Thứ Bảy, 21/9/2024
“Đám cưới chuột” trong thơ và tranh dân gian

 Đám cưới chuột (tranh Đông Hồ)

Ở đây, thơ và tranh đều tập trung khai thác đề tài đám cưới của một đôi chuột và việc cống lễ cho mèo già đã phản ánh một thực tế về nhân tình thế thái và cách ứng xử giữa các đối tượng, thành phần trong cộng đồng xã hội với nhau.

Trong thơ thì mô tả cả một quá trình tổ chức hôn sự và những suy nghĩ, tâm trạng của những nhân vật trong cuộc với hàng chuỗi sự việc phải xử lý, còn tranh thì chỉ chọn một “lát cắt” là đặc tả cảnh rước dâu của đám cưới chuột bị mèo già chặn đường giữa “thanh thiên bạch nhật” và cách ứng phó tình thế của họ hàng nhà chuột.

Mở đầu bài thơ “Đám cưới chuột” đề cập đến tâm lý vừa mừng vừa lo của chuột mẹ - đại diện cho nhà trai khi con cái đến tuổi lập gia đình riêng. Mừng vì hôn nhân của con sẽ góp phần duy trì dòng dõi và phát triển nguồn nhân lực, đem lại hạnh phúc cho gia tộc. Lo vì phải đi cống lễ đối với kẻ có thế lực đang cai quản trực tiếp địa bàn mà gia đình mình đang sinh cơ lập nghiệp và sắp có “song hỷ lâm môn”. Nhà chuột không thể tùy tiện biện lễ được, vì vậy,“Mẹ chuột nghĩ vân nghĩ vi/Bấm tay định liệu lấy gì biếu ông?”. Điều mà mẹ chuột băn khoăn, lo lắng nhất là sự cậy quyền, thói chơi bời phè phỡn, tính khí thất thường, thích sử dụng bạo lực của kẻ thống trị:“Mẹ chuột cũng quyết một lòng/Chỉ còn một nỗi sợ ông mèo già/ Mèo già tính khí la cà/Này rượu hàng hũ này gà hàng con/Ông mà đã nóng máu lên/Thì thôi tan nát chẳng còn thứ chi”. Trong khi đó thì hoàn cảnh kinh tế của nhà chuột cũng không xông xênh cho lắm mà giá cả thị trường lại “tiền nào của ấy”:“Miếng thịt thì đáng sáu đồng/Cỗ xôi thì cũng phải chồng mười hai/Lại còn cái sỏ cái tai/Rượu ngon hai hũ chóp chài một đôi”.

Lễ cống mèo già được đưa lên đầu tiên trên “bàn cân não” của mẹ chuột: Vài ngày chu tất xong xuôi/Mẹ chuột rối bời mấy liệu mấy lo”, đủ thấy áp lực nặng nề của tầng lớp “tham quan ô lại” đối với tầng lớp bình dân trong xã hội đương thời như thế nào.

Sau khi tính toán dự trù xong chuyện “đối ngoại”, mẹ chuột mới tính đến việc nhà mình. Hôn nhân tuy là chuyện của cá nhân nhưng lại kéo theo việc xác lập quan hệ giữa hai gia tộc. Do đó, phải xem xét kỹ gia cảnh, dòng họ đôi bên có “môn đăng hộ đối” và hai trẻ có hợp tuổi, hợp mệnh nhau không mới cho cưới: Nhờ thày bấm đốt xem giờ/Còn ngờ phương tuổi còn ngờ cầm tinh/Nhà lam lũ lấy gì xinh/Người nó cũ kỹ hợp mình hợp ta”.

Sau khi đã chọn ngày lành tháng tốt, nhà trai triển khai tiếp một số công việc liên quan đến lịch trình cưới: “Mời họ gần mời họ xa/Lo trả nợ miệng lo nhà sửa sang/Bấy giờ công việc tạm an/Chỉ còn tính liệu sửa sang đón về”.

Còn bên nhà gái thì sao? Qua hình ảnh “Những là gió mát trăng kề/Ở nhà gái chuột một bề liệu lo/Thắm lòng chẳng gạn đường tơ/Ngày vui mai trúc bây giờ đến nơi”, có thể biết được đám cưới truyền thống xưa thường được tổ chức vào mùa Thu thời tiết dễ chịu nhất trong bốn mùa ở nước ta. Như vậy đám cưới diễn ra trong điều kiện thuận lợi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Để chuẩn bị cho tiệc cưới linh đình, chu toàn, nhà chuột gái làm cỗ từ nửa đêm: “Canh ba trăng lả gió mời/Ở nhà gái chuột người người vào ra”. Không khí nhộn nhịp, sôi nổi từ trong nhà ra ngoài sân và cầu ao: “Chuột nhắt thì cầm dao pha/Chuột chí nhấp nhỏm lăm la dao bầu/Thắp đèn mổ thịt giữa cầu/Thớt băm lốc cốc hỏa châu sáng lòa/Chuột già bê thúng cau ra/Têm trầu tiễn chũm bỏ ra cơi mời/Chuột con bê cỗ gẫu người/Chuột lớn tất tả đồ xôi đơm chè/Bà chuột quần đũi áo the/Ông chuột ngất ngưởng dốc be rượu tàu/Hai hàng sập gụ kê đầu/Mấy ông chuột họ chờ hầu quan viên/Chuột trùm say ngả say nghiêng/Chuột cống bí tỉ gắp liền như mưa”.

Bằng sự quan sát tinh tế, nhanh nhạy, nhà thơ dân gian đã “chớp” được thần thái sinh động của mỗi nhân vật trong bức tranh toàn cảnh làm tiệc cưới nhưng không quên  hài hước, dí dỏm. 

Một trong nét đặc sắc của bài thơ là diễn tả đầy đủ những nghi thức của đám cưới theo phong tục truyền thống quy định.

Đầu tiên là Lễ ăn hỏi: “Nhà trai lũ lượt vào hiên/Gánh đôi quả nặng xôi thêm rượu chầu/Người hạ nón, kẻ đưa trầu/Váy the quần lĩnh khăn tàu như nêm”. Tiếp liền là chú rể lễ gia tiên nhà gái: “Chú rể khi ấy đỡ đèn bước ra/Châm nén hương đỏ giữa nhà/Khấn khấn vái vái nhập gia từ đường”.

Sau những nghi lễ kể trên, nhà gái mời nhà trai ăn uống: “Quan viên hai họ hai hàng/  Cỗ bưng như nước đàng hoàng dọn ra”. Hai bên thông gia vui vẻ thân tình chúc tụng lẫn nhau những lời vàng ý ngọc: “Bây giờ hai họ nhà ta/Thông gia hai nhà như một mà thôi/Mừng cho đôi lứa tốt đôi/An tài phúc lộc đời đời vinh hoa”.

Đến Lễ rước dâu thì càng xôm tụ, điển hình cho tinh hoa văn hóa truyền thống của đám cưới cho nên cả tranh lẫn thơ đều gây ấn tượng mạnh ở duyên cảnh này.

Trong thơ, mô tả đám cưới thật hoành tráng: “Cưới chuột thì thật là to/Dãy dài dãy ngắn giăng bờ như nêm”,“Một trời nước biếc non xanh/Đàn chuột lũ lượt vòng quanh bờ dài/Đi đầu là họ nhà trai/Chú rể áo dài quần cháo thướt tha/Chuột trẻ cho chí chuột già/Những là áo lượt quần là tốt tươi/Chuột vàng dâng quả đội cơi/Miếng trầu thơm miệng đỏ môi họ hàng”. Trang phục đám cưới của mọi người vừa đẹp vừa sang, đặc biệt trang phục cô dâu rất đặc trưng: “Khăn bao thì thắt lưng ong/Áo the khăn nhiễu ra dòng cô dâu” và còn được “Phù dâu hai đứa cầm tay/Hai con ả chuột mặt mày như hoa”.

Trong tranh, gợi mở ra cho người xem khung cảnh đám cưới tưng bừng, lộng lẫy thông qua các gam màu  xanh, đỏ, tím, vàng… và thần thái của các nhân vật trong đoàn rước dâu. Dẫn đầu là chú rể chuột, đầu đội mũ cánh chuồn, mình mặc áo thụng xanh, chân đi hia, cưỡi ngựa hồng, nhìn về sau vẻ đắc ý vì đã đỗ “ông Nghè, ông Cống” lại được cưới vợ đẹp. Cô dâu chuột vấn khăn, mặc áo gấm xanh ngồi trong kiệu hoa nhìn chồng đang cưỡi ngựa đi phía trước vẻ tự hào mãn nguyện. Theo hầu phía sau là con chuột đen cầm lọng và con chuột khoang cầm biển “nghinh hôn”. Con cầm lọng vẻ nghiêm trang, con cầm biển thì quay đầu lại nhìn kiệu cô dâu. Bốn con chuột khiêng kiệu trong đó có hai con đi sau ngoái nhìn lại phía sau chứng tỏ đám rước còn dài.

Qua thơ và tranh có thể thấy đám cưới là một sự kiện trọng đại không chỉ mang lại hạnh phúc cho gia đình, dòng họ mà còn nhân niềm vui kết nối, cộng cảm của mọi người trong làng nước với nhau. 

Trong khi mọi sự đang “xuôi chèo mát mái”, vui vẻ thì một tình huống xấu xảy ra. Đó là sự xuất hiện của “Một đàn mèo xám mặt bì/Cầm dao cầm gậy lại thì cản ngăn/Mèo già nhảy đến nhe răng:- Tao thì lột xác không thằng nào tha/Chúng mày ăn uống la đà/A! Quân xỏ nõ khinh già nhơn nhơn”.

Do đã dự liệu cách ứng phó trước thái độ hung hăng của mèo già, bằng thái độ nhã nhặn, nhún nhường, chuột trùm hóa giải êm thấm sự việc rắc rối:“Chuột trùm mới vái lạy luôn/Xin ngài độ lượng rộng lòng tha cho/Sông sâu còn lúc vắng đò/Bởi vì con trẻ biết lo liệu gì/Mong ngài phù hộ độ trì/Chúng con biết rõ mình thì thật hư”.

Không chỉ khôn khéo ăn nói, chuột trùm liền dâng lễ đã chuẩn bị sẵn cho mèo già toàn món mà hắn khoái khẩu:“Chúng con cắn cỏ lạy thày/Giờ lành tháng tốt được ngày rước dâu/Chúng con chẳng dám khinh đâu/Chúng con có lễ xin hầu quan ông/Cá trắm nằm giữa mâm đồng/Đĩa xôi nậm rượu lạy ông nhận giùm”.

Mặc dù trong lòng đã ưng thuận nhưng mèo già vẫn giả bộ kênh kiệu ban ơn “Mèo già vuốt bộ râu hùm Lưỡi đỏ choen choét liếm hàm răng nanh”, “Cá này ăn cũng là tanh/Nhưng tao cũng nhận lòng thành chúng bay”. Nhận lễ  tức là mèo già đã đồng ý cho đám rước dâu của nhà chuột tiếp tục cử hành.

Cũng là thể hiện chuyện cống nạp, trong tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh) và Hàng Trống (Hà Nội) ngầm ẩn giấu nụ cười châm biếm. Nghệ nhân đã vẽ hình tượng mèo già béo ú, mặt nghiêm nghị tỏ vẻ như khó chịu nhưng tay vẫn giơ ra để nhận lễ vật. Bốn con chuột dâng lễ (con đi đầu  hai tay nâng con chim, con thứ hai xách một con cá, hai con đi cuối thổi kèn) với thái độ  khép nép, nể sợ, tôn trọng và có chút dò xét, cảnh giác để tùy cơ ứng biến linh hoạt.

Từ bút pháp ẩn dụ “Ý tại ngôn ngoại” của thơ và tranh, các tác giả dân gian đã gửi gắm đến muôn đời thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn: “Đám cưới chuột” có thể coi là biểu tượng về một thế giới Hòa bình (toàn thể cộng đồng cùng chung vui, chúc mừng cho hạnh phúc đôi lứa xứng đôi và giúp nhau giải quyết khó khăn, tháo gỡ khúc mắc trên đường đời). Hình ảnh chuột mang lễ cống cho mèo còn có ý nghĩa về sự “dĩ hòa vi quý” lấy hòa hiếu, an bình làm trọng, lấy nhu khắc cương. Để cùng chung sống, tồn tại được yên ổn lâu dài thì mọi quyền lợi phải được chia sẻ hay giải quyết thuận tình hợp lý (về vật chất mèo nhận được lễ vật, về tinh thần thì mèo nhận được sự cung kính, nể sợ của nhà chuột; còn chuột được cử hành đám cưới - việc đại sự- được thuận lợi).

Đây là thông điệp về ý nghĩa cộng sinh hợp tác - phát triển của cuộc sống cộng đồng xã hội mà thơ và tranh “Đám cưới chuột” nhắn gửi các thế hệ. Đây cũng là một nét đẹp văn hóa dân tộc của người Việt nên giữ gìn cho tốt đẹp hơn trong thời đại mới./.

Trương Thị Kim Dung/Tạp chí Dân vận số 1+2/2020

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất