Thứ Ba, 16/4/2024
Dũng khí quan chức

Lâu nay quan chức ở ta đang yên đang lành rất hiếm vị chủ động xin nghỉ trước tuổi theo quy định, thậm chí nhiều vị còn tìm mọi cách để được tại vị thêm càng lâu càng tốt. Lạ nữa là, ông bí thư thành ủy Hội An này đang rất có uy tín trong dân, có nhiều đóng góp cho Hội An và cũng nổi tiếng là người ngay thẳng, nói là làm. Lạ hơn, trong bối cảnh nạn “chạy chức”, “chạy quyền” còn đang nhức nhối thì một ông quan đứng đầu thành phố bỗng dưng lại xin “cáo quan hoàn dân” trước niên hạn. Không phải vô cớ dân gian có câu “một người làm quan cả họ được nhờ”, vậy mà ông bí thư này lại xin “về vườn” một cách nhẹ tênh để đọc sách, câu cá, nuôi chim, trồng cây… Đúng là chuyện lạ.

Ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói về ông Sự: Quả thật bây giờ có rất ít người đang ở vị trí cao lại xin về hưu trước tuổi bởi có nhiều thứ ràng buộc, họ không thể xin thôi chức được. Còn với Nguyễn Sự xin nghỉ việc trước tuổi là chuyện bình thường bởi tôi hiểu con người này. Là lứa cán bộ sau tôi nhiều khóa nhưng một khi có việc gì lấn cấn trong công việc, quan hệ, Nguyễn Sự cũng hay tâm sự với tôi. Nguyễn Sự là người có cái tâm nên việc xin thôi chức là muốn nhường lại vị trí của mình cho lớp trẻ, chứ ngồi thêm một hai năm nữa cũng lấn cấn cho anh em. Việc ra đi để nhường vị trí lại cho lãnh đạo trẻ thời điểm trước Đại hội, theo tôi là rất tốt để anh em thoải mái trong việc bầu chọn người lên thay. Phải nói rằng, chính Nguyễn Sự đã dành nhiều tâm huyết và bắt tay xây dựng để đô thị Hội An có được bộ mặt như ngày hôm nay. Trước đây, nhận thấy Nguyễn Sự là người có năng lực và tâm huyết nên nhiều lần lãnh đạo tỉnh Quảng Nam các thời kì muốn đưa anh ấy lên công tác ở tỉnh nhưng anh một mực xin ở lại Hội An. Lúc đấy Nguyễn Sự nói lý do không muốn lên tỉnh là đang dốc sức xây dựng Hội An, nhiều công việc, dự định xây dựng thành phố còn dang dở, anh muốn đưa tất cả mọi thứ vào quỹ đạo theo đúng như ý đồ của lãnh đạo thành phố.

Ông quan “tuổi gà” (sinh năm 1957) này đã có 37 năm tuổi Đảng, 21 năm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của thành phố Hội An. Quãng thời gian tại chức ông đã để lại dấu ấn đậm nét của một vị quan thanh liêm, miệng nói tay làm. Đã làm là làm đến nơi đến chốn. Ông là người khởi xướng nhiều phong trào như: Đêm rằm phố cổ; phố cổ không ô tô, không xe máy… Đặc biệt là dày công xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, làm cho phố cổ luôn trong lành ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng; rồi Hội An trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch của Việt Nam và thế giới.

Ông Nguyễn Sự đã có những việc làm “không giống ai” để xây dựng đội ngũ cán bộ ở Hội An có đủ sức “đề kháng” mạnh trước những tiêu cực của cơ chế thị trường. Nếp sống liêm khiết và sự gương mẫu trong công tác, giản dị trong đời thường của ông đã có sự lan tỏa sâu rộng, tác động sâu sắc đến đội ngũ cán bộ của Hội An. Cuộc đời làm quan của ông Nguyễn Sự cũng là một di sản không chỉ ở giá trị thực tế của phố cổ Hội An, mà còn để lại những di sản tinh thần in đậm trong tâm trí nhân dân. Dân phố Hội An nhớ về Nguyễn Sự là nhớ đến những hình ảnh của cán bộ mẫn cán lăn lộn đến tận “hang cùng, ngõ hẻm”, nhớ đến những việc làm “không giống ai” của ông. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2001, ông Nguyễn Sự được UNESCO trao giải thưởng kiệt xuất về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khu phố cổ Hội An; năm 2005 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì đã có nhiều đóng góp cho Hội An và mới đây, năm 2012 được trao giải thưởng “Văn hóa Phan Chu Trinh”.

Ông Nguyễn Sự chính là người thắp lửa và truyền lửa không chỉ cho đội ngũ cán bộ, mà cho toàn dân ở Hội An. Chính vì vậy, khi nghe tin ông đệ đơn xin nghỉ hưu trước tuổi quy định, người dân Hội An đã tiếc nuối khôn nguôi, nhiều người buồn, không ít người đến tận nhà biếu tiền để ông dưỡng già - dĩ nhiên là ông không nhận.

Thế mới hay, lòng dân đối với ông Nguyễn Sự trọn vẹn và nghĩa tình như thế. Dù rằng trong cuộc đời làm quan của mình, nói như ông Nguyễn Sự, cũng có những sai lầm, khuyết điểm, ông thẳng thắn: “Mình không phải người thần thánh, cũng không được học làm cán bộ; là người bình thường như bao người khác, được tổ chức giao trọng trách nên khi thực hiện không tránh khỏi sai sót. Song thấy sai là phải biết sửa, phải biết xin lỗi nhân dân. Đừng sĩ diện, có chi mô mà sĩ diện…”.

Đơn giản vậy thôi, thế mà chốn quan trường mấy ai có được dũng khí ấy. Chính cái dũng khí mà ông Nguyễn Sự cho rằng “có chi mô mà sĩ diện”, lại chính là phẩm chất, là thuộc tính của cán bộ cách mạng. Người dân thấy ông Sự gần gũi, không xa dân như nhiều ông “quan cách mạng” khác. Dân trọng ông, thương ông, tiếc nuối ông không phải là những gì cao xa, mà ngay trong chính tinh thần cầu thị, tôn trọng sự thật, tôn trọng nhân dân khi mình mắc khuyết điểm, sai lầm.

Ông Nguyễn Sự từ quan khi đang được cả dân chúng lẫn cấp trên tín nhiệm. Ông xin “từ quan” vì thấy mình “cũ”, phải tạo cơ hội cho lớp trẻ. Có thể nói đây là từ quan trên thế mạnh, từ quan trên thế thắng, thế “trách nhiệm”. Đây chính là nét độc đáo trong con người Nguyễn Sự, có thể gọi là “Văn hóa Nguyễn Sự”. Con người ta từ trẻ đến già, đa phần, một khi có quyền lực thường là bám lấy quyền lực. Việc Nguyễn Sự từ quan tác động tới những người có trọng trách chuẩn bị nhân sự, tác động tới những người đáng ra nên làm, nhưng chưa dám làm như ông Nguyễn Sự. Tất nhiên khó, bởi “cái ghế” mang đến cho người ta nhiều thứ.

Khi nghe ông Bí thư thành ủy Hội An xin nghỉ hưu trước tuổi tới 2 năm, xuất hiện trên nhiều tờ báo cho là chuyện lạ. Khi được ông Nguyễn Sự lý giải, mọi sự lạ ấy đã được hóa giải. Hóa ra ông Sự không muốn trở thành loại quan chức “lá chuối” – loại cây mà lá héo đến quắt queo vẫn không chịu rời cây khiến người ta phải lấy dao cắt bỏ. Ông Sự nói: “Tôi không muốn làm kẻ tư duy lá chuối. Cây nào đến mùa cũng thay lá non, duy nhất chỉ có cây chuối là tàu lá nó chết còn bám trên cây, người ta phải cắt đi”. Theo ông: Thất bại của mình làm lãnh đạo lâu quá, âu cũng là cái tội. Còn “khuyết điểm” lớn nhất của ông là “quát mắng cấp trên” của mình nhiều lần trong các cuộc họp. Và quyết định “về vườn” của ông nếu có mất, theo ông, chỉ mất mỗi tiếng “dạ” của những người dưới quyền mà thôi.

“Cáo quan về vườn”, ông Sự có nhắn nhủ với những người kế nhiệm mình hai từ “dũng khí” – Dũng khí đấu tranh với cấp trên nếu có những quyết định không phù hợp; dũng khí khi chịu áp lực trước sự phê phán của dư luận nếu mình làm đúng; dũng khí từ chức nếu mình làm sai.

Nếu quan chức nào cũng có dũng khí như vậy ắt sẽ ích nước, lợi dân. Và chắc chắn những vị quan có dũng khí theo nghĩa trên sẽ được người dân tôn trọng và quý mến, nghỉ hưu hay mất rồi người dân vẫn còn nuối tiếc.

Ông Nguyễn Sự thanh thản “hoàn dân” khi đã hoàn thành nghĩa vụ công dân ở cương vị người lãnh đạo cao nhất thành phố Hội An. Những gì ông Sự đã làm cho thành phố di sản này không phải bàn cãi nữa. Sự “dừng lại” của ông trong nhiệm kỳ tới cũng là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức trong việc sắp xếp bộ máy lãnh đạo thành phố Hội An.

 Việc ông Sự xin từ chức, nghỉ hưu tuy để lại nhiều nuối tiếc trong nhân dân, song đây chính là quy luật của cuộc sống và cũng là quy định về công tác cán bộ không thể khác được. Nhiều người dân Hội An cho rằng dù có hụt hẫng, dù có tiếc nuối, song cũng đồng tình với quyết định của ông Sự. Nếu muốn có sự nghỉ ngơi sau nhiều năm cống hiến để cho Hội An có được như ngày hôm nay mà “ép” ông tiếp tục làm việc là điều không hay.

Triết lý rời bỏ “Tư duy lá chuối” rất đỗi dân dã, rất đỗi bình thường, đúng hơn là một phẩm chất, một nhân cách trong “đạo làm quan”, càng ngẫm càng thấm thía.

Trường Giang

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất