Với mục tiêu nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, lĩnh hội kiến thức mới từ các cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh mạng, an toàn thông tin, chia sẻ kinh nghiệm từ các hãng công nghệ lớn cũng như ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trên các lĩnh vực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Công nghệ thông tin EVN năm 2021 với chủ đề “Chuyển đổi số và an toàn thông tin” trong hai ngày (08-09/4). Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đã tham gia và trình bày tham luận tại hội nghị.
Sức bật trong công tác kinh doanh – dịch vụ khách hàng tại EVN
Công nghệ thông tin (CNTT)đã được ứng dụng trong hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN và đem đến hiệu quả rất rõ rệt đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng.
Kể từ khi cung cấp các dịch vụ cấp điện qua lưới trung/hạ áp và thanh toán tiền điện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (tháng 12/2019) ,số yêu cầu cung cấp dịch vụ điện của EVN chiếm 77% tổng số yêu cầu của các Bộ/ngành/địa phương nhờ sự thuận lợi cho khách hàng và tính minh bạch trong các giao dịch. Trong năm 2020, Tập đoàn tiếp nhận gần 2 triệu yêu cầu dịch vụ công cấp độ 4 (cung cấp 12 dịch vụ điện), trong đó có 50% yêu cầu tiếp nhận qua kênh Internet. tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 20,67 triệu khách hàng, tương ứng 74,88% số hóa đơn phát hành. EVN cũng đã liên kết với các ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian, xây dựng hệ sinh thái tạo tiện ích cho khách hàng khi thanh toán tiền điện qua đa kênh.Đến nay, EVN đã phát triển hệ thống phần mềm quản lý hơn 28 triệu khách khách hàng sử dụng điện (CMIS) với đầy đủ thông tin, đáp ứng số hóa các yêu cầu theo quy trình nghiệp vụ kinh doanh điện và dịch vụ khách hàng (25 dịch vụ điện) .
|
|
Với phương châm “Lấy khách hàng là trung tâm mọi hoạt động”, 5 Trung tâm CSKH đều được trang bị các công cụ CNTT hỗ trợ như CRM, ICCRating, Chatbot, các trang Web, App chăm sóc khách hàng. Tất cả thông tin khách hàng muốn tìm hiểu về :Hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm; Thủ tục cấp điện; Tình hình cung cấp điện và tiến độ giải quyết yêu cầu dịch vụ; Tình hình sử dụng điện; Tra cứu chỉ số, hoá đơn điện tử; tra cứu lịch cắt điện đều được thực hiện dễ dàng qua các kênh kết nối của EVN. Các phương thức giao dịch nhanh chóng, thuận tiện của ngành điện đã được đông đảo người dân và cộng đồng ghi nhận.
Vận hành hiệu quả thành tựu trong công tác chuyển đổi số tại EVNNPC
Hội nghị lần này cũng là cơ hội để các đơn vị trong EVN chia sẻ, trao đổi cách làm hay và những thành quả bước đầu về chuyển đổi số đã đạt được. Đại diện Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc -Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Tổng Giám đốc đã chia sẻ nỗ lực và cố gắng trong việc thực hiện các nội dung, mục tiêu trong kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022 của Tổng công ty.
Trong thời gian qua, dù ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid – 19 trên địa bàn các tỉnh miền Bắc, EVNNPC vẫn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa hoàn thành sản xuất, kinh doanh vừa đảm bảo tốt phòng chống dịch.Tại Tổng Công ty, số hóa quy trình nghiệp vụ trong lĩnh vực tài chính kế toán, quản trị doanh nghiệp và kế hoạch được tập trung ưu tiên bởi đây là hoạt động quan trọng, tác động tới tất cả các khâu trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, trong lĩnh vực Tài chính kế toán, EVNNPC sẽ chuyển đổi số các nhóm quy trình như: Quy trình giải ngân, quy trình cấp phát, quy trình mua sắm, quy trình thanh xử lý, quy trình thanh toán IPP, quy trình quyết toán. Trong lĩnh vực Quản trị doanh nghiệp, sẽ số hoá các quy trình gồm Quy trình nghiệp vụ quản trị nhân sự, Quản trị hành chính, Nghiệp vụ văn thư lưu trữ. Trong lĩnh vực Kế hoạch gồm các nhóm quy trình lớn như: kế hoạch SXKD, ĐTXD lưới điện 110kV, trung hạ áp, CNTT, kế hoạch sửa chữa lớn
Để thực hiện được, EVNNPC đang từng bước thực hiện đúng tiến độ theo kế hoạch. Đơn vị đã cử ra Ban chuyên môn hoàn thành việc xây dựng tài liệu phân tích yêu cầu người sử dụng, hoàn thành việc chạy UAT các quy trình lĩnh vực TCKT…để tích hợp chữ ký số vào phần mềm. Trong công tác kinh doanh, ban chuyên môn cũng đã hoàn thành việc xây dựng tài liệu phân tích yêu cầu người sử dụng; Nhà thầu đã tiến hành lập trình các chức năng của phần mềm, chốt giải pháp và dữ liệu tích hợp…
Có thể nói, Chuyển đổi số sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong vận hành hệ thống điện Quốc gia, vận hành các trung tâm điện lực lớn, vận hành các nhà máy điện lực lớn an toàn, hiệu quả. Đồng thời, nâng cao hiệu quả trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý dự án, quản lý các nguồn lực lớn của EVN.... Vì vậy, cùng với các đơn vị thành viên khác, EVNNPC quyết tâm trong thời gian ngắn nhất số hóa, chuẩn hóa, thống nhất dữ liệu. Bên cạnh đó là không ngừng đào tạo chuyển đổi nhận thức, đào tạo nghiệp vụ vận hành, khai thác trên nền tảng số, đẩymạnh truyền thông để xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp số, đưa ngành lên vị trí dẫn đầu về công nghệ.
PV