Thứ Sáu, 13/9/2024
Chủ tịch nước Tô Lâm: Người có công luôn phải được hưởng đầy đủ thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước
 
Chủ tịch nước Tô Lâm và các đại biểu. 


Cùng dự buổi gặp mặt, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Công an; Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Quốc phòng; Đoàn đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ tiêu biểu toàn quốc.

Buổi gặp mặt biểu thị trách nhiệm cao cả, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với các anh hùng liệt sĩ và người có công với cách mạng; trân trọng ghi nhận những thành tích, cống hiến, đóng góp và những nỗ lực phi thường của các đại biểu người có công với cách mạng.

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ xúc động gặp mặt Đoàn đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước thành kính tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc; trân trọng gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ lời thăm hỏi chân tình, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất.

Chủ tịch nước khẳng định, để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đã có biết bao thế hệ đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, trong đó hàng vạn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, hàng chục vạn liệt sĩ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương, bệnh binh vẫn mang trên mình thương tích của chiến tranh. Đất nước đã hòa bình, non sông đã liền một dải, biên cương cũng đã im tiếng súng, nhưng vẫn còn đó niềm mong muốn khắc khoải, được đưa những người con trung hiếu đã anh dũng hy sinh trở về với quê hương, đoàn tụ với gia đình.

Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Trong suốt 77 năm qua, nhất là gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, ưu đãi người có công với cách mạng; trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc luôn đề cập và nhấn mạnh vấn đề này.

Quán triệt các chủ trương đó, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp có nhiều kế hoạch, biện pháp triển khai bằng những hoạt động thiết thực, thắm đượm nghĩa tình đồng chí, đồng đội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước đánh giá cao và biểu dương các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như đã tham gia tích cực, đóng góp vào công tác thương binh và người có công; nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, thành tích mà các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công trên mọi miền đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có các đại biểu người có công tiêu biểu tham dự buổi gặp mặt đặc biệt có ý nghĩa ngày hôm nay.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể tiếp tục quan tâm thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người có công, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”, để người có công, thân nhân liệt sĩ, các gia đình chính sách luôn được hưởng đầy đủ thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau; thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”, “Đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng".

Tiếp tục giải quyết tốt các chế độ, chính sách nhất là công tác giải quyết hậu quả sau chiến tranh, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, những trường hợp người có công còn tồn đọng, hoặc chưa được hưởng đầy đủ chính sách; quan tâm cải thiện đời sống, chăm sóc sức khỏe người cô đơn, không nơi nương tựa.

Phấn đấu bảo đảm 100% người có công phải có mức trên mức trung bình so với dân cư cùng địa bàn, được hưởng các chế độ, chính sách đầy đủ nhất; quan tâm ưu tiên để giải quyết khó khăn, xóa đói, giảm nghèo cho các đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo trên cả nước.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho các thế hệ trẻ mai sau, để bồi đắp niềm tin, tự hào dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, viết tiếp trang sử vẻ vang mà bao thế hệ cha ông đã đổ xương máu, hy sinh vì nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đối với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch nước đề nghị tiếp tục thực hiện tốt vai trò cơ quan quản lý nhà nước về thương binh, liệt sĩ và người có công, tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, tập trung nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần bù đắp những đau thương, mất mát, hậu quả sau chiến tranh.

Chủ tịch nước mong mong muốn, mỗi địa phương, mỗi đơn vị, cũng như mỗi cá nhân bằng việc làm, bằng ý thức trách nhiệm công vụ, luôn chủ động sáng tạo để triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực, coi đó là bổn phận, là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Báo cáo về công tác chăm sóc người có công với cách mạng, các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ toàn quốc, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước đã xác nhận được 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Mười năm qua (2013-2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110 nghìn sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Công tác xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng là một trong những kết quả nổi bật trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thời gian qua, với việc đã xem xét, giải quyết dứt điểm hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10 nghìn mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.

 

(nhandan.vn) 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất