Thứ Bảy, 20/4/2024
Festival Huế mê hoặc khán giả

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2018, chia sẻ: “Thay vì gói gọn trên đường Lê Lợi, Trần Hưng Đạo và chỉ trong một số buổi như các kỳ tổ chức trước đây, lễ hội đường phố năm nay diễn ra trong các ngày festival và mở rộng thêm về lộ trình trên các trục đường của TP Huế từ bờ Nam vòng sang bờ Bắc dòng sông Hương thơ mộng. Đối tượng tham gia biểu diễn cũng mở rộng hơn nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của khán giả”.

Ấn tượng nhất là các đoàn nghệ thuật đều cố gắng thể hiện những nét văn hóa độc đáo nhất của đất nước mình.

Những cô gái Hàn Quốc duyên dáng trong bộ trang phục Hanbok truyền thống, hai chú sư tử Nhật Bản nhún nhảy theo những nghệ sĩ biểu diễn Yosakoi - điệu nhảy truyền thống của đất nước mặt trời mọc; những cô gái Thái Lan, Mông Cổ trong trang phục dân tộc uyển chuyển, mềm mại... tất cả đang khiến Huế trở nên sôi động hơn, trẻ trung hơn so với vẻ cổ kính, trầm mặc vốn có của cố đô. 

Cả cố đô Huế đang là một đại sân khấu, khiến lịch sử bừng tỉnh giấc. Tại Đại nội Huế, chương trình “Văn Hiến Kinh Kỳ” do hơn 400 diễn viên biểu diễn đã kể lại câu chuyện sử thi về đất nước Việt Nam trong thế kỷ 19.

Những sự kiện được xâu chuỗi làm nổi bật 5 di sản văn hóa của Cố đô Huế: Quần thể kiến trúc cung đình Huế, Nhã Nhạc, Mộc bản, Châu bản và thơ trên kiến trúc cung đình Huế. Rồi câu chuyện về cuộc đời người dân sông nước Huế..., nối tiếp nhau như dòng chảy con sông, ôm lấy Huế, bảo vệ Huế, xây dựng, giữ gìn, che chở và bao bọc Huế trong “Âm vọng sông Hương”.

Ở các sân khấu khác trong Đại nội, cung An Định, những di sản Việt Nam và thế giới như múa bát dật, nhã nhạc, ca trù, quan họ... cùng được đồng loạt kể thật trang trọng.

Chất xưa dân dã, mộc mạc của lịch sử còn được tái hiện trong lễ hội “Chợ quê ngày hội”. Đặc biệt năm nay, lễ hội chợ quê còn mở rộng thêm không gian trưng bày cây cảnh, các phiên chợ đêm, lễ hội áo dài.

Du khách Trần Văn Thuấn (quê Nam Định) chia sẻ, hiếm lễ hội nào lại quy tụ nhiều sản vật nông nghiệp đặc sắc như “Chợ quê ngày hội”.

Chúng tôi được sống trong không khí thanh bình, ấm cúng của làng quê, sự hối hả, tấp nập của ngày mùa bận rộn, khiến lòng người xốn xang như trở về với nơi gắn bó của tuổi thơ mình.

Còn với ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, cho biết: “Nếu bạn nói Huế buồn, Huế chậm rãi, Huế êm đềm, thì hãy đến với chúng tôi vào những ngày diễn ra festival, bạn sẽ thấy một Huế khác biệt và đáng sống như thế nào”.

Theo Sài Gòn Giải Phóng online

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất