Thứ Ba, 16/4/2024
Rèn luyện văn hóa ứng xử

Giáo dục thế hệ trẻ bao gồm những nội dung như giáo dục về lý tưởng, đạo đức, lối sống… Trong đó, rèn luyện văn hóa ứng xử để xây dựng nếp sống văn hóa trong thời kỳ hội nhập hiện nay là rất cần thiết.

Ngay từ tấm bé, mỗi người đã được ông bà, cha mẹ dạy phải “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, bởi “sẩy chân đỡ được, sẩy miệng không đỡ được”. Và, phải được biết “Tiên học lễ, hậu học văn” để ứng xử kính trên nhường dưới. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều tục ngữ nói về lời ăn tiếng nói như: “Lời nói không mất tiền mua”, nghĩa là chẳng tốn tiền của gì, dễ là vậy nhưng mà phải biết “lựa lời”, phải biết cân nhắc, chọn lọc trước khi nói để “cho vừa lòng nhau”. Trong cuộc sống, không ai không thầm khen một cháu bé thấy khách đến nhà thì chào hỏi lễ phép, ngồi ăn cơm biết mời ông bà, cha mẹ. Đó không phải là sự quen miệng thông thường mà là sự thể hiện nét đẹp của việc rèn luyện văn hóa ứng xử.

Người xưa đã có câu nói rất hay rằng: “Lời nói không ngay thẳng biết có điều che ám, lời nói quá quắt biết có bị hãm về cái gì; lời nói cong queo biết có điều lừa lẽ phải; lời nói quẩn biết có điều cùng khốn”. Điều này chứng tỏ rằng, thông qua ngôn ngữ, người ta có thể hiểu được bản chất, trình độ học vấn và giáo dục của người nói. Trong cơ chế thị trường hiện nay, văn hóa ứng xử đang có nguy cơ bị báo động. Một bộ phận không nhỏ học sinh mắc tệ nói tục chửi thề; trong gia đình thì con cái cãi chửi lại cha mẹ, ông bà; ngoài xã hội thì người ta buông tuồng trong ngôn ngữ, lời thô thiển lấn át lời lịch sự, nói năng thô lỗ làm mất đi vẻ đẹp trong sáng, phong phú vốn có của tiếng Việt. Rồi tệ nạn bạo lực gia đình kiểu “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đối với phụ nữ và trẻ em; quan hệ làng xóm mất đoàn kết… Trong cuộc sống hằng ngày thì hễ va chạm dù nhỏ nhặt cũng gây ra xô xát đấm đá nhau hoặc là sẵn sàng rút dao đoạt mạng nhau dễ như trở bàn tay. Ra đường thì tranh nhau đi trước dẫn đến phóng  nhanh, vượt ẩu, bất chấp luật lệ. Ở cơ quan thì ngoài chuyện tranh đua hơn thua nhau từ manh quần, tấm áo, ô tô, xe máy còn là cuộc đua khốc liệt về chức tước. Đi lễ đền chùa họ cũng sẵn sàng dẫm đạp lên nhau để tranh chấp, cướp giật lộc đền chùa. Ví dụ như việc cướp Ấn ở Đền Trần và cướp hoa Tre ở Hội Gióng vừa qua đã dẫn tới hỗn chiến, khiến nhiều người đặt câu hỏi chúng ta đang tham gia lễ hội để vui chơi, hướng về cội nguồn hay để tranh cướp khi chứng kiến cảnh nhiều thanh niên đè đầu cưỡi cổ nhau để cướp Ấn đền Trần. Nhìn vào xã hội ngày nay có thể thấy cái tôi của con người ta bây giờ lớn quá. Có quá nhiều người chỉ muốn thủ lợi, tranh đoạt mọi thứ cho bản thân, cho gia đình mình mà bỏ qua nhân tình, thế thái, đạo lý ở đời.

Dù tất cả những hành vi trên xảy ra trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào  song có thể thấy, sự phát triển của xã hội cần những ứng xử văn hóa phù hợp của con người đối với từng vấn đề trong xã hội. Tất cả, nếu coi thường, không giáo dục chu đáo ngay từ gia đình, không có sự phối hợp đồng bộ các cấp, các ngành, nhà trường, gia đình và xã hội thì sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến xây dựng nếp sống văn hóa. Bởi một lẽ đơn giản là khi ta “gieo hành vi” thì sẽ “gặt thói quen” và khi “gieo thói quen” thì sẽ “gặt tính cách” là thế.

Văn hóa ứng xử là bộ mặt quốc gia, là thước đo trình độ văn minh của một dân tộc. Vì vậy, rèn luyện văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ là việc làm thiết thực góp phần xây dựng nếp sống văn hóa trong tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay.

 Kim Ngân

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất