Thứ Sáu, 17/5/2024

Xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc thực hiện các chính sách dân tộc đã góp phần thay đổi rõ nét bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là về hạ tầng kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên. Việc thực hiện cơ chế chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang có sự thay đổi căn bản. Từ chỗ chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chủ yếu hỗ trợ trực tiếp cho người dân chuyển sang vừa đầu tư phát triển vừa hỗ trợ tạo sinh kế cho đồng bào. Hệ thống chính sách cũng có thay đổi cơ bản về địa bàn, chuyển sang tập trung, ưu tiên đầu tư và hỗ trợ cho những vùng khó khăn nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế những kết quả đạt được trong công tác dân tộc còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và vị trí của miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mới đây, tại các hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang; nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân đã góp phần chỉ ra một số hạn chế của các chính sách dân tộc đối với tình hình thực tiễn địa phương, cơ sở.

Chính sách nhiều nhưng còn dàn trải

Ông Lê Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Minh, huyện Quang Bình cũng như nhiều cử tri cho rằng hiện các hộ đồng bào nghèo đang được hưởng tới 14 - 15 chính sách, tiêu biểu như: Quyết định số 112/2009/QĐ-Ttg ngày 7/8/2009 Quyết định về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng ở khó khăn, mỗi hộ được hưởng 100.000 đồng; Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trong đó có hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách; cùng các chính sách hỗ trợ khác về nước sinh hoạt, đất sản xuất... Tuy chính sách nhiều nhưng dàn trải, không còn phù hợp với  thực tiễn đời sống, về lâu dài dễ gây tâm lý thụ động, trông chờ, ỷ lại của đồng bào.

Trên cả nước, hiện nay có hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật chính sách dân tộc nhưng còn dàn trải, manh tính chất hỗ trợ, dẫn đến một bộ phận người nghèo trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, xã hội. Một số chính sách được xây dựng chưa gắn với tính chất đặc thù của vùng miền, dân tộc, đối tượng thụ hưởng, nguồn lực bảo đảm; lại do nhiều cơ quan đề xuất và chủ trì… nên khi triển khai thực hiện không khả thi hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Đặng Văn Thàm, Bí thư chi bộ thôn Nặm Nịch, xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên phản ánh từ thôn ra trung tâm xã có đường cho xe máy và xe thô sơ dài 11km nhưng mùa mưa đường sạt lở chia cắt, không đi lại được. Từ khi xã lên vùng 2, kinh phí đầu tư cho đường giao thông không có nên đi lại càng khó khăn, đặc biệt là với các cháu học sinh tiểu học phải ra trung tâm xã học bán trú không thể đi lại hàng ngày được. Ý kiến ông Đặng Văn Thàm cũng như đa số ý kiến người dân tại các hội nghị tiếp xúc cử tri tỉnh Hà Giang thống nhất đề xuất, mong muốn Đảng, Nhà nước, địa phương cân đối nguồn lực, tăng cường về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi; đặc biệt là mạng lưới đường giao thông để làm tiền đề, sức bật cho phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, giao thương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Cần có những chính sách đặc thù, phù hợp

Cô giáo Bùi Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Đức cho biết: Trước đây Thanh Đức là xã vùng 3, chính sách cho con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và giáo viên rất thiết thực, động viên học sinh đến trường. Mới đây, khi xã Thanh Đức phấn đấu đạt tiêu chuẩn xã vùng 2 thì nhiều chính sách bị cắt bỏ. Đơn cử như các khoản hỗ trợ tiền ăn, ở, gạo hàng tháng cho học sinh tiểu học bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ đã không còn. Như vậy đối với xã vùng cao, biên giới, có giao thông chia cắt, các đa số hộ dân đều khó khăn về kinh tế như Thanh Đức, sẽ rất khó để vận động, thuyết phục người dân đưa trẻ đến trường.

Ông Pa Đức Vinh, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Nặm Tà, xã Thanh Đức đề nghị các chính sách đãi ngộ, đầu tư cho vùng biên giới, tăng cường chăm lo cho các hộ dân sinh sống ở khu vực biên giới theo Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ vì còn một số hộ dân lên sinh sống ở khu vực biên giới đã lâu nhưng chưa có điện lưới, đường giao thông khó khăn, đất đai canh tác thiếu. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên cũng kiến nghị phải có chính sách đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới, vì hiện nay các lực lượng tham gia tuần tra, bảo vệ biên giới trong khu vực đồn đều phải đi bộ, đây là địa bàn rừng núi phức tạp nhất của tỉnh, còn nhiều vật cản, bom mìn thời kỳ chiến tranh biên giới chưa được khắc phục... Những ý kiến, nguyện vọng của người dân mong muốn Chính phủ có chính sách đặc thù với từng địa bàn, để hỗ trợ cho những xã vùng 2 còn khó khăn, khu vực miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng không thuộc diện được hưởng các chính sách của Nhà nước đối với các xã, thôn vùng 3. Tránh tình trạng đồng bào từ xã vùng 2 có tâm lý xin trở lại vùng 3 vì cảm thấy thiệt thòi hơn.

Phát triển gắn với tăng cường công tác dân vận

Một thực tế hiện nay là số dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - sản xuất hàng hóa có quy mô lớn trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không nhiều. Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của Nhà nước chủ yếu là hỗ trợ giống cây, giống con, phân bón, vật tư và một số mô hình phát triển sản xuất nhỏ lẻ... chưa thu hút được sự vào cuộc của nhà đầu tư, ngân hàng, doanh nghiệp, nhà khoa học, nguồn lực trong dân ít, kinh phí chủ yếu là ngân sách. Đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, chủ động nghiên cứu, ban hành các chủ trương, nghị quyết, quyết định phù hợp tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó cần phát huy dân chủ, quan tâm làm tốt công tác dân vận, tích cực tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, nhằm phát huy nội lực, sử dụng hiệu quả mọi nguồn vốn đầu tư để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Trong đầu tư phát triển, cần xác định đầu tư cho giáo dục, đào tạo là loại đầu tư chiến lược, có giá trị bền vững, lâu dài cần được ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, chất lượng lao động, thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa dân tộc, củng cố các thiết chế văn hóa ở cơ sở... Làm tốt công tác cán bộ gắn với giáo dục, đào tạo góp phần nâng cao chất lượng làm công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây chính là lực lượng sẽ hàng ngày tiếp xúc, vận động Nhân dân đồng thuận, tham gia thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ đầu tư phát triển kinh tế, củng cố chính trị, xây dựng văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh ở địa phương.

Phan Thanh

TẠP CHÍ IN