Thứ Sáu, 13/9/2024
Đừng để nói tục, chửi bậy trở thành “mốt”

Việc quan chức phát ngôn khiếm nhã với truyền thông, hay việc một số quan chức có ứng xử thiếu văn minh không chỉ ở công sở, mà còn ở nơi công cộng gần đầy đã gióng tiếng chuông cần chỉnh đốn lại văn hóa, văn minh… Nhưng đi tìm nguyên nhân sâu xa, có phải chỉ là vì giáo dục khiếm khuyết?

Trước đó, giữa năm 2014, UBND TP Hà Nội ban hành Quy chế thực hiện Kỷ cương hành chính và Văn hóa công sở tại Văn phòng UBND thành phố. Quy chế  này cũng có phần nội dung yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong giao tiếp, ứng xử phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, trung thực, thân thiện, hợp tác với đồng nghiệp.

Đồng thời quy chế cũng yêu cầu họ có ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc, không nói tục, dùng tiếng lóng, quát nạt…

Xem như cái thời người Hà Nội ăn nói chỉn chu, "khuôn vàng thước ngọc", trên kính dưới nhường, thưa gửi rõ ràng, không nói bậy chửi tục đã qua rồi.


 Người Hà Nội xưa luôn chỉn chu, lễ độ trong giao tiếp

Khi Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến phải ra văn bản xử lý cụ thể, nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong công sở, nhà trường và ngoài xã hội, đặc biệt lời nói thô tục, ứng xử không văn hóa nơi công cộng, làm ảnh hưởng đến nếp sống văn minh của thành phố… thì nói tục không phải chuyện vừa nữa.

Phải chăng đã có sự “lệch pha” trong ngôn ngữ thời công nghệ? Hay chính người Việt chúng ta đã tự mình “tục” hóa ngôn ngữ tiếng Việt, để việc nói tục bây giờ là bình thường, đôi khi là mốt thời thượng của ngay cả người trí thức?

Nói tục không chừa một ai

Chắc chưa ai quên một tình huống gây sốc cho công chúng khi một nữ biên tập viên phụ trách chương trình Chuyển động 24 của VTV đã văng tục ngay trên sóng trực tiếp khi có một trục trặc kỹ thuật, và nó đã được “lên” sóng quốc gia truyền khắp cả nước.

Hiện nay, ở bất cứ nơi nào cũng có thể nghe thứ ngôn ngữ dung tục đường phố, ngôn ngữ mà trước đây chỉ có giới xã hội đen hay dùng, những từ ngữ mà người có văn hóa khi nhắc lại còn ngượng. Không chỉ ở quán nước, hàng ăn, bến xe… ngoài đường phố mà ngay đến cổng trường học, trong công sở, và ở cả những nơi được gọi là chỉ dành cho cái đẹp như: Sân khấu, văn chương, phim ảnh... 

Nhưng có lẽ, đáng lưu ý nhất là ngôn ngữ dung tục này đã “lậm” vào giới trẻ Việt khá phổ biến. Không hiếm những trai thanh, gái lịch trước khi nói một câu là đệm theo một từ chỉ một hành vi giới tính. Còn vào mạng xã hội, thì việc nói tục chửi bậy bằng ngôn ngữ viết xem như là “nhả ngọc phun châu” một cách vô tư, có bao nhiêu thứ gì có thể là “văng” bạt mạng.

Một biên tập viên VTV văng tục ngay lập tức khi trái ý thì có lẽ “tiềm năng” nói tục chắc luôn “tiềm ẩn” như một phản xạ tư nhiên. Và không hiếm khi nghe những “tao nhân mặc khách” của làng văn chương thơ phú khi trà dư tửu hậu hồn nhiên nói tục như một sự tự nhiên vốn có. Chẳng thế mà nó đã luôn được thể hiện vào tác phẩm như sự phản ánh thực tế cuộc sống đang diễn ra…

Tác phẩm nghệ thuật lạm dụng ngôn ngữ đường phố

Một nhà văn, nhà biên kịch phim và sân khấu khá nổi tiếng khi nói về tác phẩm mới của mình hồ hởi khoe: “Trong vở này tôi cho nhân vật chửi sướng lắm”, và ông hăng hái nói quyết bảo vệ những câu chửi đó không bị cắt khi vở được biểu diễn trên sân khấu.

Gần đây, khi đọc một số tác phẩm văn học của nhiều nhà văn có tên tuổi được xuất bản, xu hướng xử dụng ngôn ngữ dung tục đường phố như một cái mốt và họ xem đó là một sự “cách tân” trong tác phẩm văn học Việt đương đại.

 Ngay cả một nhà văn được mệnh danh “trai Hà Nội” trong một cuốn tạp văn về Hà Nội mới xuất bản, trong đó ngôn ngữ dung tục đường phố được sử dụng khá nhiều, và khi trả lời phỏng vấn truyền thông anh cũng lấy đó là niềm vui vì “văn chương bình dân” của mình.

Còn trong phim, nhất là phim truyền hình Việt giờ vàng trên VTV, thì việc ngôn ngữ dung tục gần như thả lỏng. Cách đây vài năm, khi các series phim Cảnh sát hình sự:Đột kích, Kẻ sát nhân có tài mở khóa, Kẻ giấu mặt… Ma làng, Luật đời, Chàng trai đa cảm, Vòng nguyệt quế…, và gần đây nhất là loạt phim “ngoại tình” của VTV như Mưa bóng mây, Sóng ngầm, Hôn nhân trong ngõ hẹp, Máy bay ký sự…, hay phim được quảng bá rầm rộ đã phát sóng: Khi đàn chim trở về về đề tài lâm tặc, cho đến những phim của thể loại sitcom như : Gái ngoan truyền kỳ, Bótay.kom, … đều thấy có vấn đề thiếu kiểm soát trong ngôn ngữ lời thọai của phim, gây phản cảm tới công chúng xem phim, ảnh hưởng tới ngôn ngữ hành vi với giới trẻ vị thành niên.

Với tác phẩm văn học, có thể việc phổ biến không rộng trong cộng đồng và có một chừng mực chọn lọc đối tượng tiếp cận, nên ảnh hưởng với xã hội có thể chưa rõ ràng, nhưng với các bộ phim phát sóng trên truyền hình quốc gia, khi mà truyền hình Việt Nam chưa có thang bậc phân loại lứa tuổi, giờ xem phim thì việc đưa ngôn ngữ dung tục trong lời thoại nhân vật trên phim sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng.

Cần một quy chế thẩm định làm sạch ngôn ngữ Việt

Việc mới chỉ có chính quyền Thủ đô Hà Nội “tuyên chiến” với việc nói tục, ứng xử thiếu văn minh, kém văn hóa… chỉ là biện pháp tình thế. Cần phải phổ biến sâu rộng đến các tỉnh thành và nên “luật hóa” những quy chế này. Và không chỉ trong đời sống cộng đồng, mà còn ở các tác phẩm nghệ thuật có phần thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt.

Riêng với phim truyền hình, “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Cũng như hôm nay, không chỉ các nhà xã hội học, mà còn cả các nhà giáo dục, các bậc cao niên tâm huyết với truyền thống Việt đã phải giật mình vì thứ ngôn ngữ người trẻ đang sử dụng, đang dần đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt. Chắc chắn có phần nào “tiếp tay” của các bộ phim Việt trên sóng VTV.

Trong Chương V, điều 39, mục 2, Luật Điện ảnh VN quy định: “Hội đồng thẩm định phim có trách nhiệm thẩm định phim để tư vấn cho người đứng đầu cơ quan quyết định thành lập Hội đồng thẩm định phim về việc phổ biến phim và phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi”. Phạm vi được quy định cho cả phim truyền hình.

Nhưng thực tế không có một  chương trình nào quy định lứa tuổi được, không được xem. Nghiễm nhiên những gì được phát trên sóng thì “tứ đại đồng đường” cùng xem. Và dĩ nhiên những ngôn ngữ, lời thoại không nên nghe cứ mặc nhiên được các “bé” tiếp nhận, thu nạp, và ai biết được chúng sẽ bị “nhiễm” từ lúc nào.

Ở nước ngoài, bất kể phim thể loại nào cũng có khâu kiểm duyệt “thuần phong mỹ tục”. Nếu phim có nhiều từ tiếng lóng của giới “anh chị”, hay những ngôn từ gây phản cảm người nghe, hoặc gây ảnh hưởng đến vẻ đẹp ngôn ngữ dân tộc, làm mất sự toàn vẹn của ngôn ngữ… là khâu kiểm duyệt buộc phải sửa chữa.

Còn nếu như khả năng ngôn ngữ để thể hiện của người viết không đủ tầm để có ngôn ngữ “đẹp”, thuần Việt trong tác phẩm của mình thì hãy nên thương khán giả, đừng viết những tác phẩm đưa thứ  ngôn ngữ Việt hỗn tạp, không “sạch”, làm tổn thương đến thị hiếu thẩm mỹ của khán giả xem phim, mà trong đó có rất nhiều người trẻ, người đang giữ tương lai của ngôn ngữ Việt  được thuần Việt trong thế giới hội nhập và xu thế toàn cầu hóa.

Thiết nghĩ các nhà quản lý khi thẩm định, duyệt kịch bản phim cũng nên chú ý về ngôn ngữ thể hiện, có quy định rõ ràng các từ ngữ được phép và không được phép sử dụng, tiết chế những từ ngữ phản cảm.

Đừng để nói tục chửi bậy trở thành một “mốt”, một trào lưu và thành chuyện bình thường trong đời sống thường ngày, khi chúng ta đang dần tiến tới những chuẩn của nếp sống văn minh, có văn hóa trong thời hội nhập toàn cầu./. 

Nguồn: vov.vn, ngày 5/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất