Thứ Ba, 23/4/2024

Học Bác để vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc hiện nay

Mùa hè năm 1946, Bác Hồ đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới nước Pháp, tham dự Hội nghị Phông-te-nơ-blô nhằm tìm giải pháp có lợi cho nền hoà bình, thống nhất của dân tộc Việt Nam mới giành được độc lập. Tại Pháp, bên cạnh các hoạt động của Hội nghị, Người tranh thủ thời gian gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với bà con Việt kiều ở Pháp. Hội nghị Phông-te-nơ-blô kết thúc mà không đạt được kết quả như mong muốn, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước để chuẩn bị cuộc trường kỳ kháng chiến. Trong đoàn trở về nước cùng Bác năm ấy có bốn trí thức người Việt đã thành danh ở Pháp: Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân và Võ Đình Quỳnh, họ về nước để chuẩn bị các điều kiện và sẵn sàng tham gia kháng chiến.

Bốn trí thức kể trên mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ có điểm chung đều là những sinh viên giỏi, tốt nghiệp những trường Đại học nổi tiếng của Pháp và thế giới, có công ăn việc làm ổn định với thu nhập cao… song sẵn sàng về nước theo tiếng gọi của non sông và của Hồ Chủ tịch.

Là người am hiểu các trí thức người Việt tại Pháp, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1946, Trần Đại Nghĩa được sống, làm việc và tháp tùng Bác trong chuyến thăm Pháp. Người kỹ sư trẻ quê Vĩnh Long đã báo cáo với Bác tất cả những điều mình biết về các vấn đề quân sự của Chiến tranh thế giới thứ II. Ngày 8/9/1946, Bác Hồ cho mời kỹ sư Trần Đại Nghĩa đến và cho biết Hội nghị Phông-te-nơ-blô đã không thành công, Bác nói: “Bác về nước, chú chuẩn bị về với Bác. Hai ngày nữa ta lên đường”.

Cũng như kỹ sư Trần Đại Nghĩa, trí thức Võ Quý Huân đã tham gia nhiều hoạt động tiếp đón, phục vụ Hồ Chủ tịch và phái đoàn ta trong cuộc hoà đàm lịch sử. Trước lúc rời Pháp, Bác Hồ đã mời một số trí thức tiêu biểu, trong đó có Võ Quý Huân đến gặp. Người ôn tồn nói: “Bác sắp về nước. Các chú chuẩn bị để vài ngày nữa chúng ta lên đường. Các chú đã sẵn sàng chưa?”. Võ Quý Huân lên tàu về nước, phải chia xa người vợ Vo Quy Irenè (người Pháp gốc Nga), là Tiến sĩ Ngôn ngữ học, nói và viết thành thạo 7 ngoại ngữ và con gái mới tròn 2 tuổi có tên là Võ Quý Việt Nga. Trước nghĩa vụ với Tổ quốc, ông đã nén tình cảm riêng, quyết tâm trở về Việt Nam phục vụ đất nước.

Giáo sư, bác sỹ Trần Hữu Tước sinh ra trong một gia đình trung lưu tại Hà Nội. Tốt nghiệp phổ thông trung học, ông được học bổng sang Pháp du học và thi đỗ vào trường Đại học Y khoa Pa-ri, bảo vệ luận án bác sĩ xuất sắc năm 1940, được giữ lại trường làm bác sĩ Tai mũi họng, có tín nhiệm, được mời giảng dạy, điều trị tại nhiều bệnh viện ở Pháp với mức thu nhập rất cao. Bác sĩ Trần Hữu Tước đã nghe theo lời kêu gọi của Bác, tự nguyện từ bỏ cuộc sống giàu sang bên Pháp, trở về phục vụ quê hương.

Kỹ sư chuyên về luyện gang thép Võ Đình Quỳnh quê vùng “núi Ấn, sông Trà” - Quảng Ngãi. Là người trẻ nhất trong số những thanh niên thông minh và yêu nước cùng về với Hồ Chủ tịch năm 1946. Cùng tiếng gọi của Bác, ông thực hiện lời căn dặn của người cha: Tổ quốc sẽ rất cần có một đội ngũ đông đảo trí thức khoa học, công nông nghiệp để kiến thiết đất nước, phục vụ nhân sinh… Hiện tại, Cụ Hồ và Chính phủ đang phải tập trung lo công cuộc kháng chiến. Còn phía gia đình ta có điều kiện giúp đỡ cho con cháu du học… đặng sau này tham gia kiến thiết quốc gia cho hưng thịnh bằng các nước Âu - Mỹ.

Phác hoạ chân dung bốn trí thức người Việt được đào tạo bài bản tại Pháp, bốn nhà khoa học đã thành danh và có cống hiến rất lớn cho sự nghiệp kháng chiến và xây dựng Tổ quốc, ta càng thấy được tầm nhìn xa, trông rộng của Bác. Không chỉ trực tiếp vận động, mà chính tình cảm, trí tuệ và trách nhiệm với Tổ quốc của Bác đã tạo ra sức hút, một “lực hấp dẫn” vô hình thôi thúc các kỹ sư, bác sĩ rời bỏ vinh hoa phú quý ở Thủ đô Pa-ri tráng lệ, về nước tham gia kháng chiến và kiến quốc. Bốn nhà khoa học trẻ ấy hiểu rằng gian khổ, hi sinh đang chờ đợi trước mắt; họ hiểu Bác Hồ, hiểu câu nói của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp với đôi mắt sáng ngời, thân mật ra đón và nói với họ: Nghe tin các anh cùng về với Bác, chúng tôi mừng quá. Công việc ở nước nhà đang chờ các anh. Cảm động trước tình cảm đó, kỹ sư Võ Đình Quỳnh xiết chặt tay vị Bộ trưởng mới tròn 35 tuổi và nói: Xin cảm ơn anh. Nhưng không hiểu tôi có làm được gì không? Được Bác Hồ cho về nước, tôi sẽ đem hết sức để phục vụ đất nước.

Người xưa đã dạy “ôn cố tri tân”, cách thức vận động trí thức kiều bào của Bác Hồ có ý nghĩa rất lớn đối với công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc. Hiện nay có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập và công tác ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó trên 80% ở các nước công nghiệp phát triển. Hiện có trên 40 vạn trí thức kiều bào, chiếm gần 10% số người Việt Nam ở nước ngoài, họ là chuyên gia giỏi đang làm việc ở những lĩnh vực công nghệ cao: điện tử, sinh học, vật liệu mới, hàng không vũ trụ…; nhiều người nắm giữ những vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty kinh doanh của các nước và các tổ chức quốc tế. Các doanh nhân là người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều lợi thế tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; giúp doanh nghiệp trong nước tìm hiểu thị trường, pháp luật kinh doanh và thúc đẩy quan hệ với các đối tác; các dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài hiện đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố; với lượng kiều hối ở nước ngoài gửi về trên 10 tỷ USD/năm đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm… cho đất nước.

Với tiềm năng và thực lực rất lớn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; để học tập, làm theo và biến những mong ước của Bác Hồ đối với trí thức kiều bào, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhất là các cơ quan tham mưu, nghiên cứu cho Đảng, Nhà nước ta về người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm triển khai công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Động viên các trí thức và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống và bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc, tôn trọng luật pháp, phong tục tập quán của nước sở tại; tích cực đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước.

Hơn bao giờ hết, trong giai đoạn hiện nay cần động viên các trí thức Việt kiều dù sống xa Tổ quốc, nhưng luôn nuôi dưỡng hoài bão, giữ gìn và phát huy tinh thần yêu nước, hướng về cội nguồn và dòng tộc; bằng khả năng, điều kiện và mối quan hệ của mình sẵn sàng đóng góp trí tuệ, vật chất, kinh nghiệm cho công cuộc đổi mới, sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước. Các trí thức Việt kiều chính là cầu nối giúp đất nước tiếp thu công nghệ tiên tiến, mở rộng quan hệ đối ngoại, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

Bằng nhiều cách làm, với nhiều con đường tác động để các hội, câu lạc bộ của trí thức Việt kiều, ban liên lạc của người Việt Nam ở nước ngoài tăng cường đổi mới nội dung, đa dạng hoá các hình thức tập hợp, sinh hoạt như: tích cực vận động các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương với Việt Nam; trao đổi học thuật, giao lưu, văn hoá thể thao, nắm bắt thông tin, quyên góp ủng hộ, giúp đỡ đồng bào và hướng về Tổ quốc…

ThS. Nguyễn Phượng Toản

TẠP CHÍ IN