Thứ Tư, 9/10/2024
Tin tưởng vào quyền làm chủ của nhân dân trong bầu cử

Theo cử tri Lâm Quang Thiều, Kỹ sư Công ty TNHH Thông tin (Hà Nội), không khí dân chủ trong quá trình bầu cử được thể hiện rất rõ tại các hoạt động tiếp xúc cử tri: Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, cử tri đã “đặt hàng” các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhiều vấn đề, như: Việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề dịch vụ y tế, môi trường, an ninh trật tự tại địa phương… Nhiều cử tri đã giám sát những người tái ứng cử trong 5 năm vừa qua đã làm được những gì, đã thể hiện được tiếng nói của cử tri chưa. Anh Thiều cho biết, anh đã có cơ hội tiếp xúc và trao đổi những vấn đề mình quan tâm và nhận thấy, các ứng cử viên đều thể hiện được năng lực giải đáp các vấn đề cử tri đặt ra ở tầm vĩ mô và nắm bắt được những vấn đề đang nổi lên tại địa phương.

 
Cử tri Lâm Quang Thiều

Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Liên đoàn Luật sư Hà Nội cho biết:  Điểm mới về phát huy dân chủ trong đợt bầu cử lần này là: Số lượng người tự ứng cử đại  biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này nhiều hơn lần trước… Đây cũng là lần đầu tiên những người bị tạm giam, tạm giữ vẫn được thực hiện quyền công dân của mình. 
Về phía ứng viên, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 đã nghiêm cấm việc sử dụng hoặc hứa hẹn cho, tặng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri. Quy định này làm cho việc vận động bầu cử diễn ra một cách công bằng và dân chủ giữa các ứng viên. Theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng, các quy định của Luật đã phát huy tính dân chủ và quyền của cả ứng viên và cử tri, nhằm bầu được những đại biểu tiêu biểu cả về đức và tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyền vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Trao đổi về tính dân chủ trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân,  cử tri Trần Văn Khánh-  Chánh Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cho biết, dân chủ và bình đẳng thể hiện ngay trong việc không phân biệt dân tộc, tôn giáo khi tham gia ứng cử và bầu cử.
Nhấn mạnh về tính dân chủ, ông Trần Văn Khánh phân tích: Quyền của cử tri và nguyên tắc dân chủ đã được đảm bảo tại các Hội nghị hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc. Các tổ chức giới thiệu ứng viên nhưng vẫn phải qua hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc, Mặt trận đã 3 lần hiệp thương mới lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Nhằm phát huy dân chủ, người ra ứng cử còn phải qua cử tri nơi cư trú. Khi giới thiệu người ra ứng cử, mỗi đơn vị bầu cử đều có số dư. Tỷ lệ số dư trong bầu cử đại biểu Quốc hội lần này cao hơn lần trước đã tạo thêm điều kiện thuận lợi cho người dân phát huy quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn người xứng đáng để bầu.
Đặc biệt, tính dân chủ và công bằng còn được khẳng định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó, dù là người do tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể giới thiệu, hay người tự ứng cử, đều phải trên cơ sở đủ tiêu chuẩn của Luật , sau đó Mặt trận Tổ quốc hiệp thương lựa chọn. Như vậy, tất cả các ứng viên đều bình đẳng trước Luật, dù là Đảng cử người ra ứng cử cũng phải trên cơ sở đủ tiêu chuẩn theo luật định. Và để ứng cử được buộc phải qua các bước phát huy dân chủ: Mặt trận Tổ quốc hiệp thương, cử tri nơi cư trú lựa chọn.
Ông Trần Văn Khánh bày tỏ tin tưởng, với việc đảm bảo nguyên tắc dân chủ trên, cử tri sẽ phát huy quyền làm chủ của mình để lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương vào ngày 22-5 này./.

Nguồn: http://dangcongsan.vn, ngày 20/5/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi