Thứ Sáu, 6/12/2024
Nâng cao chất lượng công tác dân vận của Quân đội trên địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh
 
 Thiếu tướng Ngô Văn Bích tặng quà cho Trường phổ thông dân tộc
bán trú tiểu học Bát Đại Sơn (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang).

(Ảnh: quankhu2.vn)

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp, công tác dân vận của Quân đội nói chung, trên địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh nói riêng đã được thực hiện tích cực, toàn diện, với nhiều nội dung, hình thức sáng tạo, hiệu quả. Công tác dân vận của các đơn vị trên địa bàn này đã tập trung vào việc tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp và hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, gia đình; giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quản lý, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên, v.v. Đồng thời, động viên mọi cán bộ, chiến sĩ đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, tích cực tham gia giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, phổ biến kiến thức về khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ giống, vốn, cây trồng, vật nuôi cho nhân dân; hướng dẫn cách thức làm ăn, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, ngành nghề từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa.

Thông qua thực tiễn hoạt động, nhiều mô hình công tác dân vận của Quân đội được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực, như: “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Áo ấm tặng người nghèo nơi biên giới”, “Trái tim cho em”, “Gắn kết giữa hộ gia đình người Kinh với hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số”, v.v. Ngoài ra, các đơn vị còn phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương xây dựng hàng trăm công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm. Tiêu biểu như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội đầu tư hàng trăm tỷ đồng, triển khai Chương trình phủ sóng viễn thông, cung cấp bộ hòa mạng “Buôn làng”, mở Tổng đài dịch vụ điện thoại tiếng dân tộc cho vùng sâu, vùng xa. Bộ đội Biên phòng tham gia có hiệu quả Chương trình ngân hàng bò, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; thực hiện các đề án bảo tồn người dân tộc La Hủ ở Mường Tè (Lai Châu), người dân tộc Đan Lai ở Con Cuông (Nghệ An) và dự án định canh, định cư của đồng bào Rục. Đặc biệt là tổ chức Hành trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, với sự tham gia của nhiều lực lượng trong và ngoài Quân đội, diễn ra ở 71 huyện, thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc làm này đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Quân đội đối với nhân dân, nhất là các gia đình, đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng1. Qua đó, củng cố lòng tin của nhân dân trên địa bàn đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và cấp ủy, chính quyền địa phương; tăng cường đoàn kết quân - dân, đoàn kết dân tộc; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội2, v.v.

Tuy nhiên, công tác dân vận của Quân đội trên địa bàn này vẫn còn có những hạn chế, bất cập. Việc bám nắm tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành công tác dân vận trên địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh có lúc có nơi chưa kịp thời; nội dung, hình thức chưa phù hợp với đối tượng và từng loại hình đơn vị nên sức thuyết phục chưa cao, v.v.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” và những hạn chế của ta trên các lĩnh vực để kích động, chống phá, hòng làm giảm lòng tin, chia rẽ nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tình hình đó đặt ra cho công tác dân vận của Quân đội trên địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh những yêu cầu mới, đòi hỏi cao hơn.

Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn này trong tình hình mới, trước hết, các đơn vị Quân đội cần làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò công tác dân vận đối với địa bàn chiến lược của Tổ quốc. Qua đó, để bộ đội thấy công tác dân vận là biện pháp cơ bản để tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Quân đội; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần tập trung vào quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác dân vận; nhất là Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới”, Nghị quyết 49-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Đổi mới và tăng cường công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới”, v.v. Trên cơ sở nhận thức đúng, đề cao trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong tiến hành công tác dân vận; vận dụng sáng tạo các mô hình dân vận phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh; khắc phục biểu hiện tư tưởng lệch lạc, xem nhẹ công tác dân vận, vi phạm kỷ luật trong công tác, làm tổn hại đến mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân. Công tác dân vận cần hướng mạnh về cơ sở, địa bàn, nơi còn nhiều khó khăn, phức tạp; thực hiện tốt các phong trào thi đua: “Dân vận khéo”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, tạo phong trào hành động cách mạng sâu, rộng, động viên đồng bào các dân tộc trên địa bàn tích cực lao động sản xuất, bảo vệ làng bản, xây dựng quê hương giàu mạnh.

Vấn đề có ý nghĩa quyết định để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Quân đội trên địa bàn trọng yếu là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp. Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đóng quân trên các địa bàn này cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát, phân công rõ ràng trách nhiệm của cấp ủy viên phụ trách công tác dân vận. Trong nghị quyết lãnh đạo năm, quý, tháng, cần kiểm điểm nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất kết quả công tác dân vận, coi đó là một tiêu chí để đánh giá chất lượng tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên hằng năm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong việc tham mưu, chỉ đạo, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và các lực lượng trên địa bàn trong thực hiện công tác dân vận. Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích và xử lý nghiêm những trường hợp thiếu trách nhiệm, hiệu quả công tác thấp, vi phạm kỷ luật dân vận.

Cùng với đó, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức công tác dân vận theo hướng hiệu quả, thiết thực, phù hợp với nhận thức, phong tục, tập quán của đồng bào. Theo đó, các đơn vị cần đa dạng hóa hình thức vận động nhân dân, như: mở rộng hoạt động kết nghĩa, huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận; đẩy mạnh hoạt động của đội ngũ cán bộ tăng cường cơ sở; các chương trình phối hợp hoạt động với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” và hiệu quả hoạt động “Tổ công tác dân vận”; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc, người có uy tín để tiến hành công tác dân vận. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương thức, tổ chức hoạt động của Hội đồng quân nhân và các tổ chức quần chúng, bảo đảm sát thực, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của Quân đội, địa phương, đơn vị và quyền lợi, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên. Tăng cường quan hệ, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể của địa phương trong tiến hành công tác dân vận; quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt chính trị, nòng cốt phong trào ở các khu vực, địa bàn trọng điểm. Cơ quan quân sự địa phương cần giữ vững vai trò trung tâm phối hợp hiệp đồng tiến hành công tác dân vận; thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp giải quyết những vấn đề nảy sinh, không để lây lan, phát triển thành “điểm nóng”.

Phát huy tốt vai trò của cơ quan chuyên trách và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận. Các đơn vị cần chú trọng kiện toàn về số lượng, cơ cấu, chất lượng cán bộ dân vận, cơ quan chuyên trách công tác dân vận; phát huy vai trò tham mưu, theo dõi, tổng hợp, giúp người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên chỉ đạo công tác dân vận của đơn vị. Để xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận “vừa hồng, vừa chuyên” hoàn thành tốt nhiệm vụ, cần lựa chọn những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; nhiệt tình, trách nhiệm, trung thực trong công việc; tri thức toàn diện, am hiểu phong tục, tập quán địa phương, biết nói tiếng của người dân tộc thiểu số; có kiến thức, kỹ năng, phương pháp, tác phong và kinh nghiệm công tác dân vận. Chống biểu hiện xem nhẹ công tác dân vận, bố trí và sử dụng những cán bộ dôi dư, phẩm chất và năng lực không cao, uy tín thấp về làm công tác dân vận.

Thực hiện tốt công tác dân vận trên địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của Quân đội ta, nhằm thắt chặt tình đoàn kết quân - dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội, góp phần xây dựng các địa bàn trọng điểm vững mạnh, tô thắm thêm bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” - “Bộ đội của dân” trong thời kỳ mới.

Thiếu tướng NGÔ VĂN BÍCH, Cục trưởng Cục Dân vận

________________

1 - Kết quả của Hành trình: khám, cấp thuốc miễn phí cho gần 70.000 người; phẫu thuật thay thủy tinh thể cho 38 người; tặng trang thiết bị y tế cho 100 bệnh xá quân - dân y (20 - 30 triệu đồng/bệnh xá); xây tặng 06 Nhà tình nghĩa,… với tổng số tiền trị giá 22 tỷ 500 triệu đồng.

2 - Trong 10 năm (2003 - 2013), toàn quân đã tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương được 44.230 lượt xã, phường; tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương 1.261 lượt cán bộ; kết nạp Đảng cho quân nhân người dân tộc thiểu số 2.558 người và quân nhân có đạo 931 người; đào tạo được hơn 1.000 y tá, y sĩ thôn bản, củng cố 1.553 trạm y tế xã; mở 234 lớp xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho 2.370 học sinh; xây dựng 3.730 Nhà Đại đoàn kết, Nhà Đồng đội, trị giá hơn 200 tỷ đồng; tham gia giúp dân phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, di dời 275.600 người dân và 39.350 phương tiện.

Nguồn: tapchiqptd.vn, ngày 14/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác