Chủ Nhật, 19/5/2024

Cần sự đồng thuận vào cuộc của người dân

Nhiều năm nay, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đã trở thành vấn nạn ở các thành phố, nhất là ở hai thành phố lớn như: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vỉa hè là để dành cho người đi bộ, nhưng tại các thành phố lớn này, vỉa hè đang bị lấn chiếm sử dụng vào mục đích khác. Đi trên đường phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ở khu vực nội thành dễ thấy vỉa hè ngang nhiên bị sử dụng vào mục đích để xe hay bán hàng, nhất là tại các khu vực đắc địa cho kinh doanh buôn bán. Rồi mỗi khi tắc đường là hàng đoàn xe máy lại leo lên vỉa hè. Vỉa hè bị lấn chiếm khiến người đi bộ không còn cách nào khác là phải đi xuống dưới lòng đường với đầy rẫy nguy hiểm rình rập. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi năm ở hai thành phố này có tới hàng trăm người thiệt mạng do đi bộ dưới lòng đường, cao gấp 4 - 5 lần so với các nước khác.

Để giải quyết “căn bệnh” lấn chiếm lòng đường, vỉa hè khó chữa này, những năm qua, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã mở nhiều đợt ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Từ cuối năm 2016 đến nay, các địa phương của TP Hồ Chí Minh đã có nhiều việc làm thể hiện quyết tâm này như: Phường 1, quận 5 đã thí điểm lắp hàng rào chắn để trả lại vỉa hè cho người đi bộ; phường Bến Nghé, quận 1 đã cho lắp các thanh barie trên vỉa hè ở một số tuyến đường để ngăn xe máy chạy lên; đồng thời, tổ chức các chốt xử lý các vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Ngoài những việc làm trên, thời gian gần đây, chuyện lập lại trật tự đô thị trả lại ý nghĩa đích thực cho vỉa hè ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh một lần nữa lại làm nóng dư luận, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Với quyết tâm và cách làm mới của Quận 1 là “Không sợ đụng chạm để lập lại trật tự kỷ cương và văn minh đô thị”, quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, cùng sự đồng thuận cao của người dân trong hợp tác phát hiện vi phạm và hiến kế giải pháp. Trực tiếp Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Đoàn Ngọc Hải đi chỉ đạo việc xóa bỏ những nơi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không phân biệt cơ quan nhà nước hay cá nhân, hễ vi phạm đều bị xử lý, để ai cũng phải thượng tôn pháp luật. Trong quá trình thực thi, đồng chí Phó Chủ tịch Quận 1 đã đứng ra giải thích với người vi phạm lý do của việc làm này nên việc lập lại trật tự lòng đường vỉa hè đều diễn ra trong không khí ôn hòa. Còn người dân thì hoan nghênh việc làm tốt và coi đây là việc làm bình thường, tất yếu. Điều đáng ghi nhận là không chỉ ủng hộ chính quyền, nhiều hộ dân đã tự giác tháo dỡ những phần vi phạm lấn chiếm vỉa hè như bảng, biển quảng cáo, lối lên xuống, hàng rào…, coi đó  là trách nhiệm của mình đối với không gian sinh hoạt chung của cộng đồng. Đây là một tín hiệu đáng mừng về sự chuyển biến trong ý thức trách nhiệm công dân của người dân Quận 1. Về phía cấp ủy, chính quyền, các cơ quan đoàn thể quận đều coi việc duy trì trật tự vỉa hè là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có kế hoạch sâu sát thực hiện. Kết quả sau 2 tháng ra quân, Quận 1 đã lập biên bản, xử phạt hơn 1.100 trường hợp lấn chiếm vỉa hè, xả rác nơi công cộng, đỗ xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông, thu ngân sách hơn 600 triệu đồng.

Tại Hà Nội, chuyện xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cũng làm nóng dư luận sau Hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị của BCĐ 197 TP.Hà Nội sáng 4/3 vừa qua. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng câu chuyện giải quyết lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã bàn nhiều, ra quân bao lần nhưng đều thất bại. Đưa ví dụ về việc khó giành lại vỉa hè, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết khi còn là Giám đốc Công an TP.Hà Nội, ông đã thống kê, với hơn 180 quán bia vỉa hè thì có trên 150 quán bia có “chống lưng”. Vì thế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu, lần ra quân tới đây phải thực hiện kiên quyết, không ồn ào theo đúng 3 bước: Thứ nhất, phải tuyên truyền nhắc nhở đến từng hộ gia đình, Chủ tịch phường, xã phải chịu trách nhiệm lập các tổ đến từng hộ gia đình kinh doanh liên quan vỉa hè để tuyên truyền, thuyết phục. Đồng chí lưu ý các phường, xã nên có thư ngỏ gửi các hộ kinh doanh bởi đây là chủ trương của thành phố, để người dân tự giác thực hiện thì mới không còn tình trạng tái chiếm vỉa hè. Thứ hai, kiểm tra việc thực hiện của các hộ kinh doanh liên quan vỉa hè, trường hợp không tuân thủ, không thực hiện sẽ thực hiện sang bước thứ 3 là cưỡng chế. Từ 10/3/2017 tất cả các quận huyện, thị xã toàn thành phố sẽ ra quân đồng loạt đảm bảo trật tự giao thông đô thị, xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Quận Hoàn Kiếm cũng là một quận trung tâm như  Quận 1, TP.Hồ Chí Minh, có đặc thù diện tích nhỏ, lượng người đổ về buôn bán, du khách rất đông. Vì thế, để có thể lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, giải pháp của quận là giao trách nhiệm cho từng phường. Địa bàn phường nào để xảy ra mất trật tự đô thị, lãnh đạo phường đó phải chịu trách nhiệm. Về phía người dân, quận chủ yếu tập trung vào các giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức. Đồng chí Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, trong giành lại vỉa hè, Hà Nội không ồn ào, không ra quân rầm rộ mà phải kiên trì, bài bản và bền vững. Cần tuyên truyền để người dân có ý thức không tái lấn chiếm, có ý thức bảo vệ trật tự văn minh đô thị thủ đô.

Với quyết tâm thông thoáng vỉa hè, cải thiện mỹ quan đô thị của TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhân dân cả nước đều mong muốn rằng việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ, lập lại trật tự cảnh quan đô thị cần duy trì được hiệu quả bền vững, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” như trước, ra quân rầm rộ rồi hết đợt cao điểm đâu lại hoàn đấy. Vấn đề đặt ra là dẹp xong rồi thì duy trì thế nào, dẹp những sai phạm, lấn chiếm vỉa hè đã khó, giữ được việc thông thoáng ổn định, lâu dài còn khó hơn nhiều. Do vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt quy định sử dụng vỉa hè, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, các quy định, quy ước về nếp sống văn minh đô thị. Phát động phong trào xây dựng văn hóa cộng đồng trong nhân dân; trong đó các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cán bộ đảng viên giữ vai trò đầu tàu gương mẫu, hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân tham gia thực hiện. Chúng ta ai cũng nhớ câu nói “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” và quan điểm chỉ đạo “Lấy dân làm gốc” sâu sắc của Bác Hồ. Vậy nên, dù với biện pháp cương quyết hay mềm dẻo thì chỉ cần lòng dân đồng thuận thì việc dẫu khó mấy cũng sẽ thành công. 

Kim Ngân

TẠP CHÍ IN