Thứ Sáu, 13/9/2024
Khai mạc Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Đại hội vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và lẵng hoa chúc mừng của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

 
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVIII,
nhiệm kỳ 2024-2029
 

 

Tham dự Đại hội có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội; nguyên lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; MTTQ các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội; Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.

Đặc biệt, Đại hội có sự tham dự của 363 đại biểu chính thức đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, nhân sĩ trí thức, cá nhân tiêu biểu và đại diện MTTQ Việt Nam 30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội.

Lấy khu dân cư làm địa bàn trọng tâm để tuyên truyền vận động, tập hợp đoàn kết

Nhiệm kỳ qua, Mặt trận các cấp thành phố Hà Nội đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện, linh hoạt trong triển khai các nhiệm vụ mới phát sinh, thực hiện hiệu quả 5 chương trình hành động; 3 khâu đột phá, 4 nhiệm vụ công tác trọng tâm, 5 giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVII; tập trung hướng mạnh về cơ sở, lấy khu dân cư làm địa bàn trọng tâm để vừa tuyên truyền vận động, tập hợp đoàn kết, vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận những sáng kiến, kiến nghị của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, triển khai các phong trào thi đua yêu nước. Trong nhiệm kỳ đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình, gương sáng, người tốt việc tốt trong triển khai các phong trào thi đua do Mặt trận phát động.

Công tác vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được tăng cường. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, Mặt trận các cấp đã khẳng định mạnh mẽ vai trò là trung tâm quy tụ, tập hợp khối đại đoàn kết; phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên giải quyết kịp thời những vấn đề khó, mới, liên quan trực tiếp tới đời sống của nhân dân; được cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Trong đại dịch, Hà Nội đã có nhiều mô hình, cách làm mới, như: “Hà Nội chung tay hành động đẩy lùi Covid-19”, “Chợ 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Bếp ăn 0 đồng”, Mô hình hỗ trợ người nước ngoài gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19;...Tiếp nhận tổng số tiền và hàng hóa là 1.473,12 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19; Đã hỗ trợ kịp thời gần 160.000 đối tượng gặp khó khăn nhưng không đủ điều kiện hưởng theo chính sách của Trung ương, thành phố.

Hà Nội là kiểu mẫu của cả nước trong triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội; thực hiện việc lắng nghe kiến nghị, nguyện vọng của Nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước. Công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đã trở thành hoạt động thường xuyên, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Hàng năm, tổ chức nền nếp Hội nghị đại biểu nhân dân ở 100% các khu dân cư– nét đặc trưng riêng có của Hà Nội; Hà Nội là điểm sáng của cả nước trong việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Năm 2023, lần đầu tiên Mặt trận thành phố tổ chức thành công Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cấp thành phố với điểm nhấn là màn biểu diễn nghệ thuật vũ điệu kết đoàn của hơn 1.200 cán bộ, đảng viên và nhân dân quận Tây Hồ.

Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ làm được 300 căn nhà cho các hộ nghèo ở tỉnh Điện Biên trị giá 15 tỷ đồng; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà, tri ân hơn 2.400 gia đình các Anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ) trên địa bàn thành phố….

Có thể khẳng định, những đóng góp của MTTQ các cấp của thành phố trong những năm qua là rất quan trọng, xứng đáng được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất tại Đại hội - đây là lần thứ 3 MTTQ Việt Nam thành phố được đón nhận phần thưởng cao quý này.

 
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội. 

 

“Đoàn kết - Dân chủ - Trách nhiệm - Sáng tạo - Phát triển”

Phát huy những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2024-2029, Đại hội đề ra mục tiêu nhằm tiếp tục xây dựng và củng cố vững chắc khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động; đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, kịp thời tổng hợp và định hướng dư luận xã hội đảm bảo chân thực, phù hợp với quan điểm của Đảng; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường dân chủ, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại; góp phần giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại hội cũng đề ra 3 khâu đột phá, 10 chỉ tiêu cụ thể của nhiệm kỳ. Trong đó, 3 khâu đột phá tập trung vào việc đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố theo hướng ích nước, lợi dân, linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại; Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Trách nhiệm - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, lực lượng vũ trang và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đoàn kết, phát huy cao độ lòng yêu nước, niềm tự hào về Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, tích cực thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với danh hiệu Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

(daidoanket.vn) 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất