Thứ Bảy, 20/4/2024
Nâng cao hiệu quả giám sát xã hội của MTTQ Việt Nam
 
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị nghiệm thu đề tài


Đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát của MTTQ Việt Nam” là đề tài cấp Bộ do Ban Dân chủ Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì, TS Nguyễn Quang Minh, Trưởng ban Dân chủ Pháp luật là chủ nhiệm đề tài.

Đề tài tập trung vào một số vấn đề lý luận cơ bản về giám sát của MTTQ Việt Nam, khái quát và đánh giá thực trạng hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam. Phân tích những kết quả, và những hạn chế vướng mắc cũng như những nguyên nhân chủ yếu của những kết quả và hạn chế đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam.

Ban Chủ nhiệm đề tài đề xuất cần hoàn thiện chính sách pháp luật về giám sát của MTTQ Việt Nam qua việc tiếp tục thể chế hóa quy chế giám sát phản biện xã hội của Bộ Chính trị và cụ thể hóa Hiến pháp 2013, Luật MTTQ Việt Nam về giám sát của MTTQ Việt Nam thành những quy định cụ thể. Tiếp tục tăng cường nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, trọng tâm là trong hệ thống chính trị về công tác giám sát của MTTQ Việt Nam.

Trong tổ chức thực hiện công tác giám sát, Ban chủ nhiệm đề tài đề nghị, MTTQ Việt Nam các cấp cần triển khai đồng bộ các hình thức giám sát đã được quy định và các hình thức giám sát khác.

Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 quy định 4 hình thức giám sát cơ bản của MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay ở các cấp MTTQ Việt Nam địa phương và kể cả Trung ương chỉ quá chú trọng vào hình thức giám sát qua việc tổ chức đoàn giám sát mà chưa quan tâm thích đáng các hình thức giám sát khác. Vì vậy bên cạnh việc cần tính toán lại hình thức giám sát theo đoàn cho thật hiệu quả, chỉ trong những trường hợp cần thiết, tránh tổ chức tràn lan theo phong trào, cần chú trọng đến các hình thức giám sát khác trong đó cần đặc biệt lưu ý đến hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân.

Bên cạnh đó Ban chủ nhiệm đề tài cũng đề xuất cần tiếp tục đổi mới về tổ chức bộ máy và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam. Đổi mới phương thức hoạt động và tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan tổ chức khác trong quá trình giám sát.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, giám sát là một trong những chức năng, nhiệm vụ truyền thống gắn liền với MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, việc phát huy chức năng, nhiệm vụ này của MTTQ Việt Nam chỉ thực sự bắt đầu được quan tâm từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và ngày càng được quan tâm trong những năm gần đây.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước trong những năm qua nhất là từ sau khi có quy chế giám sát và phản biện xã hội của Bộ Chính trị, hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động giám sát.

Chỉ trong 3 năm (2014-2016) đã có hàng trăm chương trình phối hợp giám sát giữa MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên Mặt trận, các cơ quan tổ chức liên quan ở các cấp đã được ký kết và triển khai với hàng nghìn hoạt động giám sát diễn ra và đã đạt được những kết quả nhất định, tạo dấu ấn quan trọng trong hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đánh giá đề tài khoa học cấp Bộ “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát xã hội của MTTQ Việt Nam” được thực hiện công phu, nghiêm túc, có tính ứng dụng cao phù hợp với điều kiện tình hình hiện nay của công tác Mặt trận.

Theo Phó Chủ tịch- Tổng thư ký, đề tài góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về giám sát của MTTQ Việt Nam, đề xuất kiến nghị các giải pháp tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và các giải pháp về tổ chức thực hiện cũng như các biện pháp đảm bảo hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam.

Qua bỏ phiếu, Hội đồng nghiệm thu đã đồng ý nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát xã hội của MTTQ Việt Nam” do Ban dân chủ pháp luật chủ trì thực hiện.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Ban chủ nhiệm cần tiếp tục hoàn thiện đề tài về mặt lý luận, bổ sung những kết quả giám sát thực tiễn, quan tâm đến các giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng giám sát của MTTQ Việt Nam nhất là ở cơ sở, việc hậu kiểm sau giám sát để khi Quốc hội thông qua Nghị quyết liên tịch về các hình thức giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam, đề tài sẽ là căn cứ khoa học góp phần đưa hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam ngày càng thiết thực, hiệu quả cao hơn.

Nguồn: daidoanket.vn, ngày 11/5/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất