Thứ Năm, 5/12/2024
Có người khắc có súng, có dân là có tất cả*

 Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước
lên kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954
.
 Ảnh : TL

Tôi rất vinh dự được trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Dân vận do Ban Dân vận Trung ương trao tặng, ghi nhận thành tích nhỏ bé của tôi tham gia vào công cuộc cách mạng của dân tộc. Nhân đây cũng được nói với các đồng chí đôi điều: 

Tôi tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, hôm nay gặp các đồng chí tôi nhớ tới Bác Hồ kính yêu của chúng ta, trong những năm đầu cách mạng. Thời kỳ sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Hôm đó ở trong hang Pác Bó (Cao Bằng), một đêm giá lạnh ngồi xung quanh bếp lửa với Bác, có tôi, đồng chí Vũ Anh, đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Phùng Chí Kiên… trao đổi về ý kiến xây dựng lực lượng vũ trang và khởi nghĩa vũ trang. Trong số chúng tôi có người băn khoăn, nếu ta khởi nghĩa vũ trang sẽ khó khăn vì thiếu thốn vũ khí, súng đạn. Bằng giọng nói rất ôn tồn và bình thản, nhưng tôi còn nhớ mãi, Bác nói: “Không lo đâu có người khắc có súng, người trước súng sau. Để làm được việc đó các chú sẽ đi làm dân vận”. Thực hiện lời nói đó của Bác, tôi và các đồng chí khác trở thành những cán bộ dân vận, trực tiếp đi vận động đồng bào.

Thực ra từ khi tham gia cách mạng làm công tác do Đảng phân công, hoạt động thời kỳ Mặt trận Dân chủ ở Huế, ở Hà Nội tôi đã làm công tác vận động quần chúng. Nhưng gặp Bác Hồ, được Bác trực tiếp giao công tác dân vận đồng bào dân tộc. Để hoàn thành việc Bác giao tôi đã tự học được 3 thứ tiếng của đồng bào: Tày, Nùng, Mông.

Làm cách mạng, chúng ta có dân mới có Mặt trận Việt Minh, có đội tự vệ, tự vệ chiến đấu. Không khí cách mạng lên rất cao. Cao Bằng trở thành ngôi sao sáng của chiến khu Cao - Bắc - Lạng. Khi Nhật gây chiến Pháp, Trung ương có Chỉ thị Nhật Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta; chỉ rõ thời cơ, lúc nào phải đứng lên khởi nghĩa. Phong trào và khí thế của quần chúng khi đó lên rất cao. Trước tình hình như vậy chúng tôi mới tiến hành khởi nghĩa vũ trang, thành lập chính quyền ở căn cứ Cao - Bắc - Lạng. Các đồng chí phân công cho tôi dự thảo Nghị quyết để lên trình bày và xin ý kiến Bác.

Nghe tôi báo cáo xong, Bác phê bình rất nhẹ nhàng: Các đồng chí làm công tác vận động quần chúng tốt nhưng bộc lộ lực lượng sớm quá. Bác có ý nhấn mạnh: Xét về tình hình chung của cả nước thì thời cơ khởi nghĩa vũ trang chưa tới. Nếu Cao - Bắc - Lạng đứng lên đơn độc khởi nghĩa sẽ thất bại. Cuộc đấu tranh của nhân dân lúc này không chỉ đơn thuần là đấu tranh chính trị như trước mà phải có hình thức đấu tranh thích hợp. Bác nói: Chúng ta cần phải thành lập Đội Giải phóng quân. Chọn các đồng chí ưu tú trong lực lượng du kích, tự vệ. Tôi cùng các anh Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên làm kế hoạch thành lập một trung đội. Đồng chí Hoàng Sâm được cử làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng là bí thư chi bộ, tôi là chính trị viên.

Sau khi trình bày Bác nói được rồi, nhưng lúc này tổ chức hoạt động vũ trang chưa phải tiêu diệt địch là chính (Tất nhiên diệt địch là nhiệm vụ của lực lượng vũ trang). Nhưng lúc này tiêu diệt địch để phát động nhân dân cho nên hoạt động chính trị hơn là quân sự. Tuyên truyền hơn tác chiến. Trước mắt ta thêm hai chữ “tuyên truyền” nên tên của đội là Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Sau này lớn mạnh ta tổ chức Giải Phóng quân. Trước khi chia tay về, Bác còn nói: “Trong vòng một tháng phải có hành động, thời cơ đã có, trận đầu ra quân nhất định phải thắng: Dựa vào dân thì nhất định thắng. Có dân thì có tất cả.”

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời ở khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Kim Mã, tổng Hoàng Hoa Thám, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ban Chỉ huy Đội họp bàn và quyết định đánh đồn Pai Kắt và Nà Ngần. Chọn đánh các đồn này vì ở đây ta đã xây dựng được cơ sở quần chúng. Ở đồn Pai Kắt ta có em bé Hồng thường xuyên ra vào đồn mua hàng, thuốc lá cho giặc. Ở đồn Nà Ngần, có anh Đức Long thường xuyên ra vào do đó nắm chắc sự bố phòng của quân địch. Đánh vào đây ta chắc chắn sẽ giành thắng lợi vì dựa chắc vào dân. Thực tế trận đánh đã diễn ra rất nhanh, sau 5 đến 10 phút ta đã giành thắng lợi hoàn toàn.

Qua trận đánh đầu tiên này tôi rút ra bài học về công tác dân vận: Có dân là có tất cả, dựa vào dân thì nhất định thắng lợi. Từ đó tôi thấm thía bài học công tác dân vận.

Hàng năm chúng ta lấy ngày 15/10 tổ chức học tập bài Dân vận của Bác Hồ là rất đúng. Công tác dân vận và nhiệm vụ của Ban Dân vận là cực kỳ quan trọng, trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào./.

(Bài đăng trên Tạp chí Dân vận năm 2001)


 

Gửi cho bạn bè