Thứ Sáu, 19/4/2024
Dấu ấn nổi bật trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Bình Thuận
 
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Phan Thiết nhân dịp Lễ Giáng sinh 


Khơi dậy sức dân

Với phương châm “Lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho dân”, qua 5 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, giai đoạn 2016 – 2020 với nhiều cách làm hay, thiết thực; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã thành công trong huy động sức dân, khơi dậy nội lực của dân từ những công trình, dự án trọng điểm. Trong đó, điển hình là Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn tỉnh. Hiện nay, các gói thầu của 2 đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đã được triển khai thi công nhờ giải phóng mặt bằng đúng tiến độ. Để đạt được kết quả trên, trước đó, lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại hiện trường, đồng thời đến gặp để nghe và nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó chỉ đạo các địa phương phải linh hoạt trong việc vận dụng các chính sách để giải quyết, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của dân. Bình Thuận hiện dẫn đầu về giải phóng mặt bằng so với các tỉnh có tuyến cao tốc đang được xây dựng. Mặt khác, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình, dự án trọng điểm khác cũng được người dân tích cực hưởng ứng như: Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết, dự án cấp nước Khu Lê, dự án hồ chứa nước Sông Lũy (Bắc Bình); dự án đại lộ Lê Duẩn (TP. Phan Thiết)…Theo nhận định của Ban Dân vận Tỉnh ủy, điểm nổi bật là nhờ thực hiện tốt công tác “Dân vận khéo” trong tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt Quy chế dân chủ. Chính vì vậy, người dân đồng thuận và tích cực đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất, bàn giao mặt bằng để thực hiện công trình, dự án đảm bảo tiến độ.

Nhìn lại 5 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, ở lĩnh vực kinh tế, toàn tỉnh xây dựng 472 mô hình tập thể và 40 điển hình cá nhân. Đáng chú ý, các cấp hội phụ nữ xây dựng và nhân rộng 261 mô hình tổ phụ nữ giúp nhau làm kinh tế. Qua đó, huy động trên 48 tỷ đồng giúp cho phụ nữ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình với hình thức không lấy lãi. Các cấp hội nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi” có trên 63.000 hộ gia đình đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp... Song song đó, “Dân vận khéo” trong xây dựng hệ thống chính trị đã được các cấp, ngành địa phương chú trọng thực hiện với nhiều cách làm mới, sáng tạo, xuất hiện nhiều tấm gương cá nhân, tập thể tiêu biểu. Trong 5 năm, đã xây dựng 913 mô hình, điển hình tập thể và 1.132 điển hình cá nhân trong xây dựng hệ thống chính trị... Đây chỉ là 2 trong nhiều lĩnh vực của phong trào thi đua “Dân vận khéo” sau 5 năm phát động, triển khai mà đến nay phong trào thi đua đã lan tỏa rộng khắp trong toàn tỉnh và trở thành động lực tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực đời sống xã hội.

Riêng năm 2020, thực hiện “Năm Dân vận khéo” với trọng tâm là 4 nội dung: “Không gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp”; “Không xả rác nhựa và rác thải sinh hoạt bừa bãi”; “Không vi phạm Luật Giao thông đường bộ”; “Không tụ tập gây rối, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội” đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện và bước đầu đạt kết quả tích cực. Nổi rõ, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng công chức, viên chức là một cán bộ dân vận, “khéo” giao tiếp với dân; “khéo” vận động dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, các phong trào về xây dựng khu dân cư không rác; phân loại rác sinh hoạt, hạn chế sử dụng các túi nilon; chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường… được các cơ quan, đơn vị chú trọng thực hiện.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền đến toàn bộ công chức, viên chức và người lao động tự giác chấp hành nghiêm chỉnh, tránh các vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Mặt khác, hàng năm, cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và đăng ký cơ quan đạt chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”; xây dựng mô hình tự phòng, tự quản… Phải khẳng định, các mô hình “Dân vận khéo” đã đem lại những hiệu quả thiết thực, thể hiện được sự năng động, sáng tạo trong công tác vận động nhân dân của những cán bộ làm công tác dân vận. 

Bài học quý từ thực tiễn

Qua 5 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” từ thực tiễn cơ sở, có thể đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc để phong trào tiếp tục được phát huy, đi vào chiều sâu và bề rộng, có sức lan tỏa lớn trong cuộc sống. Trước nhất, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Cùng với đó, phải gắn chặt phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Mặt khác, quá trình thực hiện phong trào cần tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng các mô hình mới, cách làm hay giữa các địa phương, đơn vị. Ngoài ra, cần chú trọng đúng mức công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, bảo đảm sự lan tỏa và tính bền vững.

Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào trong toàn hệ thống chính trị, gắn với tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung “4 không” theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai “Năm Dân vận khéo” 2020 và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Từ đó, huy động mọi nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác dân vận, nhất là công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời nắm bắt và giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề bức xúc của nhân dân; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó, tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, thường xuyên nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân, phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thường xuyên xây dựng những mô hình, điển hình trong phong trào, nhất là những mô hình, điển hình mới; quan tâm bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, điển hình hiệu quả trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”…

Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, tin rằng phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian tới sẽ tiếp tục lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương.

5 năm qua, thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” các ngành, địa phương đã xây dựng được 2.668 mô hình tập thể và 1.994 điển hình cá nhân có cách làm sáng tạo, hiệu quả trên các lĩnh vực đời sống xã hội và đã biểu dương, khen thưởng cho 1.122 lượt tập thể và 1.559 lượt cá nhân có thành tích xuất sắc.

 

(baobinhthuan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất