Thứ Sáu, 6/12/2024
Phát huy vai trò của người có uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội ở Sơn La

 Ông Lò Văn Pháng (đứng giữa áo xanh), xã Ngọc Chiến, huyện Mường La - người có uy tín
trong đồng bào DTTS tỉnh Sơn La,
 vận động người dân làm đường giao thông nông thôn

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của người dân, kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Sơn La đã được cải thiện rõ rệt. Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào các DTTS tiếp tục được tăng cường; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS không ngừng được cải thiện. Toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 là 22,74%.

Tuy nhiên, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn còn một số khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người của đồng bào DTTS còn thấp (19,6 triệu đồng/người/năm, bằng 75% thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn cao (chiếm 23,57%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh còn cao (một số xã, bản tỷ lệ hộ nghèo còn trên 70%), còn 125 xã khu vực III, 02 huyện Sốp Cộp, Thuận Châu thuộc diện huyện nghèo theo Quyết định số 353 của Thủ tướng Chính phủ. Kết cấu hạ tầng còn thiếu; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, sản xuất còn manh mún, khả năng tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của đồng bào các DTTS còn hạn chế; mức thụ hưởng văn hóa của đồng bào có nơi còn thấp, chất lượng giáo dục, y tế còn có mặt hạn chế; một số tập quán, phong tục lạc hậu, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn diễn ra; di dịch cư tự do, tranh chấp đất đai và các hành vi buôn bán vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma túy... nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh còn xảy ra.

Tỉnh Sơn La hiện có 2.251 người có uy tín trong đồng bào DTTS sinh sống tại 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương và các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã quan tâm thực hiện chính sách và các giải pháp để tập trung, củng cố và tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Đây là một lực lượng quan trọng và nòng cốt trong việc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để phát huy vai trò của người có uy tín, hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc chủ trì phối hợp các ngành hướng dẫn cấp cơ sở bình chọn người có uy tín trong đồng bào DTTS; quan tâm thăm hỏi, tặng quà Tết, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn cho người có uy tín.

Nhận thức được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đến đời sống của đồng bào các DTTS, đội ngũ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn tỉnh ngày càng thể hiện rõ vai trò, vị trí và uy tín của mình trong việc vận động nhân dân lao động sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Sơn La có ảnh hưởng lớn trong công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác chống mọi âm mưu gây mất đoàn kết và chia rẽ dân tộc; chống truyền đạo trái pháp luật...

Nhiều người có uy tín đã gương mẫu đi đầu, tham gia và vận động nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, góp phần xây dựng nông thôn mới, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ, làm theo. Họ tham gia nhường đất, hiến đất để phục vụ tái định cư các công trình thủy điện, tích cực vận động bà con góp đất trồng cây cao su. Trong xây dựng nông thôn mới, nhường đất để giải phóng mặt bằng mở rộng các tuyến đường và xây dựng các công trình phúc lợi; tuyên truyền, động viên gia đình và cộng đồng đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Toàn tỉnh đã xuất hiện những hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ; hằng năm có thu nhập cao và giúp đỡ vốn, kỹ thuật, vận động các hộ khác trong cộng đồng trong việc phát triển sản xuất. Điển hình như hộ gia đình ông Mùa Nỏ Nênh (bản Huổi Luông, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp); ông Lường Văn Thương (bản Huổi Pe, xã Sốp Cộp), ông Vàng A Chứ (bản Tà Phình, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu), ông Quàng Văn Hó (bản Tre, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã). Trong phát triển du lịch cộng đồng, xuất hiện một số mô hình mới phát triển kinh tế tại các bản làng nông thôn, tiêu biểu như ông Lù Tiến Quân (bản Bó, phường Chiêng An, thành phố Sơn La), ông Hà Ngọc Quý (bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu), ông Lò Văn Hinh (bản Lọng Cạo, xã Chiềng La, huyện Thuận Châu), ông Hà Văn Châm (bản Thàn, xã Chiềng Păn, huyện Yên Châu), bà Hà Thị Ước (bản Cang, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu), ông Vì Văn Khăm dân tộc Xinh Mun (bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu)...

Ngoài ra, người có uy tín tuyên truyền giáo dục cho đoàn viên, thanh thiếu niên về công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tham gia tích cực giải quyết các vụ việc xảy ra tại cơ sở, không để diễn biến phức tạp về an ninh trật tự. Vận động nhân dân cam kết không trồng, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy; tham gia thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư", góp phần tích cực trong việc phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn bản làng sạch đẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm thiểu các hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ 4.0 như hiện nay, khi những nguy cơ diễn biến, kích động từ các thế lực thù địch trong và ngoài nước ngày càng trở nên tinh vi hơn thì việc đánh giá đúng vai trò, vị trí của già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS càng trở nên quan trọng và cấp bách. Để tiếp tục thực hiện tốt việc bồi dưỡng, xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS, theo chúng tôi, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là một chương trình tổng thể, toàn diện, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi nên chú trọng việc phát huy sức mạnh và sự tham gia của người dân trong triển khai các chương trình, dự án, đặc biệt là sự tham gia của đội ngũ người có uy tín rất quan trọng trong quá trình giám sát triển khai các dự án ở cơ sở.

Hai là, các cấp, các ngành nói chung, lực lượng Công an, Quân đội nói riêng cần tiếp tục tổ chức quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác vận động quần chúng; nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng. Họ chính là cái gốc, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong cuộc sống và tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Ba là, quan tâm thực hiện các chế độ chính sách, khen thưởng những người có uy tín có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực nhằm kịp thời động viên người có uy tín đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng quê hương giàu đẹp. Thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho người có uy tín, tháo gỡ những vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng. Tạo mọi điều kiện để những người có uy tín được nghiên cứu, giao lưu nâng cao nhận thức và đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hằng năm thực hiện tốt, có hiệu quả việc chi hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần cho đội ngũ người có uy tín trên địa bàn toàn tỉnh theo đúng chế độ, chính sách quy định; làm tốt công tác nắm tình hình việc tổ chức thực hiện chính sách đối với đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, vận động đồng bào DTTS nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo và tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nhân rộng mô hình phát triển sản xuất tiêu biểu, ổn định đời sống, quyết tâm xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.

Năm là, làm tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện công tác dân tộc và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an ninh - quốc phòng... Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra những “điểm nóng” về an ninh, trật tự xã hội ở vùng DTTS./.

Đinh Trung Dũng

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La

 

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác