Thứ Sáu, 13/9/2024
Nói và làm


Chuyện nhà công sở bây giờ và nhà làm việc của Bác Hồ trước kia

Hiện nay, xã hội vẫn đang nóng về chuyện Đà Nẵng định di dời Trung tâm hành chính. Tòa nhà này tổng diện tích hơn 21.000 m2 được thiết kế theo biểu tượng ngọn hải đăng, cao cao 167 m, 37 tầng, bao quanh là hệ thống vách kính khung nhôm khép kín, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. 34 tầng nổi của tòa nhà là nơi làm việc của khoảng 1.600 công chức, gồm lãnh đạo thành phố, các sở, ngành. Hai tầng hầm làm chỗ để xe, tầng thượng làm nơi ngắm cảnh. Một tòa nhà 2200 tỷ như vậy mà chỉ mới khánh thành tháng 9/2014, sau 2 năm đã định bỏ, với lý do vị trí không phù hợp, ảnh hưởng đến giao thông trong giờ cao điểm, hệ thống thông gió không được đảm bảo, thiếu không khí, thiếu oxy ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, công chức.

Chuyện Đà Nẵng di dời Trung tâm hành chính khiến tôi nhớ đến trong nội dung cuốn sách “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một kiến trúc sư viết: “Năm 1954, hòa bình lập lại, Trung ương Đảng và Chính Phủ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Hôm cơ quan văn phòng Phủ Chủ tịch dọn vào chỗ ở, Bác đã bỏ qua những căn phòng sang trọng trong tòa nhà lớn để chọn một ngôi nhà nhỏ và cũ này làm chổ ở và nơi làm việc của mình. Phòng ngủ của Bác không rộng. Cái giường một giải tấm chiếu đậu trắng, hệt như những chiếc giường thường dùng trong các khu tập thể cán bộ. Một cái tủ đứng hơi cũ có đánh véc-ni bóng, nhưng trông cũng không hơn hơn gì loại tủ cuả những gia đình bình thường. Chỗ tấm rửa của Bác là một cái phòng chật hẹp và cũng trang trí giản dị, chậu tắm và chậu rửa mặt bằng sứ, trông sạch bóng nhưng đã có những vết rạn nhỏ. chỗ Bác ở không có máy điều hòa nhiệt độ, lò sưởi điện, quạt máy, máy thu thanh… dù đó là điều kiện sinh hoạt tối thiểu của một vị Chủ tịch nước. Các nơi gủi đến biếu Bác nhiều thứ nhưng Bác không dùng mà đều làm phần thưởng để tặng các địa phương, đơn vị có nhiều thành tích.

Để đảm bảo sức khỏe cho Bác, Trung ương quyết định chuyển Bác đến nơi ở mới. Trong thời gian tháng 3 năm 1958, Bác đi công tác vắng, đơn vị thi công làm gấp mọi việc, mọi cách, ngôi nhà phải được cất xong trước ngày Bác về. Hôm về, Bác khen:

- Các chú làm như thế là nhanh, tốt, bảo đảm thời gian nhưng còn một khuyết điểm. Các chú có biết khuyết điểm gì không?

Anh em chúng tôi đưa mắt nhìn nhau lo lắng. Tôi giơ tay xin Bác cho nói:

- Thưa Bác, so với ý Bác dặn có tốn kém hơn đôi chút ạ!

Bác cười, chòm râu bạc rung nhè nhẹ:

- Chú nói đúng.

Tôi vội đỡ lời.

- Thưa Bác, làm nhà để Bác ở, chúng cháu ai cũng cố gắng làm tốt, làm đẹp. Trong phần việc của mình, mỗi người thêm thắt một ít nên cộng lại tốn kém chút ít, nhưng chúng cháu muốn Bác ở một cái nhà đẹp hơn, tốt hơn thế này.

Bác hơi chơm chớp mắt rồi chỉ lên nhà:

- Nước ta chưa giàu, dân ta chưa còn khổ, chưa đủ nhà ở, Bác ở thế này là tốt lắm rồi, các chú không phải lo cho Bác.”

Chuyện xe công bây giờ và chiếc xe phục vụ Bác Hồ đi công tác trước kia

Một chuyện thời sự nóng nữa cũng đang được xã hội quan tâm, đó hiện nay các bộ ngành và các cơ quan nhà nước ở địa phương hiện có khoảng 7.000 chiếc xe công dư thừa. để bảo trì, vận hành mỗi năm của 7.000 xe này phải chi tốn 2.240 tỉ đồng, thế mà năm 2015 vẫn có hơn 600 xe công sắm mới. Nghịch lý là do đang thừa xe nhưng vẫn sắm mới đã ngốn của ngân sách nhà nước một khoản tiền khổng lồ.

Chuyện sử dụng xe công lãng phí hiện nay khiến tôi nhớ đến trong nội dung cuốn sách “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có kể: Sau khi hoà bình lập lại năm 1954, khi trở về thủ đô Hà Nội, Bác Hồ thường sử dụng hai chiếc ô tô Pobeda và Peugeot 404 đi thăm các địa phương, các đơn vị bộ đội, các trường học. Chiếc Pobeda là một trong sáu chiếc ôtô do Chính phủ Liên Xô tặng VN năm 1955. Tháng 3.1957, Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao chuyển cho Văn phòng Phủ Chủ tịch. Vận tốc tối đa của xe là 140km/h. Xe đã phục vụ Bác từ năm 1957 đến năm 1969 và đã chạy được 39.463km. Xe Peugeot 404 là một trong hai chiếc ôtô của Việt kiều ở Xăngtôvila và Rômia (tên một tỉnh thuộc địa của Pháp) biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 8/3/1964. Xe được chuyển về bằng đường tàu thuỷ từ Pháp sang và cập bến Hải Phòng. Xe có vận tốc tối đa là 170km/h và đã chạy được 16.575km. Khi đi công tác xa, Bác thường đi xe Pobeda vì xe cao, mã lực khoẻ và tiết kiệm xăng. Còn đi lại trong thành phố và đặc biệt những năm cuối đời, Bác thường đi chiếc Peugeot 404. Vì năm 1967, Bác bị tai biến não nhẹ, nên chân bị yếu, chiếc xe Peugeot 404 có ưu điểm gầm xe thấp, Người lên xuống xe thuận tiện hơn. Những năm 1960, Liên Xô viện trợ cho VN một số loại xe mang nhãn hiệu Volga , có thể lên được độ dốc cao. Còn hai chiếc Pobeda và Peugeot đã cũ, không lên được. Các đồng chí phục vụ xin phép Bác cho thay xe: “Thưa Bác, các đồng chí bộ trưởng cũng đã thay xe rồi”. Nhưng Bác không đồng ý và phê bình: “Xe cũng có cấp à? Ai thay thì cứ việc thay, còn Bác vẫn sử dụng hai chiếc xe cũ này”. Chính vì vậy, trước khi đi công tác, xe bao giờ cũng được kiểm tra cẩn thận và thường xuyên được bảo dưỡng định kỳ. Trong suốt thời gian phục vụ Bác, các đồng chí lái xe đã tự hào không bao giờ để xảy ra một sơ suất nhỏ nào.

Đọc chuyện trước kia, nghĩ chuyện bây giờ, bỗng thấy hóa ra hiện nay có một số cán bộ miệng luôn hô hào mọi người học tập đạo đức của Bác Hồ nhưng trên hành động thực tế thì bản thân họ lại không chịu học.

Buồn thay.

Nguồn: dantri.com.vn/, ngày 17/8/2016
 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất