Chủ Nhật, 19/5/2024

Bình đẳng giới - sự đầu tư thông minh của Thụy Điển

Vương quốc Thụy Điển nằm ở khu vực Bắc Âu, có diện tích lớn thứ 3 trong Liên minh châu Âu và không sử dụng đồng tiền chung EURO. Đây là quê hương của giải thưởng Nobel hàng năm, vinh danh các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới. Với dân số 9,6 triệu người, đất nước này có hệ thống y tế và giáo dục rất phát triển, cùng môi trường sinh thái lý tưởng, được xếp trong danh sách 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Đặc biệt, Thụy Điển được coi là “Thiên đường của phụ nữ” bởi quốc gia này được xếp hạng cao bậc nhất về bình đẳng giới theo đánh giá của các bảng xếp hạng quốc tế.

Sự đánh giá, xếp hạng bình đẳng giới của các quốc gia trên thế giới thường rất toàn diện, chính xác, bởi được dựa trên 4 khía cạnh: Sức khoẻ và cơ hội sống (bao gồm chăm sóc y tế, tuổi thọ trung bình, tỷ lệ sinh và tử vong giữa nam và nữ); Giáo dục và đào tạo (bao gồm tỷ lệ mù chữ, giáo dục phổ thông, dạy nghề và hướng nghiệp); Tham gia hoạt động chính trị (tham gia quốc hội, chính phủ…); Cơ hội về kinh tế (bao gồm mức lương, địa vị trong quản lý và thị trường lao động).

Thụy Điển có nữ bộ trưởng đầu tiên từ năm 1947; năm 1965, bạo hành về tình dục trong hôn nhân bị khép tội hình sự. Từ những năm 1970 đến nay, Thụy Điển nhiều chính sách trực tiếp và lồng ghép thúc đẩy bình đẳng giới. Năm 1971, thuế thu nhập cá nhân được thay thế cho thuế thu nhập gộp của hai vợ chồng. Điều đó làm thay đổi trong mô hình phân công lao động giữa nam giới và nữ giới, góp phần khuyến khích người phụ nữ tham gia lao động và các hoạt động xã hội.

Đặc biệt, với chính sách “Ngày nghỉ của cha mẹ” (Parental Leave) với 480 ngày nghỉ phép được trả lương, tương đương với 16 tháng sinh con dành cho cả bố và mẹ, Thụy Điển là quốc gia tiên phong khuyến khích bình đẳng giới ngay tại gia đình. Theo đó, từ năm 1974, các ông bố cũng được “nghỉ đẻ” để chăm sóc vợ và đứa con mới sinh. Chính sách này đã giúp người dân Thụy Điển định nghĩa lại từ “nam tính” nghĩa là người bố cũng phải có nghĩa vụ chăm sóc con cái và gia đình. Từ đó, hình ảnh “nam tính” nhất của nam giới Thụy Điển chính là lúc họ vào bếp nấu nướng, đẩy xe nôi trong công viên hay trên đường phố, cho con ăn, thay tã, cùng học, cùng chơi với con cái hoặc hỗ trợ người bạn đời của mình trong các công việc gia đình... Nếu người vợ sinh con mà người chồng không “nghỉ đẻ”, sẽ không nhận được thiện cảm của xã hội và phải đối mặt với câu hỏi: “Tại sao anh lại không nghỉ, không dành thời gian gần gũi và nuôi dưỡng đứa trẻ?”. Khi “Ngày nghỉ của cha mẹ” ngày càng trở nên phổ biến, thành nếp sống xã hội, người đàn ông nào chỉ biết lo cho sự nghiệp cá nhân mà không chia sẻ việc gia đình, sẽ không có uy tín, độ tin cậy cao vì “không có tinh thần đồng đội”. Nhiều công ty, đơn vị cũng có thể cân nhắc trường hợp được đề bạt thăng chức nếu người đó chưa từng dành thời gian nghỉ sau khi vợ sinh.

Một dấu mốc quan trọng nữa trong tiến trình bình đẳng giới ở Thụy Điển là năm 1979, Quốc hội ban hành bộ luật bình đẳng về cơ hội cho nam và nữ ở thị trường lao động, “cấm phân biệt đối xử về giới tính ở thị trường lao động và yêu cầu mọi nhà tuyển dụng, ở khối nhà nước và tư nhân, đều phải tích cực quảng bá các cơ hội bình đẳng về việc làm cho nam và nữ”. Từ năm 1980, người con cả của Quốc vương, bất kể giới tính, sẽ là người kế vị đầu tiên.

Nhằm bảo vệ tốt hơn quyền phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới, năm 2008, Quốc hội Thụy Điển đã thông qua đạo luật về phân biệt đối xử. Đạo luật này thay thế cho các đạo luật trước đó bao gồm đạo luật về các cơ hội bình đẳng và 6 luật có liên quan khác về chống phân biệt đối xử. Đạo luật này nhằm đấu tranh chống lại sự phân biệt, đồng thời thúc đẩy các quyền và cơ hội bình đẳng của mọi cá nhân; xác định những hình thức bị coi là phân biệt đối xử, bao gồm sự phân biệt đối xử một cách trực tiếp hay gián tiếp và hành vi quấy rối tình dục cũng được xem là sự xâm phạm nghiêm trọng đối với phẩm giá con người; xác lập các nguyên tắc và chuẩn mực nghiêm cấm sự phân biệt đối xử dưới tất cả các hình thức, bao gồm dựa trên giới tính, bảo vệ việc thụ hưởng và tiếp cận đối với cơ hội và các quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực giáo dục, hệ thống dịch vụ và phúc lợi xã hội, việc làm, hưởng lương… Luật này còn quy định xác lập cơ chế giám sát việc thực thi, nhấn mạnh đến nghĩa vụ của Thanh tra Quốc hội về bình đẳng (Equality Ombudsman). Luật pháp Thụy Điển cũng nghiêm cấm hành vi mại dâm và coi đó là một sự bạo hành của nam giới đối với nữ giới. Phụ nữ và trẻ em thường là nạn nhân trực tiếp của nạn mại dâm và buôn bán người do đó sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong một xã hội phụ nữ được tôn trọng, bảo vệ, tạo mọi điều kiện để phát triển toàn diện, phụ nữ Thụy Điển hoàn toàn tự tin theo đuổi và phát triển sự nghiệp. Hiện ở cấp lãnh đạo cao nhất, 12 trong số 24 bộ trưởng trong Chính phủ Thụy Điển là nữ, gần một nửa thành viên của Quốc hội cũng là phụ nữ. Trong lĩnh vực quản trị công, cũng có những quy định khắt khe về thành phần phụ nữ trong hội đồng quản trị và giám đốc công ty.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ông Pereric Hogberg chia sẻ: “Chúng ta có thể có các gia đình truyền thống hoặc phi truyền thống, nhưng tất cả mỗi người đều có thể có những hành động tích cực để đóng góp cho một xã hội, trong đó những bà mẹ, những ông bố, và quan trọng nhất là tất cả trẻ em, đều được hưởng lợi. Đầu tư vào bình đẳng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ và các bé gái là một khoản đầu tư thông minh trong toàn xã hội. Các nghiên cứu cho thấy những quốc gia có tỷ lệ lớn phụ nữ tham gia vào thị trường lao động có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao hơn và GDP bình quân đầu người lớn hơn”.

Phương Thủy

TẠP CHÍ IN