Thứ Năm, 25/4/2024

Hạn hán và ngập mặn Đồng bằng sông Cửu Long: Nguyên nhân và giải pháp

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán, ngập mặn đã diễn ra trên diện rộng tại các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mấy tháng nay. Hiện trạng này đang làm nóng nghị trường Quốc hội và nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Điều đáng lo ngại là tác động của biến đổi khí hậu đã không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, mà còn ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của con người. Nhiều nguyên nhân, giải pháp đã được đưa ra, thế nhưng, quan trọng nhất vẫn là ý thức của con người trước những biến động khó lường của thiên nhiên. Hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng chưa từng có ở khu vực ĐBSCL đã từng được các chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm trước. Nó không chỉ là kết quả của thiên tai, biến đổi khí hậu toàn cầu, mà nó còn là hệ quả của “nhân tai”, của việc thiếu hoạch định khoa học, cùng các tác động khai thác quá mức, tàn phá tự nhiên theo cách “tận diệt” của chính con người.

Hiện trạng và nguyên nhân

Thời gian qua, hàng loạt thủy điện mọc lên ở thượng nguồn sông Mekong, chặn dòng chảy khiến nguồn nước đổ về khu vực ĐBSCL xuống mức thấp nhất trong vòng lịch sử khoảng 100 năm trở lại đây. Việc làm cũng được coi là “nhân tai” này diễn ra trong bối cảnh El Nino ngày càng khốc liệt đã tạo nên một cơn đại hạn và xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong vòng một thế kỷ qua. Trong bối cảnh hạn hán, nhiễm mặn, hư hại mùa màng tại vựa lúa lớn nhất Việt Nam đang làm nóng các diễn đàn tranh luận, các ngành chức năng dường như vẫn chưa có một giải pháp tức thời nào cho thấy hiệu quả đáng kể. Câu chuyện sông Mekong và biến đổi khí hậu không phải là điều mới lạ. Chuyện Trung Quốc nằm ở thượng nguồn Mekong, các nước khác ở hạ nguồn... đã được báo chí, các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, mổ sẻ rất nhiều.

Lưu lượng nước sông Cửu Long giảm từ 30% đến 60% được cho là vì Trung Quốc đã xây nhiều đập trong tỉnh Vân Nam, trữ nước cho các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông. Trung Quốc dự tính xây dựng một chuỗi 14 đập nước; hiện đang sử dụng các đập nước đã hoàn tất, như Manwan (1996), Dachaosan (2003), Gonguoqiao (2008) và đập Cảnh Hồng (Jinghong). Hai đập lớn khác là Xiaowan đã hoạt động từ năm 2013 và Nuozhadu sẽ hoàn tất năm 2017. Vì số nước trên nguồn về giảm, không còn áp lực như cũ nên nước mặn từ ngoài biển đã lấn sâu hơn vào đất liền. Các đại biểu Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 11 đã đưa ra nhận xét: Trước đây, dự báo tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nhưng nay còn phụ thuộc vào “yếu tố nước ngoài”. Các đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ phải báo cáo tình hình ảnh hưởng thiên tai cho Quốc hội kỳ này nghe để quyết định chính sách.

Sông Mekong trước đây từng được coi là con sông dài nhất không có đập nước nhân tạo trên thế giới. Nhưng hiện nay, Mekong lại trở thành con sông có đập nước nhiều nhất ở châu Á. Tính tới năm 2030, dự kiến sẽ có tổng cộng 70 đập hoạt động trên sông này. Các dự án thủy điện và hồ nước sẽ đem lại nguồn lợi lớn cho các nước ở vùng thượng lưu như Trung Quốc và Lào. Hai quốc gia này đang có tham vọng trở thành những nước xuất khẩu điện hàng đầu Đông Nam Á. Trung tâm Quốc tế về Quản lý Môi trường cho rằng, các con đập này có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng về môi trường, xã hội và kinh tế. Nạn nhân lớn nhất sẽ là Việt Nam và Campuchia, bởi nền kinh tế của hai quốc gia này có liên hệ mật thiết tới con sông. ĐBSCL là nơi cung cấp 33% sản lượng nông nghiệp và 90% sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược của Ủy hội sông Mekong (MRC) đã cho thấy tác động của các đập thủy điện trên lưu vực sông đối với các ngành nghề này là rất lớn.

Mới đây, trong một trả lời phỏng vấn trên truyền thông Việt Nam, TS. Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson (Hoa Kỳ), đánh giá tình hình hiện nay ở ĐBSCL của Việt Nam cực kỳ nghiêm trọng, xét về hạn hán, sự mất đất và xâm mặn. Chúng bị tác động bởi nhiều nguyên nhân, đó là các đập thủy điện trên thượng nguồn ở Trung Quốc, lớp trầm tích cần có ở các nhánh thuộc các con sông để chống lại sự xâm nhập của nước biển, cùng với chính các hoạt động phát triển ở khu vực này đang hủy hoại môi trường. Đó là các dự án tưới tiêu, kênh đào, khai thác cát, các dự án phát triển của địa phương, sự đầu tư không giới hạn về nuôi trồng thủy sản và việc bơm nước sạch không có quy hoạch từ tầng nước ngầm... Cần Thơ và thậm chí cả TP. Hồ Chí Minh ngày càng thấp hơn so với mực nước biển là vấn đề nghiêm trọng hơn so với sự xâm nhập mặn.

Đổi suy nghĩ, tìm giải pháp

Trong bối cảnh như vậy, ĐBSCL cần phải làm gì để có thể ứng phó với thiên tai, cũng như yên tâm sống chung với đại hạn và nhiễm mặn? Theo dự báo của cơ quan khí tượng, hiện dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong về vùng ĐBSCL đang ở mức thấp và diễn biến phức tạp do có sự chi phối của các đập và các hồ chứa thượng lưu. Khả năng xâm nhập mặn tiếp tục sâu hơn và cao hơn cùng kỳ, độ mặn cao nhất năm nay khả năng tiếp tục xuất hiện và khó đoán định thời điểm. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến thời điểm này, có khoảng hơn 700.000ha diện tích đất ở ĐBSCL đang bị đe dọa bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Nếu tình hình khô hạn kéo dài đến tháng 6/2016 thì có khoảng 500.000ha lúa Hè Thu không thể gieo sạ đúng thời vụ. PGS - TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu cho rằng, trong bối cảnh hạn và mặn đang ở mức kỷ lục thì việc tập trung “cứu” cây lúa là điều hết sức khó khăn; thay vào đó, cần phải thay đổi tư duy khi tìm kiếm giải pháp.

Các nhà chuyên môn đã nghiên cứu và cảnh báo là năm 2016 hạn hán sẽ còn nặng nề hơn, nhưng phản ứng của các địa phương trong vùng có phần chậm chạp, vẫn còn tâm lý chờ Trung ương, trong khi các địa phương mới là nơi cần phải chủ động ứng phó. Tuy nhiên, một phần phản ứng lúng túng của các địa phương ở đây là do “quốc sách” của chúng ta còn đặt nặng vào nông nghiệp, coi lúa gạo là an ninh lương thực số một. Trong khi bây giờ, an ninh lương thực không phải chỉ có mỗi lúa, mà phải có tôm, cá… Ngày xưa mỗi người có thể ăn 3 - 4 bát cơm với thức ăn đơn giản, thì nay nhiều người có thể chỉ cần ăn ít cơm với nhiều cá, thịt vẫn đủ dinh dưỡng. Vì thế, để đảm bảo an ninh lương thực, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cần nghiên cứu, khảo sát, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và vận động nhân dân tận dụng diện tích đã bị nguồn nước mặn lấn vào để nuôi trồng thủy sản hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với những vùng có nguy cơ bị nhiễm mặn nặng, địa phương đó cần chuyển đổi đất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy hải sản, bởi cây lúa “ngốn” rất nhiều nước ngọt (khoảng 70% lượng nước dành cho nông nghiệp).

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước đây từng cho rằng, người dân ĐBSCL phải “sống chung với lũ”, thì ngày nay, các cấp, các ngành cần động viên người dân làm quen với khái niệm và cũng phải thực hành “sống chung với hạn và xâm ngập mặn”. Từ các cấp lãnh đạo đến mỗi người dân ĐBSCL phải quán triệt tinh thần như vậy thì mới có quyết tâm tìm ra những giải pháp để sản xuất nông nghiệp và đời sống của bà con nông dân thích ứng, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh hiện nay. Trước mắt, cả hệ thống chính trị vào cuộc và chung tay với bà con nông dân ĐBSCL trong giai đoạn khó khăn này. Cần nghiên cứu, triển khai sản xuất trồng trọt phù hợp với thiên nhiên, kịp thời vụ và cơ cấu giống hợp lý. Chỉ đạo, hướng dẫn người nông dân bố trí thời vụ trong năm 2016 và các năm tiếp theo thật hợp lý, tránh hạn và xâm ngập mặn, tiến hành một cách tập trung và diễn ra nhanh, gọn. Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có. Nên sử dụng các giống cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, chịu mặn cao, tiêu hao ít nước ngọt, áp dụng công nghệ tưới tiêu tiên tiến cho lúa và cây trồng phù hợp khi nguồn nước thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả và năng suất cao.

Thiết nghĩ, để giải quyết những khó khăn trong việc chuyển đổi cây trồng ở ĐBSCL, Đảng và Nhà nước cần có thêm nhiều chính sách hơn nữa hỗ trợ, tạo sức hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân hình thành những vùng chuyển đổi tập trung, tạo khối lượng hàng hóa lớn, đủ điều kiện xây dựng cơ sở chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Từng địa phương cần có quy hoạch cụ thể vùng chuyển đổi tập trung để đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi phù hợp với cây trồng, nâng cao hiệu quả đầu tư. Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần có các giải pháp kỹ thuật, công nghệ đồng bộ chuyển giao cho nông dân đảm bảo đạt năng suất cao. Cơ quan khoa học và doanh nghiệp cần chế tạo, cải tiến các loại máy móc phục vụ làm đất, lên luống, gieo hạt, làm rãnh, chăm sóc, thu hoạch và làm khô sản phẩm phù hợp với vùng để chuyển giao cho nông dân. Đặc biệt, cùng với liên kết vùng, cần vận động nông dân tập trung liên kết hộ trong trồng trọt nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản để tạo ra những đặc sản cây ăn trái, hải sản chất lượng cao của vùng nước bị xâm ngập mặn.

Lời kết

Trong cuộc họp ở Hải Nam (Trung Quốc) ngày 23/3/2016, Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa ra một lộ trình hợp tác tiểu vùng với 5 nước Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar. Chủ đề của hội nghị vừa qua “Cùng chung dòng sông, cùng chung tương lai” sẽ có tác động nếu như Trung Quốc thực sự có ý định cung cấp cho các nước ở hạ nguồn dữ liệu thực tế về hoạt động của các đập thủy điện, về lượng nước xả và kết quả đánh giá tác động môi trường.

Trước khi những tuyên bố của hội nghị ở Hải Nam đi vào thực tế cuộc sống, vấn đề cấp bách và giải quyết cái “gốc của vấn đề” hiện nay, tạo được niềm tin trong nhân dân các tỉnh ĐBSCL là huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, của nhân dân để xây dựng một hệ thống thủy lợi có chiều sâu, đủ mạnh để ngăn mặn, chống hạn và giữ ngọt. Qua đợt hạn mặn tàn khốc đang diễn ra cho thấy, địa phương nào làm tốt công tác quy hoạch, triển khai thực hiện các kế hoạch thủy lợi một cách bài bản thì thiệt hại của Nhà nước và người nông dân ở mức thấp. Vì vậy, chỉ có sự tham mưu, chỉ đạo đúng đắn của các bộ, ban, ngành Trung ương; sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể địa phương; sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học; sự liên kết một cách có hệ thống và tổ chức chặt chẽ của bà con nông dân thì các tỉnh, thành vùng ĐBSCL mới vượt qua được đợt hạn hán, xâm ngập mặn lịch sử, mới có thể tăng thu nhập một cách bền vững từ việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa.

Hải Đăng

TẠP CHÍ IN