Thứ Bảy, 12/10/2024
Hiệu quả từ “thay đổi nếp nghĩ, cách làm’’

Quán triệt sâu sắc Kết luận số 08 của Tỉnh uỷ Kon Tum về Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) vươn lên thoát nghèo bền vững”, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã cụ thể hoá đưa vào Nghị quyết lãnh đạo và xây dựng kế hoạch, thành lập tổ chỉ đạo do đồng chí Phó Chính uỷ làm tổ trưởng, thành viên gồm Chỉ huy các phòng, Chính trị viên các đơn vị triển khai thực hiện trong toàn lực lượng BĐBP tỉnh. Đến này đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới đang từng bước vươn lên trong cuộc sống, gia đình ấm no, hạnh phúc.


 Ông A Liên chăm sóc đàn ngan của gia đình

Cụ thể, hộ gia đình ông A Liên (thôn Giăng Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) trước đây thuộc hộ nghèo, sau khi được cán bộ đồn Biên phòng Sa Loong tuyên truyền, giúp đỡ và đặc biệt là từ khi có Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” gia đình ông đã tiến hành gieo lúa nước 2 vụ và biết cách chăm sóc, vì thế năng suất đã tăng cao gấp đôi so với trước đây, đàn ngan, gà cũng ngày tăng nhiều thêm, có điều kiện tốt hơn cho các con ăn học. Ông chia sẻ: “Tôi được đồn Biên phòng Sa Loong cử cán bộ đến kết nghĩa anh em, xem tôi như người trong nhà, từ đó mọi việc ở gia đình đều được giúp đỡ nhiệt tình”. Còn gia đình anh Vi Văn Hà, người dân tộc Thái (ở thôn 2, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai) sau gần 1 năm chăm sóc, 20 con heo sọc dưa sinh trưởng tốt, mới đây đã cho xuất bán 10 con và thu về trên 10 triệu đồng. Là một trong những hộ khó khăn trong vùng, thu nhập bấp bênh, chủ yếu dựa vào tiền lương làm công nhân cao su nên khi được các cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Ia Đal quan tâm hỗ trợ, gia đình anh Vi Văn Hà rất phấn khởi bởi đã có thêm thu nhập từ chăn nuôi heo. Đại úy Nguyễn Hùng Quyết, Chính trị viên phó đồn Biên phòng Ia Đal cho biết “đồn Biên phòng Ia Đal đã chủ động cùng với chính quyền địa phương khảo sát và đánh giá thực trạng về những hủ tục lạc hậu để có các giải pháp đúng, phù hợp nhằm từng bước giúp dân xóa bỏ từng hủ tục lạc hậu, với phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, đồn đã chỉ đạo đội vận động quần chúng, đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ thôn, làng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách phát triển kinh tế”.

Hiện nay, BĐBP tỉnh đã triển khai 12 mô hình, chương trình ở khu vực biên giới nhằm để hỗ trợ ĐBDTTS phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, đặc biệt đã gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Những mô hình hỗ trợ được lồng ghép, gắn với các chương trình “đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “nâng bước em tới trường”, “con nuôi đồn biên phòng”…để người dân thấy được hiệu quả, từ đó tự giác học tập và làm theo; bên cạnh đó, để giúp bà con DTTS từng bước thay đổi nhận thức, từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Cuộc vận động đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Từ các mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đã có nhiều hộ gia đình thay đổi cách thức canh tác, sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi đem lại năng suất tăng cao so với trước đây. Đặc biệt, đã có nhiều thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu như trong việc cưới, việc tang, đau ốm. “Tục chặt củi cưới vợ các xã đã giảm xuống, các thôn không chặt cây rừng mà dùng củi cây bời lời; người chết xấu số cùng tham gia chôn cất, không kiêng cử thời gian dài, không làm thịt trâu bò, cúng bái…”.

Đại tá Phạm Cảnh Toàn, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Kon Tum cho biết: “Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng thực hiện tập trung vào công tác tham mưu, phối hợp cấp uỷ, chính quyền các xã biên giới phát động phong trào thực hiện Cuộc vận động đến từng thôn, làng và mọi người dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động bà con nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, chăn nuôi; xây dựng gia đình văn hóa, có kế hoạch chi tiêu trong cuộc sống gia đình. Đồng thời phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn người có uy tín và các đồng chí Đảng viên sinh hoạt tại thôn, làng giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, tuyên truyền vận động bà con xoá bỏ dần các hủ tục, tập quán lạc hậu”.

Với việc vào cuộc một cách tích tích cực, tất cả vì nhân dân vì đồng bào dân tộc thiểu số, BĐBP tỉnh đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ ĐBDTTS thay đổi nhận thức, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày càng phát triển đi lên./.

(tuyengiaokontum.org.vn)

Gửi cho bạn bè