Thứ Hai, 20/5/2024

Xây dựng xã hội học tập

Qua Lễ khai giảng của các trường học trong cả nước vừa qua đã cho thấy, để ngày khai trường có ý nghĩa thiêng liêng thì đó không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường, của các thầy, cô giáo mà còn là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cả cộng đồng xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng và xây dựng nền giáo dục dân chủ mới. Sinh thời Người đã từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ thiêng liêng cho toàn dân tộc là đoàn kết chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; đề ra những chính sách chiêu hiền đãi sĩ, kêu gọi người có tài ra gánh vác việc nước. Phong trào bình dân học vụ phát triển sôi nổi rộng khắp trên cả nước. Chính sách khuyến học, khuyến tài của Đảng, Nhà nước đã phát huy tác dụng to lớn, nhanh chóng nâng cao dân trí, thu hút tầng lớp trí thức tham gia phong trào cách mạng.

Xây dựng xã hội học tập là xây dựng một xã hội mà trong đó mọi người đều tự giác học tập, học thường xuyên, học suốt đời. Mọi lực lượng xã hội đều có trách nhiệm tạo cơ hội học tập cho người dân, để góp phần nâng cao tri thức cho nhân dân, nhằm “đi tắt đón đầu”, rút ngắn khoảng cách giữa nước ta với các nước trong khu vực và các nước trên thế giới. Xây dựng xã hội học tập là phát huy mọi tiềm năng sẵn có ở mỗi người dân, phát huy nội lực của họ bằng tự học, tự rèn luyện, tự lập thân, lập nghiệp, phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về xây dựng xã hội học tập: “Thực hiện một nền giáo dục thường xuyên cho mọi người, xác định học tập suốt đời là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi công dân”; ngày 13/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; ngày 9/1/2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”; tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta cũng đã khẳng định: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân...”. Thực hiện chủ trương này, cả nước ta đã gắn việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo với mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” và cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Xây dựng gia đình hiếu học; cộng đồng, dòng họ, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị khuyến học. Vận động cán bộ đảng viên và nhân dân tích cực học tập nâng cao dân trí, nghề nghiệp, chuyên môn nhằm tăng năng lực sản xuất, chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống. Gắn việc xây dựng xã hội học tập với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, với phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở... Đẩy mạnh việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, công chức, công nhân lao động; mở các lớp học nghề cho lao động nông thôn; các lớp giáo dục kỹ năng sống; cập nhật kiến thức, chuyển giao công nghệ… đáp ứng yêu cầu học tập đa dạng của xã hội.

Sự nghiệp giáo dục không chỉ của riêng ngành giáo dục, mà là sự nghiệp của toàn xã hội, của toàn Đảng, toàn dân. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của các gia đình, cộng đồng xã hội và bản thân người học. Đây thực sự là cuộc cách mạng về giáo dục. Cả xã hội đang kỳ vọng vào sự đổi mới căn bản và toàn diện của ngành giáo dục. Muốn vậy, phải khắc phục được các trọng bệnh: bệnh thành tích, bệnh cào bằng và bệnh gian dối; đồng thời, đổi mới cách thi và đánh giá trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Hướng đến một nền giáo dục tốt thì luôn cần ba yếu tố: cơ sở vật chất tốt, giáo dục tốt và quản lý tốt. Đổi mới là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải thay đổi được tư duy từ gốc rễ. Vẫn biết còn rất nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với ngành giáo dục, nhưng để giáo dục cất cánh thực hiện thành công việc đổi mới căn bản và toàn diện thì cần phải có sự quyết tâm vào cuộc của toàn xã hội.

Có thể nói, chưa bao giờ giáo dục, đào tạo lại được Đảng, nhà nước quan tâm, chú trọng như hiện nay. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, nền giáo dục muốn đổi mới căn bản, toàn diện phải hướng tới xây dựng một xã hội học tập, phù hợp với nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế hiện nay.

Kim Ngân

TẠP CHÍ IN