Thứ Năm, 19/9/2024
Đồng Nai: Khi đảng viên là "đầu tàu"…
 

Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Nông trường Cẩm Mỹ Lê Minh Tuấn thăm
và tặng quà cho công nhân lao động của nông trường trong dịp Tết Nhâm Dần 2022


Trong các điển hình tiên tiến có nhiều gương sáng là đảng viên đã góp phần tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương.

* Cống hiến vì sự phát triển của đơn vị, địa phương

Đảng viên Lê Minh Tuấn đang được phân công giữ nhiều chức vụ như: Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Chủ tịch Hội Khuyến học Nông trường Cao su Cẩm Mỹ (thuộc Tổng công ty Cao su Đồng Nai). Ở nhiệm vụ nào, ông Tuấn cũng hoàn thành xuất sắc.

Trong đó, với công tác Công đoàn, ông luôn lấy “tổ Công đoàn làm địa bàn hoạt động, đoàn viên là đối tượng hoạt động”. Từ phương châm này, ông thường xuyên ra vườn cây nắm bắt tình hình công nhân lao động và trực tiếp quán triệt nghị quyết, chỉ thị, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến công nhân. Khi công nhân có vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống đều tìm đến ông để mong được giúp đỡ, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ của nông trường.

Để công nhân gắn bó với nông trường và có trách nhiệm trong sản xuất, ông thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, đối thoại, giải đáp thắc mắc giữa người lao động và người sử dụng lao động; đồng thời, tổ chức các phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản xuất, khen thưởng kịp thời các cá nhân có thành tích trong lao động và các hoạt động vui chơi giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân.

Đối với những công nhân nghèo, không thể xây dựng nhà ở, ông Tuấn đã cùng lãnh đạo nông trường xem xét chỉ đạo xây dựng 15 Mái ấm Công đoàn, giúp công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn “an cư lạc nghiệp”.

Năm 2019, ông Trần Xuân Thủy được bầu làm Trưởng ấp 9, xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ). Chỉ sau ít năm làm trưởng ấp, ông đã có nhiều đóng góp trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, ngay sau khi làm trưởng ấp, ông đã tham mưu và xin ý kiến chính quyền để vận động nhân dân của ấp cùng Nhà nước làm các tuyến đường giao thông nông thôn. Hiện nay, hầu hết các tuyến đường trong ấp được bê tông hóa nên người dân đi lại rất thuận tiện.

Ông Thủy chia sẻ, trước đây 2 tuyến đường trong ấp thuộc tổ 1 và tổ 3 là những con đường rất lầy lội vào mùa mưa và bụi vào mùa khô. Người dân ở 2 tổ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên có những trường hợp chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc làm đường nên không hợp tác. Nắm được điều này, ông Thủy cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động bà con làm đường. Việc tuyên truyền, vận động thường phải đi vào ban đêm, do ban ngày bà con đi làm. Cứ thế, “mưa dầm thấm lâu”, bà con đã hiểu rõ vấn đề và tự nguyện ký vào đơn đồng ý cùng Nhà nước làm đường, nay các tuyến đường này đã được bê tông sạch đẹp.

Quá trình vận động người dân làm đường giao thông, Trưởng ấp Trần Xuân Thủy đã vận động 1 hộ gia đình ở tổ 10, ấp 9 hiến 300m2 đất để mở tuyến đường liên tổ 2 với tổ 10 để giao thông 2 tổ này được thông suốt. Nhờ đó, giúp học sinh của Trường THCS Ngô Quyền có thêm tuyến đường đến trường thuận lợi, giảm áp lực khi các em phải qua ngã tư đông đúc xe qua lại mỗi khi tan trường.

Trưởng ấp Trần Xuân Thủy cũng rất khéo léo khi tham gia hòa giải các vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, xích mích hàng xóm…, đem lại sự đoàn kết, an ninh trật tự ở khu dân cư. Ngoài ra, ông đã vận động các cụ cao tuổi thành lập CLB dưỡng sinh, duy trì luyện tập vào mỗi buổi sáng, mang lại sức khỏe, niềm vui cho các cụ.

Trước khi làm trưởng ấp, ông từng có thời gian làm Ấp đội trưởng dân quân và Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp. Ở vị trí công việc nào, ông cũng được mọi người tin yêu, hằng năm ông đều được đánh giá là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

* Sáng tạo trong công việc

Sau 30 năm trong nghề, cô giáo Phạm Thị Hải Anh đã được điều động công tác qua nhiều trường học trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ở mỗi trường mà cô từng giảng dạy và làm công tác quản lý đều để lại những dấu ấn tốt đẹp.

Trong đó, vào tháng 7-2017, sau khi Trường THCS Trường Sa (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) được khánh thành, đi vào hoạt động, cô Phạm Thị Hải Anh được điều động làm Phó hiệu trưởng nhà trường. Trường mới nên đội ngũ giáo viên cũng mới, cơ sở vật chất nhà trường đang trong quá trình hoàn thiện. Nhận nhiệm vụ mới, cô cùng Ban giám hiệu nhà trường xây dựng sự đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái trong toàn trường và huy động các nguồn lực bên ngoài để nhà trường nhanh chóng ổn định trong công tác dạy học. Theo đó, cô và nhà trường đã vận động rất nhiều ghế đá và cây xanh tạo bóng mát, có chỗ cho học sinh thư giãn trong giờ giải lao. Trên ghế đá có in các kiến thức cơ bản các môn học, giúp các em vừa học, vừa chơi.

Trước khi phân công nhiệm vụ chuyên môn cho giáo viên, cô thường nắm bắt nguyện vọng công tác và năng lực từng người để phân công công việc hợp lý theo sở trường của mỗi giáo viên. Với cách làm đó, giúp giáo viên yên tâm công tác và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, ngay trong năm học đầu tiên, Trường THCS Trường Sa được thành lập đã có 41/65 giáo viên đủ điều kiện hội giảng cấp thành phố và có 37/41 giáo viên đạt thành tích giáo viên dạy giỏi.

Sau gần 3 năm công tác ở Trường THCS Trường Sa, tháng 4-2020, cô Phạm Thị Hải Anh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THCS Trảng Dài. Với trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, cô chú trọng công tác quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường; đồng thời, tổ chức cho mỗi tổ, bộ phận, đoàn thể và cá nhân xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể gắn với hoạt động chung của nhà trường, qua đó tạo tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp hơn cho nhà trường. Cô luôn khuyến khích cán bộ, giáo viên tự học, tự rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập, phát triển đất nước. Kết quả, ngay trong năm học cô về làm hiệu trưởng nhà trường, đã có 1 cá nhân của trường được UBND tỉnh tặng bằng khen, 16 cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…

Đối với học sinh, cô luôn tận tình dạy bảo, giáo dục các em kỹ năng sống, những bài học đạo đức qua những câu chuyện kể dưới cờ, giúp đỡ học sinh vươn lên trong học tập. Từ tháng 7-2020 đến nay, cô đã vận động được 30 suất học bổng toàn phần tiếng Anh tại Trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ với tổng trị giá 150 triệu đồng; vận động hàng chục suất học bổng, hàng ngàn cuốn sách, vở, xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 100 phiếu mổ mắt miễn phí cho các đối tượng… với tổng trị giá các hoạt động này gần 1,7 tỷ đồng.

Những tấm gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực và trong các phong trào thi đua của tỉnh đã thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia, nhân ái, nghĩa tình của người Việt Nam nói chung và người Đồng Nai nói riêng. Đặc biệt hơn, khi những tấm gương sáng là đảng viên, người đứng đầu trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị đã có giá trị thực tiễn đúng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, tạo tác dụng nêu gương để cán bộ, đảng viên, quần chúng học tập làm theo, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

(baodongnai.com.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất