Thứ Năm, 25/4/2024
Đồng chí Trương Thị Mai làm việc với Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam
 
 Quang cảnh buổi làm việc

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban và đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị của Ban Dân vận Trung ương.

Tại buổi làm việc, ông Chang - Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam bày tỏ sự cảm kích trước những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong chống dịch COVID-19. Đánh giá Việt Nam là một trong số ít quốc gia có phục hồi kinh tế nhanh sau COVID-19, ông Chang - Hee Lee cho biết ILO cam kết có hỗ trợ Việt Nam phù hợp.

Nhấn mạnh về những bước tiến của Việt Nam về lao động và quan hệ lao động trong 2 năm vừa qua, ông Chang - Hee Lee cho rằng việc Việc Nam phê chuẩn các Công ước của ILO về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể, về Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức và thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã đưa khuôn khổ pháp luật tiệm cận hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Theo ông Chang-Hee Lee, Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 có 3 thay đổi chính, đó là: người lao động sẽ có nhiều quyền hơn như thêm một ngày nghỉ lễ trong năm, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm...; mở rộng phạm vi bảo vệ tới những người lao động được tuyển dụng nhưng không được ký hợp đồng lao động bằng văn bản và khả năng người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Với chức năng chính là tham mưu về đường lối, chủ trương của Đảng liên quan đến vận động nhân dân trong đó có người lao động, Ban Dân vận Trung ương luôn quan tâm tới các vấn đề về lao động và quan hệ lao động.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, trong đó có quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam. Việc thực hiện quy định này sẽ thúc đẩy và nâng cao hiệu quả đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động, phù hợp với các Công ước của ILO, các cam kết quốc tế khác và tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập quốc tế. Đồng thời, đòi hỏi tổ chức Công đoàn cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Trao đổi về tổ chức của người lao động và cơ chế giải quyết tranh chấp lao động, đồng chí Trương Thị Mai mong muốn ILO nói chung và ông Chang - Hee Lee nói riêng tiếp tục có hoạt động tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm trong hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến lao động và quan hệ lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại Việt Nam...

Tin và ảnh: Hà Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất