Thứ Năm, 25/4/2024
Công an Nghệ An với kinh nghiệm tuyên truyền, vận động phòng, chống ma túy
 

Công an huyện Con Cuông đến tận nhà tuyên tuyền, vận động nhân dân “nói không với ma túy”.
Ảnh: Congannghean.vn


Nghệ An là một trong những địa phương được Chính phủ, Bộ Công an xác định là địa bàn trọng điểm về ma túy của cả nước. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, các ngành chức năng của tỉnh phát hiện, bắt giữ hơn 1.000 vụ phạm tội về  ma túy, thu giữ trên 100kg  ma túy các loại. Trong đó, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy nổi lên ba vấn đề đáng quan tâm sau:

Một là, tiềm ẩn nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn từ Lào vào Nghệ An; trong đó, dòng dịch chuyển ma túy chủ yếu từ vùng Tam giác vàng đến Lào, lợi dụng đường tiểu mạch, đường mòn, lối mở, địa hình rừng núi hiểm trở để thẩm lậu vào địa bàn Nghệ An sau đó được đưa đi các tỉnh miền Bắc và phía Nam tiêu thụ. Giai đoạn 2020 - 2022, Công an tỉnh đã đấu tranh, triệt xóa hơn 150 đường dây mua bán trái phép chất ma túy lớn qua tuyến biên giới và hiện nay, đã dựng và đưa vào quản lý nghiệp vụ 13 đường dây gồm 48 đối tượng nghi vấn hoạt động mua bán ma túy từ Lào vào Việt Nam qua địa bàn tỉnh Nghệ An.

Hai là,hình thành một số nhóm đối tượng (có cả người nước ngoài) mang theo “vũ khí nóng” xâm nhập vào nội địa ở các vùng hiểm trở, hẻo lánh, nguy hiểm thuộc khu vực biên giới để tổ chức bán trái phép chất ma túy. Giai đoạn 2020 - 2022, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tấn công vũ trang truy quét, đẩy đuổi 18 nhóm với hàng trăm đối tượng.

Ba là, số người nghiện ma túy trên địa bàn còn nhiều. Toàn tỉnh hiện có 4.570 người nghiện có hồ sơ quản lý (trong đó có 2.939 người nghiện ngoài cộng đồng, 1.631 người nghiện tại các cơ sở cai nghiện) và 1.719 người sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, người nghiện ma túy có xu hướng trẻ hóa, tình trạng người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy dạng đá ngày càng tăng, một số đối tượng sau khi sử dụng ma túy thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Để từng bước giải quyết hiệu quả tình hình trên, Công an Nghệ An đã tập trung tham mưu, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống ma túy; trong đó xác định “phòng là chính” và công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma túy (PCMT) là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Đã triển khai một số giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCMT như sau:

1.Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành đầy đủ hệ thống văn bản chỉ đạo huy động được sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp trong công tác PCMT nói chung, công tác tuyên truyền PCMT nói riêng. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo mang tính chiến lược, điển hình như: Chương trình hành động số 99-CTr/TU, ngày 07/11/2022 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Công văn số 762-CV/TU, ngày 06/12/2021 về tăng cường các hoạt động hợp tác với Lào trong phòng, chống ma túy; Công văn số 1116-CV/TU, ngày 27/5/2022 chỉ đạo tăng cường công tác “làm sạch” ma túy tại 27 xã biên giới tỉnh Nghệ An… Tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, công văn chỉ đạo công tác PCMT, gắn với tăng cường công tác tuyên truyền PCMT.

2.Hằng năm, đã chủ trì, phối hợp biên tập hàng trăm tài liệu, bản tin, phóng sự, pa nô, áp phích... tuyên truyền PCMT. Riêng giai đoạn 2019 - 2022, đã phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh mở các chuyên trang, chuyên mục, biên tập, phát hành trên 3.300 bản tin phòng, chống tội phạm đến tận cơ sở; xây dựng hơn 250 chương trình phát thanh, truyền hình phát sóng trên Đài PT-TH tỉnh và các địa phương để dành nhiều thời lượng, tần suất đăng tải các tin, bài, phóng sự tuyên truyền PCMT. Duy trì phát sóng chương trình An ninh Nghệ An trên đài Truyền hình Nghệ An và trang phát thanh chuyên đề “Vì an ninh trên quê hương Xô Viết”

3. Hằng năm, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông, tuyên truyền lưu động, nói chuyện chuyên đề và nhiều cuộc thi tuyên truyền PCMT; tổ chức giao lưu, văn hóa, văn nghệ về chủ đề PCMT tại các địa bàn trọng điểm, biên giới, các trường học, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác PCMT. Đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Công an tỉnh và Công an các địa phương trọng điểm, phức tạp về ma túy (trong đó có các huyện biên giới) thành lập hơn 40 đội tuyên truyền xung kích, lưu động được trang bị máy vi tính, máy chiếu, màn hình chiếu, thực hiện hình thức tuyên truyền trực tiếp, sinh động bằng phần mềm  powerpoint để tuyên truyền, vận động nhân dân PCMT. Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các lực lượng và ý thức tự quản, tự phòng về PCMT của nhân dân.

4.Quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về PCMT gắn với các hoạt động tự phòng, tự quản bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở. Đến nay, đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 460 ban chỉ đạo tự quản, gần 40.000 tổ tự quản về an ninh trật tự, 346 mô hình, điển hình tiên tiến về quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự, trong đó, có 270 mô hình hoạt động hiệu quả tốt, như: Dòng họ tiêu biểu về an ninh trật tự; Cụm dân cư, đơn vị an toàn không có tệ nạn ma túy ; Xóm bản văn minh không có tệ nạn ma túy; Tuổi trẻ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội... trong đó có nhiều mô hình được Bộ Công an thông báo biểu dương, nhân rộng trên toàn quốc.

5. Lựa chọn địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy để tập trung công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy, gắn với tăng cường lực lượng triệt xóa các đường dây, tụ điểm buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Đặc biệt, trong năm 2021, Công an tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy”, qua đó, đã tập trung ưu tiên công tác tuyên truyền PCMT tại 27 xã biên giới, quyết tâm “làm sạch” 27 xã biên giới, làm vành đai vững chắc ngăn ma túy thẩm lậu qua biên giới. Sau 6 tháng triển khai thực hiện Đề án, 27/27 xã biên giới đã duy trì mô hình “xã sạch về ma túy”, tổ chức in ấn, treo 535 băng rôn, pano tuyên truyền PCMT tại các trục đường chính; bố trí hơn 400 hòm thư tố giác tội phạm, 420 bảng niêm yết đường dây nóng của Công an xã tại các thôn, bản; tổ chức 220 diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân, 24 phiên tòa xét xử lưu động… gắn với đấu tranh, triệt xóa các điểm, tụ điểm, đường dây phạm tội về ma túy. Vì vậy, cho đến nay, có 26/27 xã biên giới “sạch” ma túy, được Bộ Công an đánh giá cao và đề nghị nhân rộng trên toàn tuyến biên giới Việt - Lào.

6. Phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp tổ chức các phiên toàn xét xử lưu động tội phạm về ma túy (trung bình mỗi năm khoảng 30 - 50 phiên) tại các địa bàn trọng điểm, góp phần quan trọng phòng ngừa, răn đe, giáo dục tội phạm và tệ nạn ma túy. Chủ động phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng và chính quyền các huyện biên giới tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhân dân chống tái trồng cây có chất ma túy, nhờ đó 05 năm nay, trên địa bàn tỉnh không phát hiện trường hợp người dân trồng cây có chứa chất ma túy.

Thực tiễn cho thấy, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia PCMT, đã cung cấp hàng nghìn tin báo, tố giác tội phạm và tệ nạn về ma túy có giá trị, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tiễn công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống ma túy, Công an tỉnh Nghệ An rút ra 06 bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia PCMT phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Nơi nào cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là ở cơ sở chỉ đạo mạnh mẽ thì ở nơi đó công tác tuyên truyền, vận động nhân dân PCMT chuyển biến tốt và ngược lại.

Thứ hai, công tác tuyên truyền PCMT, phải làm thường xuyên liên tục, không làm theo thời vụ và phải được thực hiện quyết liệt từ gia đình, nhà trường, cụm dân cư, xã, phường, thị trấn; với tinh thần “phòng là chính” và phải thực hiện đồng thời với việc “chặn cung” và “giảm cầu”; huy động được sự vào cuộc của các ngành, các cấp, sự ủng hỗ, tham gia giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ ba, hình thức tuyên truyền, vận động phải đa dạng, phong phú, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trực quan pa nô, áp phích; tuyên truyền miệng; sân khấu hoá; quay băng, đĩa, trình chiếu... mới dễ đi vào lòng người và có sức lan tỏa lớn.

Thứ tư, nội dung tuyên truyền phải thường xuyên được đổi mới, đa dạng, phong phú, nhưng có trọng tâm, trọng điểm và phải phù hợp với từng vùng miền, địa bàn, đối tượng tuyên truyền. Trong đó, tập trung các nội dung như: Luật Phòng, chống ma túy; hậu quả, tác hại của tệ nạn ma túy; các biện pháp PCMT; kết quả bắt giữ và xử lý tội phạm ma túy của lực lượng Công an các cấp... Đặc biệt, đối với việc tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đòi hỏi cán bộ tuyên truyền phải biết tiếng dân tộc, phong tục, tập quán; nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu và phù hợp với truyền thống, văn hóa, phong tục của đồng bào.

Thứ năm,phải chú trọng kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác PCMT; gắn với thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở, chú trọng lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng thêm các báo cáo viên, tuyên truyền viên là người dân tộc thiểu số.

Thứ sáu, Ủy ban nhân dân các cấp và các ngành liên quan cần dành một phần ngân sách hỗ trợ việc mua sắm phương tiện phục vụ tuyên truyền, vận động và hỗ trợ cho các tuyên truyền viên để động viên, khích lệ và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống ma túy./.

Phan Thanh Đoài - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất