Thứ Bảy, 21/9/2024
Người nghệ sỹ luôn cháy bỏng đam mê thể hiện hình tượng Bác Hồ

 Nghệ sĩ Văn Tân thể hiện hình tượng Bác Hồ trong hoạt cảnh “Kỷ niệm cao quý”

Cơ duyên đến với nghề 

Đối với nghệ sỹ Văn Tân kỷ niệm lần đầu hóa thân vào hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, người nghệ sĩ ấy vẫn như còn nguyên vẹn cảm xúc. Đó là từ những năm 1970 của thế kỷ trước, đồng chí Tố Hữu – khi đó là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên huấn Trung ương trong một lần đến thăm Xưởng phim truyện Việt Nam có yêu cầu “Anh em văn nghệ sĩ cố gắng 3 đến 5 năm nữa đưa được hình tượng Bác Hồ lên màn ảnh và sân khấu để mai này thống nhất nước nhà, đồng bào, chiến sĩ miền Nam sẽ hiểu sâu sắc hơn về sự nghiệp cách mạng vĩ đại và công đức Bác Hồ”. Câu chuyện này được đồng chí Hoàng Tích Chỉ - Nhà biên kịch Xưởng phim truyện Việt Nam thời kỳ ấy về thăm Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc nói lại với đồng chí Mạnh Phan – Trưởng đoàn, đạo diễn Lê Duy Thu và đồng chí Văn Tân. Thế là nghệ sĩ Văn Tân âm thầm lấy tơ trắng của cây đay, cây dứa tự tết râu, tóc, tự hóa trang hình tượng Bác Hồ. Được anh em Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc động viên, cổ vũ, Ty Văn hóa Hà Bắc (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang) quan tâm, tạo điều kiện, cấp kinh phí, ông đã dày công luyện tập. Ngày 17/01/1974, ghi dấu ấn không quên trong cuộc đời sự nghiệp của nghệ sĩ ưu tú Văn Tân, đó là kỷ niệm đánh dấu buổi biểu diễn đầu tiên của Nghệ sĩ trong việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu. Vở kịch ngắn “Kỷ niệm cao quý” do đoàn ca múa kịch Hà Bắc biểu diễn thành công, trong đó nghệ sĩ Văn Tân hóa thân vào vai Bác Hồ được khán giả động viên không ngớt qua những tràng pháo tay giòn giã. Thành công trong lần đầu thể hiện một vai diễn mà theo nghệ sĩ là tương đối đặc biệt và khó đó, cùng sự khích lệ tinh thần của Ban lãnh đạo, khán giả tạo bước ngoặt trong sự nghiệp diễn xuất cuả nghệ sĩ, từ đó ông quyết tâm theo đuổi niềm đam mê thể hiện hình tượng Bác Hồ.

Để có được thành công như ngày hôm nay, chưa khi nào người nghệ sĩ ngừng tìm tòi, sáng tạo, tận tụy học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến góp ý của đồng nghiệp, khán giả để làm sao cho thật giống Bác từ hóa trang đến cử chỉ, lời nói, tác phong… Ông tâm sự, với nghề diễn để thành công phải hóa thân, hóa hồn vào nhân vật; với việc thể hiện hình tượng của Bác càng phải tỉ mỉ, cẩn thận, nghiên cứu kỹ tài liệu, phong cách, giọng nói của Bác làm sao cho thật chuẩn mới thuyết phục được người xem. Trong mấy chục năm theo nghề ông đã nhận được sự góp ý chân thành của nhiều giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, lịch sử, nghệ thuật… nhất là được ông Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác tặng 10 tập Hồ Chí Minh toàn tập, một băng ghi âm có 13 bài Bác Hồ nói chuyện và đọc thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ và kiều bào ta làm tư liệu cũng như trực tiếp đóng góp vào vai diễn về những cử chỉ, phong thái của Người lúc sinh thời để thể hiện cho sinh động. Thành công trong vai diễn của NSƯT Văn Tân còn là ông đã khổ luyện và thành công trong chất giọng Nghệ An trầm ấm, truyền cảm của Bác; trước mỗi buổi biểu diễn, tùy từng đối tượng khán giả (nông dân, công nhân, thanh niên, thiếu nhi, phụ nữ, bộ đội, trí thức…), ông đều dành nhiều thời gian nghiên cứu, xem phim, nghe lại băng tư liệu, luyện giọng để phù hoàn cảnh.

Với thành tích sáng tạo, lao động nghệ thuật sân khấu phục vụ nhân dân, năm 2012, nghệ sĩ Nguyễn Văn Tân được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phong tặng Danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Ưu tú; Viện Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cấp Bằng chứng nhận “Xác lập Kỷ lục Việt Nam người thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu và điện ảnh phục vụ nhân dân nhiều nhất”. Ngoài ra ông được nhận nhiều huy chương, huy hiệu, phần thưởng cao quý của ngành.

Suốt gần nửa thế kỷ trôi qua, người nghệ sĩ già vẫn luôn cháy bỏng với niềm đam mê thể hiện hình tượng Bác Hồ qua từng câu chuyện kể. Đó là cả một sự nghiệp dày công nghiên cứu, rèn luyện, học tập để trở nên giống Bác bằng  tất cả niềm đam mê, nhiệt huyết với con đường đã chọn.

"Dân vận khéo" qua từng câu chuyện kể

Đối với NSƯT Văn Tân, để thể hiện hình tượng Bác Hồ, trong đời thường ông luôn giữ nếp sinh hoạt, tác phong chuẩn mực để làm sao giữ được hình ảnh người nghệ sĩ được vinh dự thể hiện hình tượng Bác Hồ. Tư tưởng, đạo đức của Người thật sự thấm vào bản thân nghệ sĩ ưu tú Văn Tân để trở thành một phần trong cách sống, cách làm việc hàng ngày và truyền tải đến mọi người. Với ông, mỗi câu chuyện kể, mỗi hoạt cảnh về Người đều gắn với kỷ niệm; và đó không đơn thuần chỉ là một vai diễn được tập luyện công phu để biểu diễn trước khán giả mà thông qua đó phải góp phần tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân thêm tự hào, yêu quê hương, đất nước, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước mỗi đối tượng khán giả ông đều lựa chọn các câu chuyện dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, phối hợp với dàn diễn viên quần chúng tham gia các hoạt cảnh cho sinh động. Rất nhiều câu chuyện, tác phẩm mang ý nghĩa giáo dục để lại tiếng vang như: Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng; Bác Hồ với công tác giáo dục; Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số; với nông dân, công nhân, phụ nữ, thanh niên, lực lượng vũ trang…được khán giả mọi miền đón nhận; qua đó người nghệ sĩ chân chính truyền tải thông điệp ý nghĩa về cuộc sống để mọi người cùng soi lại mình; để có thêm động lực và quyết tâm học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách sống cao thượng, giản dị của Bác hiệu quả.

Gần hai chục năm nghỉ hưu, nay ở tuổi “thất thập cổ lai hy” song người nghệ sĩ ấy vẫn chưa bao giờ tự cho mình nghỉ ngơi. Hiện nay ông vừa là Chủ tịch Hội Văn hóa quan họ tỉnh Bắc Giang với hơn 400 hội viên và ngày ngày vẫn cần mẫn nghiên cứu, trau dồi chuyên môn thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu bởi với ông “từng lời dạy của Bác giản dị mà thấm thía vô cùng, lúc làm việc hay nghỉ ngơi tôi đều luôn ngẫm về lời dạy của Người vì dường như tất cả ăn sâu vào máu thịt của tôi rồi vậy”. Giờ đây điều mà nghệ sĩ trăn trở nhất chính là mong muốn đào tạo được lớp nghệ sĩ kế cận có đủ tài năng, nhiệt huyết để tiếp tục sự nghiệp phục vụ khán giả, nhân dân, đặc biệt trong điều kiện toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tích cực thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới. Chúc cho “người nghệ sĩ đặc biệt” luôn “tuổi cao trí càng cao”, tiếp tục cống hiến những tác phẩm có sức lan tỏa trong nhân dân về tình yêu quê hương, đất nước, niềm yêu kính, tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới – người con ưu tú của dân tộc Việt Nam./.

Nguyễn Thị Thu Hiền (Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất