Chủ Nhật, 19/5/2024

Trần Quốc Tuấn và tư tưởng "Lòng dân không chia, cả nước góp sức đánh giặc"

Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228. Ông ra đời khi họ Trần vừa thay thế nhà Lý làm vua trong một đất nước đang đói kém, loạn ly. Thuở  nhỏ, có người đã khen Quốc Tuấn là bậc kỳ tài. Lớn lên, Trần Quốc Tuấn càng tỏ ra thông minh, xuất chúng, thông kim bác cổ, văn võ song toàn. Trần Liễu thấy con như vậy mừng lắm, những mong Quốc Tuấn có thể rửa nhục cho mình. Song, cuộc đời của Trần Quốc Tuấn đã trải qua một lần gia biến, ba lần quốc nạn, nhưng ông đã chứng tỏ là một bậc hiền tài. Mối thù của cha, ông không bao giờ đặt lên trên quyền lợi của dân nước, xã tắc. Ông đã biết dẹp thù riêng, vun trồng cho mối đoàn kết giữa tông tộc họ Trần, khiến cho nó trở thành cội rễ của những chiến công vang dội và oanh liệt chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta dưới triều đại nhà Trần để giữ yên toàn vẹn bờ cõi, non sông, đất nước.

Bấy giờ quân Nguyên sang xâm chiếm Việt Nam. Trần Quốc Tuấn đã giao hảo hòa hiếu với Trần Quang Khải. Hai người là hai đầu mối quan trọng của hai chi trong họ Trần, một người là con Trần Liễu, một người là con Trần Cảnh. Sự hòa hợp giữa hai người chính là sự thống nhất ý chí của toàn bộ vương triều Trần, đảm bảo đánh thắng quân Nguyên hung hãn.

Sự hòa hợp giữa hai vị đại tướng của triều Trần còn được biểu hiện ở hành động Trần Quốc Tuấn đã chủ động mời Trần Quang Khải sang thuyền mình trò chuyện, chơi cờ và sai người nấu nước thơm tự mình tắm cho Quang Khải như anh em ruột thịt... Hành động đó có ý nghĩa sâu sắc để giáo dục, củng cố tinh thần đoàn kết của vua quan triều Trần, của quân dân Đại Việt, trên dưới một lòng, đồng tâm, hiệp sức nhất tề đánh tan quân giặc xâm lược.

Một lần khác, Trần Quốc Tuấn đem việc xích mích trong dòng họ dò ý các con. Trần Quốc Tảng có ý khích ông cướp ngôi vua. Ông nổi giận định rút gươm toan chém Quốc Tảng. Do các con và những người tâm phúc xúm vào van xin, ông bớt giận dừng gươm, nhưng bảo rằng: Từ nay cho đến khi ta nhắm mắt, ta sẽ không nhìn mặt thằng nghịch tử, phản thầy này nữa! Trong chiến tranh, ông luôn hộ giá bên vua, tay chỉ cầm cây gậy một đầu bịt sắt. Thế mà vẫn có lời dị nghị, sợ ông sát hại vua. Ông bèn bỏ luôn phần đầu gậy bịt sắt đó đi, chỉ chống gậy không mỗi khi ở gần bên vua. Sự nghi ngờ về tấm lòng của ông dần cũng chấm dứt. Ông là người thông hiểu lẽ đời, chú ý cả tới những việc nhỏ thường ngày để tránh sự hiềm nghi, yên lòng quan, yên lòng dân, đoàn kết tất cả mọi người vì nghĩa lớn dân tộc. Cả cuộc đời của ông đã thể hiện một tấm lòng trung trinh son sắt vì vua, vì nước.

Vào thế kỷ XIII, trong 30 năm (1258 - 1288) quân dân nhà Trần đã ba lần đại thắng quân Nguyên Mông, viết nên trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Cho đến ngày nay, vẫn còn nguyên câu hỏi đặt ra cho lịch sử dân tộc ta. Đó là, vì sao và bằng cách nào, nước Đại Việt nhỏ bé, quân ít, dân không đông, tiềm lực có hạn lại đánh thắng một đội quân xâm lược khổng lồ, hùng mạnh, tàn bạo nhất trong lịch sử, có trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh đầy đủ và đã từng chinh phục các nước rộng lớn chạy dài suốt từ châu Á sang châu Âu?

Để lý giải triệt để điều này, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã và vẫn đang tiếp tục phân tích để ngày càng rõ hơn. Một trong những lý giải cho điều đó là nước Đại Việt đã biết vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự Dĩ đoản (binh), chế trường (trận) mà Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã tổng kết. Bài Hịch tướng sỹ của ông đã phần nào lý giải được vì sao nhà cầm quân tài ba Trần Quốc Tuấn có thể huy động được sức mạnh của tướng sỹ nhà Trần với khí thế Sát Thát, hào khí Đông A và tinh thần Đại Việt mạnh mẽ đến như vậy.

Các nhà nghiên cứu lịch sử đã có những công trình khoa học ở các cấp độ khác nhau tìm cách lý giải vấn đề này. Song, chúng ta đều thống nhất đánh giá rằng, tài nghệ quân sự tuyệt vời của Trần Quốc Tuấn đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng oai hùng của quân dân Đại Việt ở thế kỷ XIII. Chính vì tài nghệ và những công lao to lớn đó mà Trần Quốc Tuấn được các học giả quân sự nổi tiếng thế giới xếp vào danh sách những nhà quân sự tài ba của thế giới cùng với Nguyễn Huệ - Quang Trung và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời hiện đại.

Trần Quốc Tuấn chính là người đã biết kết hợp hài hoà và nhuần nhuyễn các yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa (tam tài). Trước một đội quân nhà nghề là đế quốc Nguyên Mông, để chiến thắng quân xâm lược, chúng ta phải có mưu lược và nghệ thuật quân sự tài giỏi. Trước hết, phải biết thu phục nhân tâm bằng chính sách khoan thư sức dân, làm nền tảng để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, khi có chiến tranh sẽ huy động được toàn bộ sức người, sức của, sức mạnh của khối đại đoàn kết đó để chiến thắng kẻ thù.

Với chính sách lòng dân không chia, cả nước góp sức chống giặc của Trần Quốc Tuấn đã tạo nền móng xây dựng quân đội thường trực và các đội dân binh, nhiều tầng, nhiều lớp để sẵn sàng ứng phó có hiệu quả, chống lại kẻ thù hùng mạnh. Cả nước nhất tề đứng dậy theo hiệu triệu của triều đình: “Tất cả các quận huyện trong nước nếu có giặc ngoài đến phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng”.

Trần Quốc Tuấn chủ trương xây dựng quân đội: “Cần tinh chứ không cần nhiều, dù như Bồ Kiên có trăm vạn quân mà có làm được gì đâu”. Khi đề xuất chiến lược Lấy đoản chế trường cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, ông đã để ý nghiên cứu rất kỹ các trận đánh trong lịch sử Trung Quốc mà đội quân nhỏ thắng đội quân lớn để có thể áp dụng vào điều kiện cụ thể ở nước ta. Ví như trận Phì Thủy, một trăm vạn quân của Bồ Kiên đã bị quân đội nước Tấn nhỏ hơn đánh cho tan tác.

Trong quan niệm của Trần Quốc Tuấn, chất lượng quân đội được đặt lên hàng đầu và được coi là nhân tố đầu tiên quyết định cục diện chiến tranh. Chất lượng đội quân đó chỉ có thể phát huy cao độ sức mạnh khi có sự đồng lòng nhất trí của toàn quân. Hưng Đạo Đại vương từng nói với vua Trần Anh Tông: “Có thu phục được quân lính một lòng như cha con thì mới dùng được”. Dưới trướng của Trần Quốc Tuấn có đội quân do Phạm Ngũ Lão chỉ huy “đều một lòng thân yêu như cha với con. Đánh đâu tất thắng đó”.

Trần Quốc Tuấn đặc biệt quan tâm tới sức mạnh tinh thần của quân dân, tướng sỹ. Tinh thần đó là một trong những yếu tố cơ bản bảo đảm thắng lợi của cuộc chiến. Nên trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba, ông đã dự đoán được sự thất bại không thể tránh khỏi của kẻ thù. Trần Quốc Tuấn đã nói với vua Trần Anh Tông rằng: “Quân Nguyên, nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc đánh dẹp, mà quân họ thì ngại về đi xa; vả lại họ đã cạch về sự thất bại của Hằng Quán, không có lòng chiến đấu nữa. Cứ ý thần xem thì ta đánh tất được”.

Nhất quán với tư tưởng chính trị lòng dân không chia, cả nước góp sức, Trần Quốc Tuấn đã tạo ra một thế trận khiến cho giặc Nguyên Mông bị đánh khắp nơi, cả phía trước lẫn phía sau. Đó chính là sự phối hợp tác chiến giữa những trận tập kích mạnh mẽ của đội quân chủ lực nhà Trần với những trận đánh du kích lẻ tẻ của các đội dân binh của Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền ở miền xuôi và của Hà Đặc, Hà Chương, Nguyễn Địa Lô, Nguyễn Lĩnh… ở miền núi. Thế trận trùng trùng điệp điệp đó đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, mất phương hướng, giảm sút tinh thần chiến đấu, ngày ăn không ngon, đêm ngủ không yên, và thất bại đến với chúng là điều đương nhiên.

Năm 1300, Trần Quốc Tuấn ốm nặng, vua Trần tới thăm và hỏi ông về kế sách giữ nước. Trần Quốc Tuấn đã đúc kết kinh nghiệm trong suốt cuộc đời đánh giặc giữ nước của mình một cách súc tích: “Ngày xưa Triệu Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê dùng được người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy”.

Tư tưởng trên đây là kết quả của sự chiêm nghiệm về lịch sử thăng trầm hàng ngàn năm của dân tộc ta, mà trực tiếp là ba lần kháng chiến chống tên đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, được Trần Quốc Tuấn tổng kết lại một cách khá đầy đủ. Đây cũng được coi là bài học lịch sử không chỉ có ý nghĩa hiện tại, mà còn để lại cho hậu thế suy ngẫm, kế thừa và phát huy lên tầm cao mới.

Nước ta đất không rộng, người không đông, tiềm lực hạn chế, lại luôn phải đối phó với sự xâm lăng của các quốc gia lớn mạnh hơn mình gấp bội. Muốn đứng vững, tồn tại và phát triển với tư cách là một nước độc lập, tự chủ, không bị đồng hóa, không bị thôn tính và biến thành nước chư hầu của phong kiến phương Bắc, cộng đồng người Đại Việt phải đoàn kết chặt chẽ, lựa chọn kế sách, tìm ra nghệ thuật giành thắng lợi trước kẻ thù. Ông viết: “Nếu giặc đến chậm như cách tằm ăn, không cần của dân, không cần được chóng, thì phải chọn dùng người giỏi, xem xét quyền biến như đánh cờ vậy, tùy thời mà làm, có thu được quân lính một lòng như cha con thì mới dùng được, và khoan thư sức dân để kế sâu gốc bền rễ. Đó là thượng sách để giữ nước”.

Thực tiễn ba lần đại thắng quân Nguyên Mông là một điển hình cho sự vận dụng sáng tạo, hiệu quả tư tưởng dĩ đoản chế trường của Trần Quốc Tuấn. Khí thế Sát Thát của quân dân Đại Việt thời Trần đã được phát huy cao độ. Sỹ khí đó đã có sức lay động cả khối cộng đồng dân tộc ít người ở miền núi phía Bắc tham gia đánh giặc và quan trọng hơn đã khơi dậy cả sự đồng tâm hiệp lực của Hội đồng bô lão tại Hội nghị Diên Hồng lịch sử, lôi cuốn đến cả cậu bé Trần Quốc Toản thù giặc đến bóp nát quả cam vua ban lúc nào không biết... Điều đó một lần nữa khẳng định chân lý về lòng yêu nước của nhân dân ta trong truyền thống dân tộc.

Công lao của Trần Quốc Tuấn không chỉ là người góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống xâm lược thời Trần đi đến thắng lợi, mà những tư tưởng quân sự - chính trị của ông vẫn còn sống mãi với thời gian và vẫn phát huy tác dụng cho hậu thế trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Trung Kiên

TẠP CHÍ IN