Thứ Hai, 11/11/2024
Tổng kết Chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận Trung ương và Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021

Tham dự Hội nghị có đại diện các vụ, đơn vị Ban Dân vận Trung ương, các ban, đơn vị của Hội Nhà báo Việt Nam.


 Quang cảnh hội nghị

Phối hợp thông tin, tuyên truyền, góp phần xây dựng niềm tin và sự đồng thuận xã hội

Theo Báo cáo tổng kết, đánh giá, 5 năm qua, trên cơ sở Chương trình phối hợp, Ban Dân vận Trung ương và Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam đã hướng dẫn Ban Dân vận các Tỉnh, Thành ủy, Đảng ủy và Liên - Chi hội, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ký kết Chương trình phối hợp tại địa phương, đơn vị và thực hiện nội dung Chương trình phối hợp phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Hai bên đã đẩy tuyên truyền, quán triệt về mục đích, nội dung Chương trình phối hợp nhằm tăng cường, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ dân vận và cán bộ, hội viên, người làm báo. Phát huy vai trò, trách nhiệm của hội viên, nhà báo và cơ quan báo chí tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác dân vận; góp phần xây dựng niềm tin và sự đồng thuận xã hội, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm của hội viên, nhà báo và cơ quan báo chí tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác dân vận; góp phần xây dựng niềm tin và sự đồng thuận xã hội, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.


 Đồng chí Phạm Tất Thắng phát biểu tại Hội nghị

Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thông tin tuyên truyền về công tác dân vận của Đảng. Theo đó, các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đã tăng cường mở chuyên trang, chuyên mục về công tác dân vận, tập trung tuyên truyền các nội dung trọng tâm: Tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương của Đảng ta về công tác dân vận; quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp; xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; công tác dân tộc; công tác tôn giáo; các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài; các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Các mô hình "Dân vận khéo" trong phòng, chống dịch Covid, như: "Tổ Covid cộng đồng", "Tổ tự quản của nhân dân", "San sẻ yêu thương, chung tay vượt dịch"… được chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng.

Kết quả đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân vận thời gian qua đã góp phần quan trọng tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh của nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; thực hiện “mục tiêu kép”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19…. Trên cơ sở đó, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Nhiều tấm gương điển hình “Dân vận khéo” được phát hiện, tuyên truyền, biểu dương và nhân rộng

Ban Dân vận Trung ương và Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Dân vận cấp ủy địa phương và Hội Nhà báo các cấp đã phối hợp nắm bắt, trao đổi thông tin về tình hình nhân dân và công tác dân vận, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc, vấn đề mới phát sinh, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân qua kênh báo chí hằng ngày.

Hai đơn vị thường trực Chương trình phối hợp là Tạp chí Dân vận - Ban Dân vận Trung ương và Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam hoạt động hiệu quả, phối hợp thông tin chặt chẽ, thường xuyên thực hiện các nội dung tuyên truyền của Chương trình theo chỉ đạo của lãnh đạo hai cơ quan.


Đồng chí Hồ Quang Lợi phát biểu tại Hội nghị

Về triển khai Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo", Ban Dân vận Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai Cuộc thi đảm bảo tiến độ và chất lượng đề ra. Đã có 58/63 tỉnh, thành ủy và 3/4 Đảng ủy trực thuộc Trung ương ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn Cuộc thi.

Công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc thi được các địa phương, đơn vị thực hiện kịp thời và rộng khắp. Các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường mở chuyên trang, chuyên mục về công tác dân vận, chuyên mục báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo”; phân công phóng viên, cộng tác viên bám địa bàn, sâu sát cơ sở, viết bài tham gia Cuộc thi; qua đó góp phần phát hiện, giới thiệu nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở địa phương, cơ sở.

Theo báo cáo, Cơ quan thường trực Cuộc thi (Tạp chí Dân vận và Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam) đã tiếp nhận được hơn 3.600 bài dự thi gửi về tham dự ở 4 loại hình là báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói. Số lượng bài dự thi năm sau tăng hơn năm trước, chất lượng bài dự thi được nâng lên. Qua 3 năm chấm sơ khảo, Hội đồng Sơ khảo thống nhất lựa chọn được 140 tác phẩm có chất lượng, tiêu biểu vào vòng chung khảo.

Từ đó, Ban Tổ chức Cuộc thi đã tổ chức chấm chung khảo, lựa chọn 31 tác phẩm xuất sắc để trao giải (gồm 01 giải A; 05 giải B; 10 giải C; 15 giải Khuyến khích). Năm 2020, tại buổi Gặp mặt, tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020), Ban Tổ chức Cuộc thi đã tổng kết, trao giải Cuộc thi.

Cuộc thi đã khuyến khích đội ngũ người làm báo, cán bộ, đảng viên và nhân dân phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền về những tấm gương, điển hình tiêu biểu trong công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Thông qua Cuộc thi, công tác phối hợp giữa ngành Dân vận, Hội Nhà báo, các cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan báo chí ngày càng chặt chẽ, góp phần tăng cường tuyên truyền và tuyên truyền sâu sắc, hiệu quả về công tác dân vận của Đảng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện công tác dân vận, ý thức phục vụ nhân dân của các tổ chức, cá nhân trong cả hệ thống chính trị.

Từ Cuộc thi, nhiều tấm gương điển hình “Dân vận khéo” được phát hiện, tuyên truyền, biểu dương và nhân rộng, mang lại hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội, góp phần tạo đồng thuận, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Tại Hội nghị, hai bên đã cùng nhau thảo luận, đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế trong quá trình phối hợp.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: Để có được kết quả này có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ban Dân vận Trung ương, thường xuyên trao đổi, khích lệ, động viên để thực hiện hiệu quả trong hoạt động phối hợp. Hai đơn vị thường trực là Tạp chí Dân vận và Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất với lãnh hai bên trong thực hiện các nội dung phối hợp.

“Trong quá trình triển khai phối hợp, tùy điều kiện thực tế, hai bên đã kịp thời, linh hoạt điều chỉnh một số nội dung công việc. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm truyền thống công tác dân vận 15/10 (1930-2020) đã tổ chức thành công lễ trao giải Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020… Qua hoạt động này cho thấy hai bên đã có sự phối thực hiện tạo ra hiệu quả cao, gây ấn tượng với công chúng, qua đó thấy rõ hơn vai trò của công tác dân vận của Đảng với sự phát triển của đất nước, thấy rõ hơn vai trò của báo chí đối với công tác dân vận” - Đồng chí Hồ Quang Lợi chia sẻ.

Đồng chí Hồ Quang Lợi mong muốn hai bên tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, để quan hệ hai bên càng ngày phát triển tốt đẹp hơn, phối hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Chương trình phối hợp đã thành công tốt đẹp, góp phần phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong các phong trào thi đua yêu nước, tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội của địa phương, đơn vị, đất nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.


Các đại biểu dự Hội nghị

Đồng chí khẳng định, Ban Dân vận Trung ương và Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chương trình phối hợp. Ban Dân vận và Hội Nhà báo cùng cấp chú trọng cung cấp, trao đổi thông tin, bám sát địa bàn, cơ sở, nắm bắt tình hình nhân dân, tăng cường tuyên truyền về công tác dân vận, nhất là đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận; góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, quyết sách kịp thời, đúng đắn về công tác dân vận; tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện công tác dân vận, ý thức phục vụ nhân dân của các tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Ban Dân vận Trung ương và Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức thành công Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020. Kể từ thời điểm phát động Cuộc thi, các cấp, các ngành, các địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Các nhà báo đã khai thác, phát hiện, sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí sâu sắc, có tầm vóc, có giá trị vững bền về đề tài dân vận cả ở trong và ngoài nước, tạo sức lan tỏa rộng lớn, hiệu ứng xã hội tích cực.

Đồng chí Phạm Tất Thắng cũng thống nhất với nhận định của đồng chí Hồ Quang Lợi, mối quan hệ phối hợp công tác của Ban Dân vận Trung ương với Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam hay nói rộng ra là công tác dân vận của Đảng và báo chí cách mạng Việt Nam là mối quan hệ tự nhiên, gắn bó biện chứng. Bác Hồ là người sáng lập tờ báo "Thanh niên" năm 1925, dấu mốc ra đời nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, năm 1949 Bác viết bài Dân vận đăng trên báo Sự thật, bài báo được coi là "cương lĩnh" cho công tác dân vận của Đảng, điều đó đã "tự nhiên" thành mối dây kết nối Báo chí và Dân vận. Báo chí vừa là phương thức, vừa là công cụ của công tác dân vận. Dù bằng cách này hay cách khác vẫn không thay đổi nguyên tắc phối hợp tự nhiên của báo chí và công tác dân vận.

Chính vì vậy, thời gian tới, đồng chí đề nghị, hai bên tiếp tục phát huy kết quả Chương trình phối hợp giai đoạn 2016 - 2021, hệ thống Dân vận các cấp, căn cứ tình hình, điều kiện ở địa phương, đơn vị, chủ động phối hợp với Hội Nhà báo cùng cấp và các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác dân vận. Phối hợp nắm bắt, trao đổi thông tin về tình hình nhân dân và công tác dân vận, nhất là những vấn đề mới phát sinh, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.

Ban Dân vận các cấp nghiên cứu, đổi mới, đa dạng hóa nội dung, phương thức tuyên truyền về công tác dân vận thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo chí, mạng xã hội... nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện công tác dân vận; gắn việc thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ban Dân vận Trung ương và Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục nghiên cứu phối hợp thực hiện những đề án, chương trình liên quan đến công tác dân vận, trong đó có phối hợp tổ chức phát động cuộc thi viết về đề tài dân vận./.

Hoàng Phong

Gửi cho bạn bè

Các tin khác