Thứ Bảy, 5/10/2024
Khèn - biểu tượng văn hóa của người Mông

Từ trong truyền thuyết

Trong truyền thuyết truyền miệng của người Mông, nguồn gốc chiếc khèn được kể về một gia đình có 6 người con, ai cũng hát hay, sáo giỏi. Tiếng sáo của 6 anh em lại rời rạc khi không khi thổi cùng nhau. Khi cùng nhau thổi, tiếng sáo cất như vi vút như cây rừng gặp gió, véo von như chim trên cành và rì rào như suối reo, ào ạt như thác đổ. Đến khi họ đều có gia đình, những lúc không hợp đủ cả 6 người, tiếng sáo trở nên rời rạc, lạc điệu. Họ đã bàn nhau chế tác ra thứ nhạc cụ hợp nhất nhiều thứ. Người anh cả nghĩ ra cái bầu, anh thứ hai nghĩ ra ống thổi dài, 4 người còn lại nghĩ ra những ống thổi tiếp theo. Tất cả là 6 ống, thay cho 6 anh em. Lạ thay, thứ nhạc cụ lạ lùng ấy khi hoàn thiện, thổi lên tạo ra nhiều tầng âm thanh có sức quyến rũ kỳ lạ… Đó là chiếc khèn Mông ngày nay.


 Diễn tấu khèn Mông

Bên cạnh đó cũng có những dị bản về truyền thuyết này, như câu chuyện về cái chết của vợ chồng già trong gia đình có sáu người con. Một ngày, khi đang ở nhà chờ các con đi nương về, đôi vợ chồng bị một cơn lũ cuốn trôi đi mất. Vì thương nhớ cha mẹ, sáu người con thảm thiết khóc lóc suốt chín ngày đêm. Khi giọng bị tắt, họ vào rừng để lấy ống trúc về thổi thay cho tiếng khóc. Cảm động về tình cảm của những người con hiếu thảo, thần núi đã ban tặng cho họ bí quyết để họ làm nên chiếc khèn có sáu ống nứa dài ngắn khác nhau, tượng trưng cho độ tuổi của sáu anh em. Từ đó, cây khèn giúp họ gửi gắm lời yêu thương và làm vơi bớt nỗi khổ đau vì mất cha mẹ.

Dù những truyền thuyết có khác nhau về các chi tiết nhưng đều phản ánh những giá trị cốt lõi của chủ thể văn hóa về lòng hiếu thảo, tình cảm gia đình, sự kết nối cộng đồng. Hơn thế nữa, truyền thuyết cũng lý giải về chức năng ban đầu với tư cách là nhạc khí thiêng bên cạnh chức năng giải trí đại chúng của khèn.

Việc chế tác, diễn tấu khèn được người Mông coi là chuẩn mực đánh giá phẩm chất, tài năng của đàn ông. Theo TS.Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian chia sẻ: Trong cộng đồng người Mông, cùng với thầy cúng, thợ rèn, người làm khèn Mông – thầy khèn luôn được đồng bào kính trọng. Điều đó đã khẳng định vị trí của cây khèn trong đời sống của người Mông. Đây chính là nguồn cội tạo nên sức sống bền bỉ vượt thời gian của nhạc cụ độc đáo này.

Sự độc đáo của khèn Mông

Khèn trong cuộc sống của người Mông là một nhạc cụ không thể thiếu và là một phần quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào. Khèn có mặt hầu hết trong mọi mặt đời sống sinh hoạt, văn hóa và tâm linh của người Mông. Là một loại nhạc cụ độc đáo, không chỉ bởi tính đại chúng của nó mà còn bởi đó vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ. Khèn là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh, được sử diễn tấu trong tang ma nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm, giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời. Ngay cả cấu tạo, quy đình chế tác nhạc cụ này cũng hết sức độc đáo.

Dù mang tính đại chúng nhưng người diễn tấu khèn lại dành đặc quyền của nam giới. Với nam giới, ngay khi còn nhỏ đã được hướng đến việc phải học hỏi cách diễn tấu khèn để khi hơn 10 tuổi đều có cây khèn trên vai khi lên nương, xuống chợ. Người Mông khi buồn, khi vui đều mang khèn diễn tấu, đều nghe khèn và tâm tư, tình cảm cũng như nhu cầu, giao tiếp, kết nối của mình qua tiếng khèn.


 Chế tác khèn

Dù việc chế tác hay diễn tấu khèn là độc quyền của nam giới nhưng việc thưởng thức, thụ hưởng nhạc điệu của nó lại dành cho cả cộng đồng, không phân biệt tuổi tác, địa vị. Sự cảm nhận âm nhạc từ nhạc cụ này đã khẳng định trình độ thẩm âm và thẩm mỹ khá cao của người Mông. Chỉ cần nghe tiếng khèn Mông cất lên, cả cộng đồng sẽ hướng tới, hòa mình vào từng giai điệu – dù buồn hay vui – tạo sự cộng cảm đặc biệt.

Khèn Mông độc đáo bởi hình dạng, cấu tạo và chức năng tạo âm thanh của nó. Âm thanh được phát ra theo cả luồng hơi thổi ra, hít vào. Khèn có 6 ống làm từ 1 loại trúc gắn trên 1 cái bầu bằng gỗ khoét rỗng, kết nối bằng nhựa cây và vỏ cây đào rừng. Thứ duy nhất từ kim loại là lam đồng (lưỡi gà). Mọi công đoạn đều làm thủ công với những dụng cụ đồng bào tự chế. Bầu đàn thường được làm từ loại gỗ thông như thông đá, kim giao hoặc pơ mu. Chế tác khèn cũng vô cùng độc đáo, không có quy chuẩn chung. Các nghệ nhân làm khèn đều đo bằng tay và ngắm bằng mắt để chế tác. Không có nguyên tắc chung nhưng để có được cây khèn ưng ý, thổi được đúng các làn điệu dân ca Mông, cần sự khéo léo, kiên nhẫn và kinh nghiệm. Vì vậy, có thể nhiều người học diễn tấu được nhưng chế tác nó thì không nhiều.

Diễn tấu khèn là cả một nghệ thuật hết sức độc đáo bởi nhạc cụ này không chỉ để thổi mà còn để nhảy múa với sự biến hóa vô cùng sinh động mà không chỉ đòi hỏi sự khéo léo mà còn đòi hỏi cả sức khỏe vì có cả những động tác nhào lộn, trồng chuối...

Song hành suốt cả vòng đời của người Mông chính là tiếng khèn. Trong các lễ hội mùa vụ và vòng đời, tiếng khèn vừa là tiếng nói tâm linh kết nối với thần linh, tổ tiên, vừa là âm thanh vui vẻ kết nối cộng đồng để giải tỏa những khúc mắc, buồn lo.../.

(langvietonline.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi