Thứ Ba, 10/12/2024
Nghiệm thu cấp cơ sở đề án khoa học “Công tác dân vận tham gia bảo vệ an ninh môi trường ở các tỉnh Tây Nguyên”

 Quang cảnh hội nghị nghiệm thu

Báo cáo tóm tắt đề án do đồng chí Đỗ Thịnh, Vụ trưởng, Chủ nhiệm đề án trình bày tại hội nghị cho thấy: Tây Nguyên là vùng đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của cả nước. Trên địa bàn Tây Nguyên hiện có 2 vấn đề được hết sức quan tâm là an ninh chính trị và an ninh môi trường. Trong đó, an ninh môi trường phần lớn là vấn đề do chủ quan con người tạo ra, có ảnh hưởng, tác động về nhiều mặt nhất là đến chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển ổn định, bền vững của khu vực.

Trong những năm qua, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, luật bảo vệ và phát triển rừng, luật đất đai, luật tài nguyên nước... và các quy định của chính quyền địa phương về những vấn đề liên quan. Tuy nhiên, công tác dân vận của hệ thống chính trị trong lĩnh vực bảo vệ an ninh môi trường có lúc, có nơi chưa được đặt ra đúng mức cả tầm vĩ mô và trong tổ chức thực hiện. Thực hiện đề án: “Công tác dân vận tham gia bảo vệ an ninh môi trường ở các tỉnh Tây Nguyên” có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực, nhằm góp phần đánh giá thực trạng, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận tham gia bảo vệ an ninh môi trường ở các tỉnh Tây Nguyên đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, báo cáo khoa học của Đề án gồm 02 phần: Phần I - Một số vấn đề lý luận chung và thực trạng công tác dân vận tham gia bảo vệ an ninh môi trường ở các tỉnh Tây Nguyên; Phần II - Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận tham gia bảo vệ an ninh môi trường ở các tỉnh Tây Nguyên. Thông qua đề án, Ban Chủ nhiệm đã đưa ra được các khái niệm, mục tiêu cơ bản, nội dung, phương thức, tiêu chí đánh giá, thực trạng và 09 bài học kinh nghiệm trong công tác dân vận tham gia bảo vệ an ninh môi trường ở các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2023. Trên cơ sở đó, đề án đã dự báo tình hình và đưa ra 08 nhóm giải pháp với các nội dung cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác dân vận tham gia bảo vệ an ninh môi trường ở các tỉnh Tây Nguyên trong giai đoạn mới…


 Đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị


Tại hội nghị, ý kiến của các phản biện và ủy viên Hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá đề án là công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng, phản ánh đúng thực tiễn, có tính dự báo và đưa ra những giải pháp mang tính ứng dụng cao, một số kiến nghị xác đáng giúp nâng cao chất lượng
công tác dân vận trong tham gia bảo vệ an ninh môi trường ở các tỉnh Tây Nguyên trong giai đoạn mới... Bên cạnh đó, các phản biện và ủy viên Hội đồng nghiệm thu cũng cũng thẳng thắn góp ý, chỉ ra những điểm chưa hợp lý, cần điều chỉnh để Ban Chủ nhiệm nghiên cứu tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện trước khi đưa ra bảo vệ cấp ban (bộ).

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu ghi nhận đề án là công trình khoa học công phu, tâm huyết, thông tin tư liệu phong phú, dày dặn với nhiều điểm mới, các giải pháp đưa ra có tính thực tiễn, ứng dụng cao... Đồng chí Nguyễn Lam đề nghị Ban Chủ nhiệm đề án tiếp thu các ý kiến phản biện, đóng góp để tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm nghiên cứu với chất lượng cao nhất, góp phần để đề án có thể trở thành “cẩm nang” cho cán bộ làm công tác dân vận tham gia bảo vệ an ninh môi trường… Tại Hội nghị, Hội đồng nghiệm thu chấm thông qua đề án với số điểm trung bình đạt 91,66 điểm./.

PN

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất