Thứ Tư, 9/10/2024
Biết xin lỗi và xin lỗi đúng lúc!

25 năm cây kem không tăng giá, nay tăng giá thêm 10 yên Nhật (tương đương khoảng 2.000 đồng), Giám đốc Công ty sản xuất kem Akagi của Nhật Bản cùng nhân viên đã phải cúi gập người để xin lỗi người tiêu dùng vì buộc phải tăng giá kem.

 
 

Hành động của doanh nhân người Nhật không chỉ giới doanh nhân nhiều nước phải học hỏi vì thương hiệu quốc gia và thương hiệu doanh nghiệp. 25 năm qua, mọi thứ đã thay đổi quá nhiều, nhưng họ chỉ tăng giá khi buộc phải tăng giá!

Nhìn từ cây kem của người Nhật không tăng giá trong 25 năm, lại nghĩ đến những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của Việt Nam. Cứ hàng hóa này tăng giá thì kéo theo hàng hóa khác cũng tăng giá dây chuyền....

Bàn về việc xin lỗi, lại nhớ đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Câu chuyện về thực phẩm bẩn đang “ nóng” từng ngày, nhưng chỉ do “lỡ lời” trước Quốc hội với phát ngôn:  “Đa số thực phẩm của chúng ta an toàn, nhưng nhân dân không biết”, mà Bộ trưởng vừa thông qua báo chí để công khai xin lỗi nhân dân.

Việc Bộ trưởng xin lỗi nhân dân đã nhận được nhiều chia sẻ, làm “nguội” những bức xúc trong nhân dân, nhưng nhìn vào hiện thực, dư luận và nhân dân vẫn mong muốn Bộ trưởng phải có chính sách hợp lý hơn, hành động quyết liệt hơn để thực phẩm bẩn không còn là nỗi khiếp sợ của 90 triệu dân.

Trước Bộ trưởng Cao Đức Phát, cũng đã có không ít “công bộc” xin lỗi nhân dân với trách nhiệm người đứng đầu và trực tiếp cam kết thực hiện đầy đủ những chức năng, nhiệm vụ được giao, sẽ cố gắng cao nhất để sớm cải thiện tình hình; Cá nhân Bộ trưởng cũng cam kết còn làm việc một ngày, còn nỗ lực để thực hiện mong đợi này của nhân dân. Tuy nhiên, có thể việc xin lỗi lại gắn với trách nhiệm, nên nó chưa "phổ quát", nhất là với những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến “cơm áo, gạo tiền” của người dân và doanh nghiệp.

Nghĩ về việc xin lỗi và chuyện “cơm áo, gạo tiền”, có hai vấn đề đang làm dư luận phân tâm: Từ ngày 01/6, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5 sẽ đồng loạt tăng phí sử dụng đường bộ với các mức tăng 25% và 50%; chính sách thuế xăng dầu theo các Hiệp định Thương mại tự do với ASEAN, với Hàn Quốc đã làm chêch lệch hơn 3.500 tỉ đồng. Số tiền này người tiêu dùng phải trả và rơi vào túi các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối.
Nhìn vào sức dân, “sức khỏe” của nền kinh tế, rõ ràng chính sách tăng giá và tăng thu thật sự bất cập.  Tất cả đều nhìn thấy bất cập, nhưng vẫn chưa có một lời xin lỗi nào, dù muộn, và người dân vẫn đang... chờ!
Không lạm dụng việc xin lỗi, nhưng cần biết xin lỗi và xin lỗi đúng lúc!

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 4/4/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi