉ thị số 27-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh đã quán triệt, triệt khai các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận nói chung, phong trào “Dân vận khéo” nói riêng.

Theo đó, công tác dân vận được chỉ đạo hướng mạnh về cơ sở, quan tâm đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; chú trọng công tác phối hợp các tổ chức trong hệ thống chính trị khi thực hiện công tác dân vận. Huyện cũng đã phát động mạnh mẽ phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Trên lĩnh vực kinh tế, phong trào “Dân vận khéo” đã gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã có giải pháp thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề mới.

Đặc biệt, phong trào “Dân vận khéo” gắn với hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã được nhân dân tích cực hưởng ứng với hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn ngày công. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi; nhiều mô hình có sức lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực như: mô hình trang trại tổng hợp ở thôn Thượng (xã Võ Ninh), mô hình chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng dưa ở Hàm Ninh, các mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều…

Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận, đoàn thể tiếp tục chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa-văn nghệ gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua "Dân vận khéo", các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; qua đó góp phần xây dựng khối đoàn kết toàn dân.

Nhiều thôn, bản, tổ dân phố đã gắn nhiệm vụ xây dựng điển hình “Dân vận khéo” với việc thực hiện nếp sống văn hóa, xóa bỏ những tập quán cũ. Phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa” phát triển đồng đều với 100% thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa, trong đó có 74% đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Quảng Ninh đã gắn việc thực hiện phong trào "Dân vận khéo" với việc tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, đổi mới công tác dân vận theo hướng bám nắm cơ sở, tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ với nhân dân; duy trì và củng cố các mô hình tự quản về quốc phòng-an ninh; làm tốt công tác dân vận trong giải quyết tình hình liên quan đến việc triển khai Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC, bồi thường sự cố môi trường biển; chú trọng chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện  mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực.

Giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã có 506 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được đăng ký và thực hiện, góp phần huy động nguồn lực và sự năng động, sáng tạo của nhân dân trong việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Có thể kế đến là mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tại thôn Lương Yến, xã Lương Ninh.

Với mô hình này, Ban công tác Mặt trận thôn đã vận động nhân dân trong thôn đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng, tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, phát huy dân chủ, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Hay như mô hình “Dân vận khéo” vận động hội viên nông dân chuyển đổi đất lầy thụt sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao tại thôn Thượng, xã Võ Ninh. Từ mô hình này, Hội Nông dân xã Võ Ninh đã tuyên truyền, vận động 15 hộ dân thôn Thượng nhận 9,24ha đất lầy thụt để cải tạo, đầu tư chăn nuôi lợn, cá và trồng rau màu. Qua 2 năm thực hiện, việc chuyển đổi đã mang lại hiệu quả thiết thực, cho thu nhập 90-100 triệu đồng/hộ/năm. Từ mô hình này, đến nay, nhiều diện tích đất lầy thụt ở Võ Ninh đã được nông dân nhận đầu tư, cải tạo và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Qua nhiều năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định, công tác dân vận của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp huyện Quảng Ninh đã thực sự đi vào cuộc sống, được người dân đồng tình hưởng ứng. “Trong thời gian tới, huyện Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” sâu rộng trong các tổ chức, các cấp, ngành và toàn thể nhân dân; tiếp tục duy trì những mô hình “Dân vận khéo” đã có hiệu quả; giới thiệu, nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Qua đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của địa phương.”, đồng chí Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quảng Ninh cho biết thêm.

(baoquangbinh.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất