Thứ Ba, 10/12/2024
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024
 
 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt và đối thoại với thanh niên

 

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), sáng ngày 26/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt và đối thoại với thanh niên.

Hội nghị có chủ đề "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số Quốc gia". Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên sau khi Luật Thanh niên (năm 2020) được ban hành.

Cùng tham dự cuộc đối thoại có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời các câu hỏi của thanh niên xung quanh các vấn đề như giải pháp bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng trong công cuộc chuyển đổi số; giải pháp kết nối liên thông các dịch vụ công và dữ liệu dân cư quốc gia; đồng bộ giữa cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số; việc làm trước sự phát triển trí tuệ nhân tạo; giải pháp đào tạo và tuyển dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực chuyển đổi số; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh chuyển đổi số…

Cùng với trả lời các câu hỏi của thanh niên, tại cuộc đối thoại, Thủ tướng đã đặt các câu hỏi và các đại biểu thanh niên thảo luận, trả lời về 3 nội dung lớn: Đâu là vấn đề cốt lõi để thanh niên thể hiện vai trò xung kích trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước; đề nghị thanh niên hiến kế, góp phần cùng Chính phủ đẩy mạnh xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số; các thanh niên đã đóng góp gì cho công cuộc xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao tặng Đoàn Thanh niên bộ sách gồm 8 cuốn sách quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản trong thời gian qua; tặng hoa chúc mừng Ban Bí thư Trung ương Đoàn; tặng quà cho 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2023 và 9 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023.

Đóng góp to lớn của lực lượng thanh niên Việt Nam

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết trân trọng chuyển lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới đoàn viên, thanh niên cả nước nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm tới thanh niên, mong muốn thanh niên phát huy vai trò của mình, Đoàn luôn là lực lượng xung kích, cánh tay đắc lực của Đảng.

Theo Thủ tướng, cuộc gặp được tổ chức nhằm "chia sẻ, tâm sự, với niềm tự hào về đất nước, dân tộc Việt Nam, tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, tự hào về thanh niên Việt Nam, chúng ta hiểu nhau hơn, hiểu trách nhiệm của mình hơn, cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho nhân dân, cho đất nước".

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị 


Đánh giá cao chủ đề của cuộc đối thoại "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", Thủ tướng hoan nghênh những chia sẻ, ý kiến, câu hỏi, đề xuất và kiến nghị rất phong phú, đa dạng, sâu sắc, sát thực tiễn, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, với năng lượng, sức trẻ, sự cởi mở, tinh thần tiên phong, dấn thân, dám nghĩ, dám làm của thanh niên Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực, nhất là nhiệm vụ xung kích trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

"Các bạn thanh niên còn có các câu hỏi khác, có thể gửi qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ", Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng nêu rõ, thanh niên là độ tuổi sung sức nhất về thể chất và tinh thần (16-30 tuổi), phát triển trí tuệ, năng động, sáng tạo, luôn mong muốn tự khẳng định mình, là lực lượng có tiềm năng to lớn và sức mạnh lan tỏa. Trong suốt chiều dài lịch sử vẻ vang của dân tộc, các thế hệ thanh niên Việt Nam luôn đóng góp quan trọng cho quá trình dựng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn đặc biệt quan tâm đến thanh niên và việc đào tạo, rèn luyện thế hệ trẻ. Người khẳng định: "Muốn thức tỉnh dân tộc phải thức tỉnh thanh niên, vì thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do thanh niên. Thanh niên là chủ tương lai của đất nước"; "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội."

Thanh niên luôn được Đảng, Nhà nước đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, phát huy nhân tố con người trong suốt chiều dài lịch sử Cách mạng Việt Nam. Ngay sau khi thành lập Đảng (3/2/1930), Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã sáng lập và rèn luyện tổ chức Đoàn (26/3/1931). Kể từ đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã thể hiện xuất sắc vai trò trong việc bảo vệ, xây dựng đất nước.

Điều lệ Đảng khẳng định: "Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh niên...".

Đoàn viên, thanh niên Việt Nam luôn phát huy tinh thần "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", chủ động vượt qua mọi khó khăn, thử thách để học tập, rèn luyện và trưởng thành, kế tục xứng đáng truyền thống và sự nghiệp cha anh, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, thanh niên Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng, vừa là lực lượng đông đảo (khoảng 20% dân số), vừa là lực lượng không thể thiếu, có mặt và đóng góp công sức trên tất cả các địa bàn, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước.

Các phong trào "Tuổi trẻ giữ nước", "Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "Tuổi trẻ sáng tạo", "Thanh niên lập nghiệp"… thời gian qua vừa đáp ứng nhu cầu, vừa thể hiện nguyện vọng chính đáng của Đoàn viên, thanh niên và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

"Chúng ta thực sự xúc động trước nhiều tấm gương sáng của thanh niên Việt Nam. Không chỉ ở thời chiến, ngay trong thời bình, nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã nỗ lực quên mình, hy sinh xương máu khi tuổi đời còn rất trẻ để bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Nhiều đoàn viên, thanh niên đã lập thân, lập nghiệp thành công. Nhiều bạn trẻ mang vinh quang, làm rạng danh Tổ quốc trong học tập, nghiên cứu khoa học, thể thao, văn hóa nghệ thuật… Nhiều thanh niên khuyết tật, yếu thế, mồ côi cả cha lẫn mẹ đã vượt qua nghịch cảnh, phấn đấu, vươn lên, khẳng định phẩm giá, giá trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mình và đóng góp cho quê hương, đất nước. Mong các bạn luôn tự tin vươn lên với năng lượng tích cực", Thủ tướng phát biểu.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực vượt bậc và những kết quả nổi bật đã đạt được của thanh niên Việt Nam, của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đóng góp quan trọng, tích cực, to lớn vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 40 năm đổi mới, hội nhập của đất nước, những kết quả trên tất cả các lĩnh vực.

Việt Nam đã trở thành một hình mẫu

Nhân Chương trình, Thủ tướng nhấn mạnh một số yếu tố nền tảng, định hướng phát triển đất nước và những kết quả quan trọng đạt được trong quá trình đổi mới để Đoàn Thanh niên và thanh niên tiếp tục quán triệt, phát huy hơn nữa vai trò, sứ mệnh và trọng trách của mình trong thời gian tới.

Thủ tướng chỉ rõ 5 bài học kinh nghiệm quý báu của cách mạng Việt Nam: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết (đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế); kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Về các yếu tố nền tảng và định hướng phát triển, các tác phẩm, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đường lối của Đảng ta xác định rõ 3 trụ cột: Nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. 

Nguyên tắc xuyên suốt là: Lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; thực hiện chính sách quốc phòng "4 không".

Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; trong đó: Nguồn lực bên trong (con người, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài (vốn, khoa học công nghệ, quản trị, nhân lực chất lượng cao) là quan trọng, đột phá.

Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xác định văn hoá còn thì dân tộc còn; văn hóa là nền tảng tinh thần; vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tập trung phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ - coi là quốc sách hàng đầu. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; chú trọng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra mục tiêu chiến lược phấn đấu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập Nước) là nước phát triển, có thu nhập cao.

Sau gần 40 năm đổi mới, nhờ có chủ trương, đường lối, mục tiêu, định hướng đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đến nay có quan hệ với 193 quốc gia; có quan hệ với 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 7 nước thành viên G7, 16 thành viên G20. Đã ký kết 16 FTA với hơn 60 nước và đang đàm phán 3 FTA.

Việt Nam đã trở thành một hình mẫu về xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, phát triển đất nước, về khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, bởi đất nước còn rất nhiều khó khăn, thách thức; thế giới về tổng thể là hòa bình, nhưng cục bộ vẫn có chiến tranh, tổng thể là hòa hoãn, nhưng cục bộ vẫn căng thẳng, tổng thể là ổn định, nhưng cục bộ vẫn có xung đột.

 
Thủ tướng tặng quà cho 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2023 

 

Vai trò xung kích để Việt Nam theo kịp, tiến cùng và bứt phá vươn lên

Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là xu thế tất yếu, là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số.

Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu tới năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP. Việt Nam là quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh trong khu vực, nhưng chúng ta xuất phát điểm thấp, do đó mục tiêu là làm sao "đi sau nhưng về trước", theo kịp, tiến cùng và bứt phá vươn lên.

Theo Thủ tướng, có 5 yêu cầu đặt ra về chuyển đổi số đối với nền kinh tế: (i) Xây dựng chiến lược bài bản, tổng thể với lộ trình phù hợp; (ii) Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; (iii) Đổi mới phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội theo hướng hiện đại, số hóa; (iv) Phát huy tính chủ động, sáng tạo, đột phá của mọi chủ thể, nhất là thế hệ trẻ; (v) Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, thanh niên phải là lực lượng xung kích, nòng cốt, giương cao ngọn cờ tiên phong, tình nguyện đi đầu, làm chủ công cuộc chuyển đổi số và phát triển Việt Nam sớm trở thành quốc gia số.

Thủ tướng đề nghị Đoàn Thanh niên cùng toàn thể thanh niên Việt Nam phát huy tinh thần "Năm xung kích" trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia:

(1) Xung kích trong nâng cao nhận thức số

(2) Xung kích xây dựng, hoàn thiện thể chế số

(3) Xung kích phát triển hạ tầng số

(4) Xung kích đào tạo nguồn nhân lực số

(5) Xung kích trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp và văn hóa số

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị thanh niên Việt Nam phải có "Sáu khát vọng":

(1) Khát vọng đóng góp, cống hiến

(2) Khát vọng học tập, rèn luyện

(3) Khát vọng đổi mới, sáng tạo

(4) Khát vọng lập thân, lập nghiệp

(5) Khát vọng hội nhập, phát triển

(6) Khát vọng đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, sức mạnh toàn dân tộc

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tạo mọi điều kiện cho Đoàn và thanh niên phát triển đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sứ mệnh của mình; xử lý kịp thời các kiến nghị; có cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp; hỗ trợ Đoàn và thanh niên khi gặp khó khăn, nhất là những đối tượng yếu thế. Các tổ chức chính trị - xã hội phải phối hợp, hỗ trợ Đoàn thanh niên, tạo sức mạnh tổng hợp.

Thủ tướng đề nghị Đoàn Thanh niên và các cơ quan lựa chọn các công việc trọng tâm, trọng điểm với phong trào thanh niên, nhất là phong trào học tập công nghệ thông tin; phong trào học tập ngoại ngữ; phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường.

Thủ tướng nhắc lại phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2022-2027): "Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không; đất nước ta có hội nhập và sánh vai được với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn và căn dặn hay không; cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường XHCN hay không; một phần lớn là tùy thuộc vào lực lượng thanh niên và phụ thuộc vào việc bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo thế hệ trẻ".

Thủ tướng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước luôn tin tưởng, hy vọng và mong muốn Đoàn và thanh niên khẳng định vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử trong mọi hoạt động, nhất là những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm đã nêu.

"Chúng ta cùng nhau đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc" - Thủ tướng phát biểu.

(baochinhphu.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất