Thứ Bảy, 5/10/2024
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn "Quốc hội trẻ em"
 
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em"
lần thứ 2, năm 2024.
 


Đến dự, có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch nước: Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Doan; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tham dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội; Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Y tế; đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.

Nhân tố quan trọng nhất trong phòng, chống bạo lực học đường

Mở đầu phiên làm việc, đại biểu "Quốc hội trẻ em" đã chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành về chủ đề "Phòng, chống bạo lực học đường". Nêu lên thực trạng đáng lo ngại của tình trạng trên, đại biểu Trần Thị Tuyết My (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trẻ em Trần Bình Minh phân tích, làm rõ nguyên nhân.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trẻ em Trần Bình Minh đưa ra 3 nguyên nhân chủ yếu về việc một số trường học, giáo viên chưa thật sự chú trọng xây dựng văn hóa học đường; vẫn có gia đình chưa quan tâm đúng mức tới con em; môi trường mạng phát triển nhưng trẻ em thiếu "sức đề kháng". Qua đó, bày tỏ mong muốn cấp ủy, chính quyền các địa phương chung tay phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn, kéo giảm tình trạng bạo lực học đường.

Về giải pháp cho những hậu quả nghiêm trọng mà bạo lực học đường đã, đang để lại trong trẻ em mà đại biểu Lã Tiến Minh (Bắc Giang) chất vấn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trẻ em cho biết, hiện Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương triển khai mô hình "Trường học hạnh phúc".

Đồng thời, Bộ cũng kết nối với các bậc phụ huynh qua các phương thức giao tiếp trực tuyến; kiến nghị với ngành y tế hỗ trợ giải tỏa tâm lý cho các trường hợp học sinh gặp vấn đề; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo để xảy ra tình trạng nghiêm trọng về bạo lực học đường.

Tranh luận tại hội trường, đại biểu Đậu Khắc Gia Bảo (Quảng Trị) cho rằng, ngoài những nguyên nhân mà Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trẻ em đã nêu, không thể không nhắc tới việc học sinh là đối tượng có đặc điểm tâm sinh lý chưa hoàn thiện, dễ bị thay đổi, tác động bởi môi trường chung quanh. Từ đó, đề nghị Bộ trưởng phân tích sâu hơn về tác động tâm sinh lý đối với bạo lực học đường.

Đồng tình với ý kiến tranh luận, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trẻ em Trần Bình Minh cho rằng, đây là điểm hạn chế trong phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành y tế, sẽ được tăng cường khắc phục thời gian tới.

Sau một số chất vấn, trả lời chất vấn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu, trao đổi ý kiến với các đại biểu. Theo đó, tư lệnh ngành giáo dục khẳng định: Việc chất vấn, trả lời chất vấn trong phiên họp là giả định, nhưng những vấn đề đặt ra chung quanh lại vô cùng thực tế. Tiêu biểu, có thể kể đến mô hình "Trường học hạnh phúc" mà Bộ tích cực triển khai trong suốt thời gian qua.

"Ra đề bài" cho các đại biểu về nhân tố quan trọng nhất trong phòng chống, loại bỏ bạo lực học đường và nhận được câu trả lời là chính những học sinh dám nói lên tiếng nói của bản thân, trưởng ngành giáo dục bày tỏ tâm đắc: "Một học sinh có hoài bão, kiến thức, cách hành xử đúng mực sẽ không bao giờ thực hành bạo lực với bạn mình. Một học sinh dũng cảm, có kỹ năng, biết quan tâm người khác sẽ giúp đỡ được bạn bè tránh, thoát khỏi bạo lực học đường. Một học sinh biết cách xử trí, tiếp nhận thông tin trên không gian mạng sẽ không bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu độc".

Ngăn chặn thuốc lá thế hệ mới xâm nhập trường học

Liên quan đến chủ đề "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường", các đại biểu Nguyễn Hà Bá Tân (Nghệ An), Sùng Lan Phương (Lai Châu) và một số đại biểu khác bày tỏ băn khoăn về xu hướng gia tăng sử dụng thuốc lá thế hệ mới trong trẻ em, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Y tế trẻ em Nguyễn Ngọc Mai An cho biết nguyên nhân, thực trạng và giải pháp cho vấn đề trên.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Y tế trẻ em cho biết, hiện thuốc lá điện tử xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí được bán ngay tại cổng trường, có giá cả phù hợp túi tiền học sinh. Do thiếu hiểu biết về những tác động tiêu cực của thuốc lá thế hệ mới và khoảng trống trong hành lang pháp lý, các loại sản phẩm này đang ngày càng dễ len lỏi vào môi trường học đường.

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Mai An đề nghị ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ hơn trong phát hiện, quản lý thuốc lá thế hệ mới trong trường học, gắn với nêu cao vai trò, sự phối hợp của giáo viên, nhân viên nhà trường cùng gia đình của chính các em học sinh.

Cùng với đó, theo người đứng đầu Bộ trưởng Y tế trẻ em, các cơ quan quản lý thị trường cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn thuốc lá điện tử, nung nóng "thẩm thấu" vào trong nước và đặc biệt là đến tay trẻ em.

Chất vấn Bộ trưởng Công an trẻ em Trần Tử Quang về chủ đề thứ 2 của Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần này, đại biểu Lò Thị Linh Đan (Sơn La) đề nghị cho biết quan điểm, giải pháp mà Bộ Công an đang hướng đến nhằm phòng, chống tác hại của các loại thuốc lá thế hệ mới, nhất là việc phối trộn các chất gây nghiện vào thuốc lá điện tử.

Đối với câu hỏi trên, Bộ trưởng Công an trẻ em dẫn đánh giá của các cơ quan chuyên môn cho biết: Không có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít tác hại hơn thuốc lá thông thường. Nhiều nước trên thế giới hiện đã cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá thế hệ mới, trong đó có 5 nước ASEAN và Trung Quốc.

Trong số các giải pháp mà Bộ trưởng Công an trẻ em Trần Tử Quang nêu ra tại phiên họp, có việc nghiên cứu, xây dựng dự án “phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, chất kích thích trong môi trường học đường” trong một Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Bảo đảm để trẻ em được bày tỏ ý kiến, được lắng nghe

Phát biểu ý kiến tại Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn Chỉ thị số 28 ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị và Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Đánh giá cao Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương trong tổ chức Phiên họp, nhiệt liệt chúc mừng các đại biểu Phiên họp với những thành tích đã đạt được trong học tập, rèn luyện, đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định, 306 đại biểu "Quốc hội trẻ em" thật xứng đáng với công ơn sinh thành của cha mẹ, công lao dạy dỗ của các thầy, cô giáo.

Bày tỏ vui mừng trước thành công tốt đẹp của Phiên họp với hai chủ đề thiết thực, được dư luận xã hội quan tâm, Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở một số hướng đi để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời gian tới.

Cụ thể, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt cần rà soát để hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường; phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Các bậc phụ huynh cần quan tâm, lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn để trẻ em thật sự hạnh phúc, an vui trong chính ngôi nhà của mình. Các thầy, cô giáo tạo điều kiện, môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, giúp các em mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui.

Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương và các cấp Đoàn, Đội tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều chương trình, hoạt động chăm lo, hỗ trợ trẻ em và phát huy quyền tham gia của trẻ em trong đời sống xã hội.

"Tôi mong tất cả các cháu thiếu niên nhi đồng trên cả nước hãy luôn ghi nhớ và thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy, trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ.

(nhandan.vn) 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác