Chủ Nhật, 19/5/2024
Công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu số tại Bắc Giang: Khéo vận động, dễ thành công
 
 Lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lục Nam và UBND xã Vô Tranh tuyên truyền,
vận động bà con dân tộc Sán Dìu bảo tồn văn hóa DTTS


Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe dân

“Không ai nghĩ rằng nhiều xã khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống như ở Yên Thế lại huy động được sức dân lớn để làm đường giao thông nông thôn (GTNT) nhanh, nhiều như thế. Nếu như dân vận không khéo, khó thành công”, đồng chí Nông Văn Tâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Thế chia sẻ về công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS của huyện.

Phong trào làm GTNT của huyện khởi nguồn từ Nghị quyết 07 (năm 2017) và Nghị quyết 06 (năm 2018) của HĐND tỉnh Bắc Giang quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, liên thôn, nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, nhà nước hỗ trợ xi măng để cứng hóa đường; các địa phương vận động nhân dân tự giải phóng mặt bằng (GPMB), góp kinh phí, vật liệu, ngày công làm công trình. Khó khăn nhất là làm sao vận động bà con tự GPMB mà không có tiền hỗ trợ trong khi nhiều xã đồng bào DTTS chiếm 70 đến 80%. 

Huyện ủy Yên Thế đã thành lập tổ dân vận do Trưởng Ban Dân vận làm tổ trưởng, thành viên là đại diện một số ban, ngành liên quan. Tổ phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, GPMB, giám sát tiến độ. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, chi ủy, đảng viên các chi bộ đến từng hộ vận động hiến đất, giúp đỡ ngày công; gia đình có đảng viên gương mẫu để bà con làm theo. 

Hộ tích cực tham gia được biểu dương trên loa truyền thanh, gia đình còn lấn cấn được cán bộ đến tận nơi giải thích, vận động đã tạo sự đồng thuận cao. Xã Xuân Lương có 9/14 thôn ĐBKK, năm 2018, xã chỉ đăng ký thực hiện 10km nhưng nay đã làm 33km, hàng chục gia đình hiến hàng nghìn m2 đất ở, canh tác; tháo dỡ tường vành lao; tự chặt cây để làm đường. 

Đồng chí Nông Minh Hiên, Bí thư Chi bộ bản Tam Kha tích cực đi đầu phong trào, tình nguyện hiến gần 500 m2 làm đường, nhà văn hóa. “Đảng viên nêu gương làm trước, sau đó vận động người khác làm theo”, đồng chí Hiên chia sẻ.

Cuối năm vừa qua, huyện Yên Thế đăng ký làm 167km thì nay hoàn thành gấp gần 3 lần, trở thành điểm sáng về phong trào cứng hóa GTNT của tỉnh.

Năm 2014, UBND tỉnh Bắc Giang quy hoạch xây dựng Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, diện tích 14 ha tại xã Tuấn Mậu (Sơn Động). Dự án hoàn thành là điểm nhấn đặc biệt, tạo đòn bẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Khâu khó nhất của dự án là GPMB, 70% bà con của xã là người DTTS, kiến thức về pháp luật còn hạn chế, nhiều hộ không chấp nhận bồi thường, không chịu di dời. 

Vì thế, Đảng ủy, UBND xã quán triệt tới đảng viên, người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ tích cực tuyên truyền để tạo đồng thuận. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đảng viên, các già làng, trưởng bản thuyết phục gia đình, dòng họ, lắng nghe và kịp thời giải đáp những băn khoăn của người dân nên tạo sự thống nhất cao, GPMB khó lại trở thành “chuyện nhỏ”. 

Điển hình như dòng họ Triệu, đích thân Bí thư Đảng ủy xã Triệu Hữu Thắm “vào cuộc” giải quyết trên danh nghĩa người có uy tín trong dòng tộc. Bởi đất, giá trị tài sản đất lâm nghiệp của nhiều hộ từ vài trăm triệu đến tiền tỷ nên việc thuyết phục không đơn giản. Người uy tín của dòng họ này đến từng gia đình các chủ hộ như: Bà Triệu Thị Nguyên, ông Triệu Hữu Ngân... gặp gỡ các thành viên, phân tích, giảng giải cặn kẽ lợi ích to lớn của dự án, chính sách đền bù của Nhà nước. 

Nhờ đó, các gia đình trong họ Triệu sẵn sàng GPMB, tự nguyện tháo dỡ công trình nhường đất cho dự án. “Thấy hộ này, hộ kia đồng ý, hàng chục gia đình khác trong dòng họ Triệu cũng nghe theo”, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Hữu Thắm phấn khởi cho biết.

Chuyện hiến đất cứng hóa GTNT ở huyện Yên Thế và GPMB ở Sơn Động là minh chứng rõ nét về dân vận khéo ở vùng DTTS của tỉnh. Quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, trọng tâm là Chỉ thị số 49 ngày 20-10-2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của đảng ở vùng đồng bào DTTS”; Nghị quyết số 110 ngày 11-7-2016 của Tỉnh ủy Bắc Giang về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay"..., cấp ủy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể. 

Đến nay, toàn tỉnh có gần 6.400 mô hình “Dân vận khéo” ở các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó, các huyện có gần 2.500 mô hình, riêng vùng đồng bào DTTS hơn 550 mô hình.

Lan tỏa điển hình tiên tiến

“Dân vận khéo” ở vùng đồng bào DTTS thời gian qua đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Không chỉ tập trung giải quyết việc khó, việc mới nảy sinh từ cơ sở, các cấp ủy, chính quyền xuất phát từ lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của bà con đã phát huy vai trò công tác dân vận từ cơ sở, nhân rộng những mô hình mới, điển hình tiên tiến. 

Bắc Giang hiện có gần 260 nghìn người DTTS, chiếm hơn 14% dân số, chủ yếu là dân tộc Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Cao Lan, Sán Chí, Dao. Đồng bào DTTS cư trú ở 90 xã, tập trung chủ yếu ở các huyện: Sơn Động (43.212 người), Lục Ngạn (116.560 người), Lục Nam (34.286 người), Yên Thế (34.364 người). 5 năm qua, không còn hộ DTTS đói, tỷ lệ nghèo giảm còn 20,7%, riêng các xã ĐBKK giảm từ 51,6% còn 32,16%.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, những mô hình dân vận khéo có sức lan tỏa trong nhân dân, góp phần xoá bỏ các hủ tục, tạo thói quen tốt, nếp sống văn minh, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, cổ vũ nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đơn cử ở thôn Ngọt, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) - nơi có gần 100% đồng bào Sán Dìu sinh sống. Năm 2018, trước khi được huyện chọn xây dựng NTM kiểu mẫu, thôn nhiều đường đất, nhà văn hóa xuống cấp. 7 tiêu chí NTM kiểu mẫu yêu cầu cao, một số hạng mục kinh phí lớn. 

“Tổ dân vận phân công từng thành viên phụ trách nhóm hộ, những hộ góp nhiều ngày công, tiền được biểu dương trên loa”, đồng chí Dương Văn Trình, Bí thư Chi bộ thôn nói. Tháng 8 vừa qua, thôn đã hoàn thành 7/7 tiêu chí, năm nay đón hàng chục đoàn khách đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm xây dựng NTM kiểu mẫu. Được biết những năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp tổ chức tuyên dương các điển hình dân vận khéo trong vùng DTTS để ngày càng lan tỏa, nhân rộng.

Đáng quan tâm là cấp ủy các cấp còn phát huy tốt vai trò người có uy tín trong cộng đồng, coi đây là chỗ dựa, cầu nối quan trọng của Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội với người dân. Hiện nay, tỉnh có 535 người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, phần lớn đều tham gia các tổ chức đảng, đoàn thể ở cơ sở. Phát huy vai trò của mình trong công tác dân vận, họ đều là những điển hình tiêu biểu “Dân vận khéo”. 

Tiêu biểu như ông Mạc Văn Đậu, thôn Quán Cà, xã Biên Sơn (Lục Ngạn) tích cực tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Nùng. Ông đã phối hợp thành lập Câu lạc bộ (CLB) Dân ca dân tộc Nùng xã Biên Sơn, vận động 60 thành viên tham gia. Hiện nay ông phụ trách 11 CLB Dân ca dân tộc Nùng huyện Lục Ngạn. 

Ông Bàn Văn Cường, dân tộc Dao, thôn Thanh Chung, xã Tuấn Mậu (Sơn Động) gần 10 năm qua mở nhiều lớp truyền dạy chữ Dao cổ cho hàng trăm người trong vùng. Khi vai trò người uy tín được đề cao, đây sẽ là cầu nối, tấm gương sáng thường xuyên nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của bà con, qua đó tuyên truyền, vận động và kịp thời đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương cách giải quyết những vấn đề của thực tiễn, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng DTTS.

(baobacgiang.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất