Thứ Sáu, 26/4/2024
“Trì quốc” và lòng dân, vận nước

Thời nào đất nước phú cường, vua sáng, cơ nghiệp vững như bàn thạch thì đều do triều đình biết tựa vào lòng dân mà giữ nước. Lòng dân yên thì vận nước mới lên. Ngược lại, khi lòng dân oán thán, thì mạt lộ không xa. Cứ đem lòng dân mà đo vận nước thì luôn chính xác. Nếu số ít những người cầm quyền chỉ lo giành giật điều có lợi cho riêng mình, mà gây thiệt hại cho quảng đại dân chúng, thì đấy sẽ là đầu mối của sự loạn lạc.

Trì quốc là lòng dân tự phục, quy về một mối, trọng dân, dân là chủ thể. Trì quốc là để nước thịnh, lấy chính sức dân, trí dân mà làm giàu cho dân, cho nước.

Khi binh biến, để chống giặc ngoại xâm, sức mạnh vô địch của muôn dân luôn được phát huy. Thời bình, lại càng phải dựa vào sức mạnh của trăm họ để bồi đắp nguyên khí, nội lực quốc gia; dựa vào tai mắt của dân để chống “giặc nội xâm” tham ô, biển thủ công quỹ, tham nhũng... Những giai đoạn thịnh trị đều có những hình luật hết sức nghiêm khắc xử lý hành vi tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ, bởi những hành vi đó đều bị coi là trọng tội. Phàm kẻ mắc các trọng tội này, án tử treo trước mặt! Người xưa cũng áp dụng tiền dưỡng liêm để người làm quan không tơ hào của công, không làm việc khuất tất, tự gột rửa lòng mình, giữ thân liêm khiết, gắng gỏi việc công, yêu thương và giúp dân yên nghiệp...

Công cuộc phòng, chống tham nhũng đang được Đảng ta đẩy mạnh hiện nay cũng là một nhiệm vụ trì quốc, đang được toàn dân đồng tình và tích cực tham gia. Lòng dân tiếp tục quy tụ bên Đảng, đó là chỉ báo về thế nước đang lên! 

Trì quốc thì trước hết phải giữ nghiêm kỷ cương trong Đảng. Kỷ luật của Đảng là “kỷ luật thép”, cán bộ, đảng viên bất kể ở cương vị nào, nếu phạm tội, nhất là tội tham ô, tham nhũng đều phải bị xử lý theo pháp luật. Giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng thì mới giữ vững kỷ cương trong xã hội. Kỷ luật đảng vừa thể hiện tính nghiêm minh, tinh thần tự giác cao độ, vừa mang tính dân chủ, nhân đạo sâu sắc. Những ai “trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác tự gột rửa”, như lời cảnh tỉnh của Tổng Bí thư tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta ngày càng tăng cường hơn với những giải pháp căn cơ, sâu xa mang tính phòng ngừa, như minh bạch hóa nền kinh tế bằng quy định dần thanh toán mọi giao dịch qua ngân hàng, tiến tới loại bỏ nền kinh tế tiền mặt; thực hiện cải cách tiền lương để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sống được bằng chính sức lao động chính đáng của mình, hạn chế những phát sinh tiêu cực... 

Vừa tròn 5 năm Đảng ta sơ kết Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, càng thấy, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử và thời kỳ nào của cách mạng, công tác dân vận cũng có tầm quan trọng chiến lược. Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Lòng dân chính là hàn thử biểu, là thước đo uy tín của Đảng. Nhưng dân vận không phải là những lời nói suông, dân vận là hành động, là “miệng nói - tay làm”, “làm nhiều hơn nói”. Những kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng và những chuyển biến tích cực của nền kinh tế đất nước hiện nay chính là những minh chứng sống động và thuyết phục hơn cả đối với người dân cả nước về việc trì quốc của Đảng ta. 

Người dân tin tưởng, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, Đảng ta ngày càng bền gan vững chí, chân cứng đá mềm! 

Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng khi toàn dân đồng lòng bên Đảng, “ý Đảng lòng dân” là một, thì không một khó khăn nào có thể cản nổi thế đi lên và tiền đồ tươi sáng của đất nước./.

Lê Tuấn/Tạp chí Cộng sản điện tử

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất