Thứ Tư, 9/10/2024
Làng Mường đậm nét văn hóa thung lũng

 Chiêng đồng là biểu tượng uy quyền của các Mường trong xứ Mường xưa

Nét văn hóa bản địa là đặc trưng

Làng Mường truyền thống thường được neo đậu ở những chân núi ven đồi, bìa rừng. Nơi ấy đất thoai thoải, không ở độ dốc cao cũng không là nơi quá bằng phẳng. Sự lựa chọn cư trú này tránh được nguy cơ lở đất, lũ ống lũ quét. Điều không thể thiếu ở làng Mường đó là có rừng phòng hộ, có nguồn sinh thủy gần nguồn nước, cận kề sông suối, hồ...

Người Mường cư trú theo từng mường bản. Mường nhỏ chừng vài ba chục nóc nhà trong một thung lũng hẹp. Với những thung lũng lớn có thể chứa đựng nhiều mường to, nhỏ. Ở đó mỗi mường có thể lên tới vài trăm nóc nhà. Tỉnh Hòa Bình có tới bốn Mường lớn gắn liền với câu tục ngữ : Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động. Mỗi Mường lớn đó chứa đựng tới vài chục làng Mường bao quanh phủ kín thung lũng tạo ra bức tranh quê thanh bình, yên ấm.

Ngày xưa biểu tượng của uy quyền, giàu sang và sức mạnh của các mường trong xứ Mường là vạc đồng, trống đồng, cồng chiêng đồng. Mường càng lớn trống đồng vạc đồng càng to cồng chiêng càng nhiều bộ. Người cai quản là lang Mường cùng danh tiếng. Hiện, ở Hòa Bình vẫn còn chiếc vạc đồng lớn có thể ninh nấu cả một con trâu. Âm thanh của trống đồng, cồng chiêng vào những ngày hội lễ có thể rền vang ngân nga khắp vùng thung lũng.

Theo các nhà nghiên cứu, tổ tiên của người Việt - Mường là cư dân Lạc Việt, chủ nhân đích thực của nền văn hóa Đông Sơn - văn minh sông Hồng nổi tiếng trong lịch sử mở cõi dựng nước. Ở thời đại đồng thau - thời đại các Vua Hùng tới vài ngàn năm sau đó cư dân bản địa Việt - Mường vẫn còn là một khối thống nhất. Trống đồng, vạc đồng, cồng chiêng Mường là biểu hiện sự bảo tồn sâu sắc và bền vững những tinh hoa thời đại đồ đồng rực rỡ của dân tộc ta. Vùng thung lũng núi là những chiếc nôi của cư dân cổ Việt - Mường. Người Mường đã giữ gìn và thắp sáng ngọn lửa truyền đời đó cho tới ngày nay.

Văn hóa sản xuất nổi trội

Người Mường là đồng chủ nhân của văn minh lúa nước, thành thạo làm ruộng bậc thang để canh tác trên đất dốc vùng thung lũng. Bà con làm nhiều bai, đập chắn suối, đào mương dẫn nước vào ruộng cao rồi từ đó cho nước chảy xuống ruộng trũng.

Lợi dụng dòng chảy, bà con làm hệ thống cọn nước, đưa nước lên cao đổ vào các đường ống dẫn về ruộng, về làng. Có nơi chỉ một khúc suối ngắn có tới bảy tám cọn nước chạy suốt ngày đêm tạo ra những vòng tròn quay đều rất thơ mộng. Ngày nay, nhiều nơi vẫn tồn tại hệ thống cọn nước tuyệt đẹp này.


 Cô gái Mường trong trang phục truyền thống

Ở các làng Mường nghề trồng dâu, nuôi tằm, trồng bông kéo sợi dệt vải thổ cẩm có sức hút kỳ lạ với phụ nữ. Trước khi lấy chồng cô gái nào cũng thạo việc tầm tang canh cửi đủ khả năng tự dệt nhuộm, may, thêu cho mình các bộ chăn ga gối đệm. Các bộ sản phẩm ấy mang về nhà chồng như là của hồi môn, như là thước đo sự chăm chỉ tài khéo léo của người con gái Mường.

Với người Mường, văn hóa thung lũng đã sản sinh ra những nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp miền núi thấp. Bà con coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nhiều Mường còn giữ tục thờ núi, thờ cây, thờ đá... tiêu biểu thờ thánh Tản Viên núi Ba Vì, thờ thần cây đa, thần cây si, thần cây cổ thụ trong rừng... Hai nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người Mường vùng thung lũng là lễ khai Hạ và lễ cúng mừng lúa mới cơm mới. Đây là nghi lễ mở đầu và khép lại vòng đời cây lúa , một chu kỳ sản xuất khép kín. Khai Hạ là lễ xuống đồng năm mới làm vụ mùa mới trong năm một hình thức khuyến nông cổ truyền. Cúng cơm mới là nghi lễ đón lúa chín về nhà tạ ơn trời đất thần linh đã ban cho con người bông cơm trái lúa no đủ sung túc.

Văn hóa thung lũng nét đẹp làng Mường

Văn hóa thung lũng ở xứ Mường cũng đã đem lại cho cư dân bản địa nơi đây những giá trị đồ sộ của kho tàng văn hóa dân gian độc đáo giàu bản sắc. Sử thi Đẻ đất đẻ nước trong vỏ bọc của một áng mo kiểu nghi lễ tang ma là pho lịch sử đồ sộ của người Mường với những quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan sâu sắc. Nhiều truyện thơ Mường có yếu tố trường ca tính sử rất giàu chất triết lý nhân văn. Âm hưởng của thung lũng đã rất đậm nét trong dân ca, dân nhạc xứ Mường. Dân ca có hát xéc bùa, hát thường rang, hát bọ mẹng, hát ví, hát đúm, hát ru... trẻ em có hát đố, hát đập hoa, hát chơi, hát đồng dao... Nhạc cụ Mường có sáo, nhị, trống, kèn, khèn, gõ ống, gõ máng nhưng đặc sắc và kỳ lạ nhất là cồng chiêng với không gian văn hóa biểu diễn và thưởng thức rất độc đáo phong phú gần gũi với thiên nhiên, lay động lòng người.

Chợ Mường là sản phẩm của văn hóa thung lũng rất quyến rũ. Ai đến một lần thưởng thức văn hóa chợ Mường đều không thể nào quên và mong muốn phiên chợ sau đến hẹn lại lên. Hoa văn thổ cẩm Mường là sản phẩm nghề truyền thống chứa đựng nghệ thuật trang trí màu sắc đường nét họa tiết hình họa tài hoa. Đó hẳn là bức thông điệp có từ ngàn đời nay của vùng thung lũng xứ Mường./.

(langvietonline.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi