Thứ Bảy, 5/10/2024
Có tiền sẽ mua... được tất cả?

Tưởng như câu phương ngôn “Có tiền mua tiên cũng được” đã không còn giá trị như chân lý trong thực tiễn của cuộc sống lâu nay. Nhưng với tỷ lệ tán thành trên 84%, sáng ngày 27/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi. Quốc hội thống nhất giữ quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô, nhận hối lộ nếu sau khi bị kết án chủ động nộp lại tối thiểu 3/4 tài sản phạm tội và tích cực hợp tác phá án hoặc lập công lớn. Ông bạn tôi băn khoăn vậy phải chăng lại làm cho câu phương ngôn trên đúng?!

Theo ông bạn tôi phân tích, việc này sẽ làm cho công cuộc chống tham nhũng gặp khó khăn. Giả sử, một kẻ tham nhũng hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng khi bị kết án nộp lại 3/4 số tài sản tham nhũng, còn lại 1/4 được giữ lại sẽ còn hơn thu nhập nhiều đời làm công ăn lương của Nhà nước.

Câu chuyện ông bạn tôi nêu ra làm cả đám về hưu chúng tôi bàn tán sôi nổi hẳn. Một ông bạn vốn là nhà kinh tế về hưu lên tiếng: Suốt một đời tích góp chả được bao nhiêu, gần về hưu làm một món kha khá để lại cho con cháu coi như “hy sinh đời bố, củng cố đời con” nghe ra cũng khá ổn. Nghe ông bạn là nhà kinh tế lập luận cả đám nghe ra cũng lọt tai, chỉ có ông bạn là nhà chính trị gãi tai, bứt tóc. Ông không đưa ra lập luận nào nhưng tôi biết ông buồn vì cái giá trị, danh dự con người đang bị đảo lộn. Trước đây có tiền mua quan, bán chức, bây giờ kẻ có tội hại dân, hại Đảng, tham ô, tham nhũng, những tên giặc “nội xâm” ấy nếu có tiền cũng “mua” được tất cả thì thấy thật là không ổn.

Nghe nhà chính trị về hưu phân tích, chúng tôi chỉ thấy buồn và cùng có ý kiến mong Đảng, Nhà nước có những biện pháp, chế tài bằng pháp luật, cụ thể và minh bạch để “lấp” những kẽ hở đó, để nhân dân tin tưởng vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật!

Phùng Văn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi