Thứ Ba, 10/9/2024
Đôi vợ chồng thương binh trên vùng đất mới Nam Ban
Vợ chồng thương binh Trần Minh Khiết - Trần Thị Luyến

Gia đình ông bà Trần Minh Khiết - Trần Thị Luyến, tổ dân phố Từ Liêm 2, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng luôn được đắm chìm trong bầu không khí rất ấm cúng, thân thương. Ông bà là đồng đội, cùng tham gia thanh niên xung phong, cùng bị thương với thương tật 4/4. Và giữa vùng đất mới Nam Ban, ông bà đã dệt nên cuộc sống ấm no cho gia đình và san sẻ tình đồng chí với những người đồng đội.

Ông Trần Minh Khiết hồi tưởng lại giai đoạn chiến tranh chống Mỹ cứu nước, thời điểm 1972 - 1975, khi cuộc chiến bước vào giai đoạn cuối cùng. Theo lời kêu gọi của đất nước, ông bà trở thành thanh niên xung phong, sang chiến trường nước bạn Lào làm nhiệm vụ đảm bảo cho tuyến đường Hồ Chí Minh thông suốt, cho vũ khí, đạn dược và những chuyến xe an bình. Đất Thượng Lào hồi ấy cũng phải đối mặt với mưa bom từ những Con Ma (F-4 Phan tom), Thần Sấm (F-105)... Chưa kể thám báo, biệt kích rình rập thường xuyên căn cứ của lực lượng thanh niên xung phong. “Thượng Lào hồi ấy khổ lắm, thiếu ăn, thiếu mặc, mùa khô thì thiếu cả nước uống chứ đừng nói tắm giặt. Thanh niên sốt rét, đói, rách quanh năm. Thế mà tinh thần thì hăng hái, máy bay thả bom xong là chúng tôi xông ra, tay cuốc tay xẻng rào rào đào đất đập đá, khôi phục tuyến đường. Vừa làm đường, vận chuyển hàng, vừa làm công tác dân vận với nhân dân nước bạn, một thời gian khổ mà hào hùng, một thời thanh niên hết lòng vì thống nhất đất nước” - ông Khiết hồi tưởng.

Năm 1975, đất nước thống nhất, ông bà cũng mang trên mình những vết thương trở về quê hương. Đôi vợ chồng thương binh quê đất Hà Nam vào vùng đất mới Nam Ban năm 1986 với mong mỏi xây dựng kinh tế gia đình, nuôi 4 người con ăn học. Và, cùng với Nhân dân vùng kinh tế mới, ông bà cũng trồng cà phê, nuôi tằm, ông tham gia thêm tổ quản lý điện của địa phương. Giữa đất cao nguyên nắng gió, ông bà đào từng gốc cỏ tranh, tưới cà phê, hái dâu, lên né tằm…, nuôi 4 người con cả trai cả gái ăn học đàng hoàng. Hiện con của ông bà đều trưởng thành, dù ở cương vị công tác nào cũng là những người công dân tốt, hiếu thảo với cha mẹ.

Năm 2003, ông Trần Minh Khiết cùng 9 người đồng đội từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ vận động thành lập Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Lâm Hà. Các ông bà muốn tập hợp những đồng chí, đồng đội từng một thời gian khổ, hi sinh, cùng sinh hoạt trong một tập thể, chia sớt niềm vui nỗi buồn. Năm 2013, Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Lâm Hà chính thức được thành lập và ông Khiết được hội viên nhất trí bầu làm Chủ tịch Hội từ đó đến giờ. Người thương binh Trần Minh Khiết luôn giữ trong lòng tình cảm tha thiết với đồng chí đồng đội. Ông cùng Hội lo việc giấy tờ, giải quyết chế độ, chính sách cho hội viên, lo chuyện vận động tài trợ giúp hội viên bớt khó khăn.

Ông rất tự hào năm 2019, Hội vận động được nguồn kinh phí xây dựng, sửa chữa 2 căn nhà, năm 2020 được 10 căn, giúp hội viên điều kiện kinh tế khó khăn có mái ấm an cư lạc nghiệp. Thủ tục giấy tờ, chế độ, chính sách cho thanh niên xung phong, ông Khiết nắm chắc và hướng dẫn cho hội viên mới rất nhiệt tình. Ông tâm sự, hiện Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) huyện Lâm Hà có 324 hội viên, có 4 cụ là TNXP chống Pháp, 200 TNXP chống Mỹ, còn lại là lực lượng TNXP giai đoạn hòa bình tham gia xây dựng kinh tế. Mỗi hội viên của Hội đều là tấm gương rèn luyện, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ở tuổi xấp xỉ 70, ông bà Trần Minh Khiết - Trần Thị Luyến vẫn hăng hái công tác xã hội, xứng đáng với vai trò ông bà mẫu mực trong gia đình, người thương binh nhiệt huyết trong cộng đồng.

(baolamdong.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất