Thứ Tư, 9/10/2024
Páo dung, nghệ thuật diễn xướng truyền thống đặc sắc của người Dao

Giá trị của Páo dung

Theo nghệ nhân Tráng Văn Dần (thôn Nậm Ngặt, Thanh Thủy, Hà Giang) cho biết: “Các làn điệu dân ca dân tộc Dao ở đây là câu chuyện về đời sống của dân tộc, từ đời này sang đời khác phát triển. Người Dao dựa vào bài hát để thể hiện tâm tư nguyện vọng, quan niệm của mình về các sự vật”.


Đại diện nhà trai, nhà gái hát Páo dung đối đáp khi đoàn nhà trai đến đón dâu
 trong đám cưới người Dao đỏ

Páo dung có 2 loại hình - Páo dung lễ nghi tín ngưỡng chính là các làn điệu cổ, ra đời sớm nhất gồm những bài hát được sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng, ghi chép thành sách bằng chữ Nôm - Dao, được các thầy cúng Dao lưu giữ trong quá trình hành nghề. Hình thức hát này mang tính nguyên tắc với những bài hát có sẵn và thường có thêm trống, chiêng, thanh la phụ họa. Nội dung các bài hát nghi lễ là lời cảm tạ và cầu mong thần linh che chở, phù hộ cho sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ca từ của các bài loại này học rất khó, mỗi bài hát thường ít lời nhiều ý, đòi hỏi phải am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc.

Loại hình Páo dung sinh hoạt là loại hình ca hát chiếm vai trò chủ đạo trong kho tàng dân ca Dao với nhiều thể loại: Hát giao duyên, hát ru, hát đồng dao, hát than... được sáng tác thêm, đem đến sự đa dạng, phong phú bất tận của Páo dung. Ca từ của các làn điệu này giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Các làn điệu Páo dung phổ biến trong các ngành Dao là páo phây (ngâm thơ), páo dung om hay còn gọi là páo dung tòi tồm dòi lủng (hát đối đáp giữa trai chưa vợ gái chưa chồng), páo dung muộn (hát ghẹo).

Đây là loại hình thể hiện được sự biến hóa, tài nghệ đối đáp linh hoạt của người hát vì thế giàu nhạc điệu và thấm đậm chất trữ tình, được hát không giới hạn về không gian, thời gian. Tuy khác nhau về giai điệu và nhịp phách nhưng đều có giá trị văn hóa lớn lao, định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đề cao tinh thần lao động, sáng tạo, lẽ sống, ứng xử của con người với thiên nhiên. Páo dung còn thể hiện tình cảm thầm kín giữa nam và nữ và tạo không khí vui vẻ, quên đi mệt nhọc, giúp các bản Dao xích lại gần nhau, thắt chặt tình đoàn kết, cùng nhau vượt qua gian khó.


 Páo dung dặn dò cô dâu về nhà chồng trong đám cưới người Dao đỏ Tuyên Quang

Dù các lối hát này không có nhạc cụ đệm, được thể hiện ngẫu hứng, tự nhiên bằng chính cảm xúc cá nhân của người hát, nhưng không phải là lối hát tùy tiện mà có quy tắc chặt chẽ với ca từ hình thành trên thể thơ lục bát hoặc thất ngôn.

Sự phong phú của Páo dung

Ở từng nhóm người Dao khác nhau, điệu Páo dung cũng có sự khác nhau, mang dấu ấn địa phương rất riêng. Giai điệu Páo dung của các nhóm Dao vì thế có sự khác nhau, khó đối đáp với nhau. Người Dao Quần trắng, Dao Áo dài thường có âm điệu kéo dài, trầm; Ở người Dao Đỏ, Dao Tiền và Dao Quần chẹt lại có làn điệu bổng.

Tại Lạng Sơn có 4 nhóm Dao chính: Thanh Y, Lù Gang, Lù Đạng và Dao Đỏ. Riêng người Dao ở Vĩnh Tiến, 100% đều thuộc nhóm Dao Đỏ. Cách hát của người Dao Đỏ nơi đây cũng khác so với lối hát của những nhóm Dao khác, giai điệu Páo dung của người Dao Đỏ xã Vĩnh Tiến du dương, trầm bổng, nhịp phách rõ ràng, khác với lối hát của người Dao Lù Gang ở Công Sơn, Mẫu Sơn trầm buồn, của Dao Thanh Y Bắc Sơn âm điệu kéo dài, nhịp phách không rõ ràng.

Páo Dung giao duyên của người Dao cũng có những nét tương đồng với lối hát đối (hát ví, hát đúm) của người Mường.

 
 Páo dung của thầy cúng trong nghi lễ Mừng thọ của người Dao đỏ Tuyên Quang

Páo dung trong đám cưới của đồng bào thể hiện tập trung nhất vẻ đẹp của loại hình diễn xướng độc đáo này. Niềm vui mừng của gia đình hai họ, dân bản, tình yêu, khát vọng về hạnh phúc lứa đôi, giáo dục đạo lý… được thể hiện qua những khúc hát tâm tình, giàu nhạc điệu mà chủ yếu là hát đối đáp giao duyên. Các bên cử ra đại diện nhóm của mình để hát, người hát sẽ ứng khẩu tại chỗ theo các làn điệu truyền thống.

Trong đám cưới của người Dao các nhóm Coóc Ngáng, Quần Trắng, Thanh Y, Quần Chẹt, Áo Dài, Coóc Mùn và Ô Gang, ngoài hát đối đáp giao duyên còn có hình thức hát thử thách họ nhà trai. Khi nhà trai đến đón dâu, nhà gái chăng giây 4 chặng từ cổng đến chân cầu thang và hát đố. Quan lang nhà trai phải hát đáp lại và cho tiền vào một chiếc đĩa để sẵn dưới mỗi chặng dây thì mới được vào nhà.

Trong đám cưới của người Dao Đỏ, tiếng hát được cất lên từ khi lễ cưới bắt đầu cho đến khi kết thúc theo từng chặng phù hợp. Khi nhà trai đến nhà gái đón dâu, hai họ sẽ hát đối đáp thay cho câu chào hỏi xã giao. Khi cô dâu chuẩn bị về nhà chồng, các bà, các mẹ tiếp tục hát các bài tiễn đưa, dặn dò người con gái đi lấy chồng. Nhà gái đưa dâu đến, nhà trai mời nhà gái ở lại uống rượu. Trong mâm rượu, hai họ hát đối đáp nhau để bày tỏ tình cảm giữa hai gia đình, qua đó thể hiện lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống.

Với ý nghĩa cao đẹp trong từng câu hát, Páo dung của người Dao ở từng vùng cũng đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Theo cụ Lý Văn Hềnh, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, đồng thời là thầy giáo dạy chữ viết của dân tộc Dao ở bản Sưng, xã Cao Sơn, Đà Bắc, Hào Bình: “Hát Páo dung là một trong những nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Dao. Trong những bài hát nghi lễ hay hát giao duyên đều chứa đựng những giá trị văn hóa của người Dao. Việc gìn giữ, phát huy làn điệu Páo dung đã góp phần quan trọng bảo tồn nét văn hóa đặc sắc ấy”./.

(langvietonline.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi