Thứ Ba, 10/9/2024
“Điểm tựa” của đồng bào dân tộc thiểu số

 Ông Nguyễn Minh Sang (người đi đầu tiên) cùng nhân dân và cán bộ Đồn Biên phòng
cửa khẩu A Đớt phát quang đường biên giới

Ở xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều năm liền ông Nguyễn Minh Sang được bà con tín nhiệm, bởi ông luôn gương mẫu thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chia sẻ, giúp đỡ bà con trong cuộc sống. Với tình yêu đặc biệt dành cho biên cương Tổ quốc, ông Sang thường tự nguyện tham gia cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế tuần tra bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Qua tham mưu và đề xuất của ông Nguyễn Minh Sang, xã A Đớt đã thành lập 3 tổ tự quản đường biên, cột mốc với 138 gia đình và cá nhân tham gia. Riêng thôn A Tin của ông Sang có 58 gia đình tự nguyện đăng ký tham gia; 100% hộ trong thôn đăng ký thực hiện “thôn không có tội phạm, gia đình không có tội phạm ma túy”... Không chỉ tham gia giữ gìn đường biên, cột mốc, ông Sang còn vận động bà con xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước giảm tỉ lệ đói nghèo hàng năm.

Dù đã 71 tuổi, nhưng ông Lầu Xáy Phia, dân tộc Mông, xã Nậm Càn, Kỳ Sơn, Nghệ An vẫn giữ được trí óc minh mẫn. Trăn trở với việc xóa đói, giảm nghèo, từ khi còn là Bí thư Đảng ủy xã, ông Phia một mặt vận động bà con không tái trồng cây thuốc phiện, tránh xa các chất ma túy; mặt khác, ông tích cực lao động sản xuất, chăn nuôi làm giàu để làm gương cho bà con noi theo. “Tôi nghĩ rằng, để thoát khỏi đói nghèo, có cuộc sống ấm no, người dân phải định cư và có kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Do đó, tôi thường vận động bà con chăm chỉ lao động sản xuất, cho con cái đi học, không nghe kẻ xấu xúi giục vi phạm pháp luật, không di cư tự do” - Ông Phia chia sẻ.

 Những lời nói và việc làm của ông Phia dần dần đã thấm vào người dân để rồi người Mông ở Nậm Càn dần thay đổi tư duy. “Bà con đã làm những việc trước chưa từng làm bao giờ, như trồng cây lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng thêm các loại cây có giá trị kinh tế cao” - Ông Phia kể. Hiện, người dân quê ông không còn ồ ạt di cư tự do như 10 năm về trước. “Bà con đã khai hoang được 20ha ruộng nước, khoanh nuôi 2.000ha rừng phòng hộ, mỗi hộ nuôi từ 3-5 con dê, 4-5 con lợn, 2-3 con trâu, bò. Toàn xã hiện có 92% hộ dân được dùng nước sinh hoạt; 85% dân có Bảo hiểm y tế, 100% hộ dân có điện lưới quốc gia, 25% hộ dân có tủ lạnh, 57% hộ dân có ti vi” - Ông Phia phấn khởi cho biết.

Không chỉ hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, ông Phia còn tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự xóm, bản. Bằng sự kiên trì thuyết phục, ông đã phối hợp với BĐBP và cán bộ Công an địa phương vận động người dân giao nộp cho cơ quan chức năng gần 50 khẩu súng tự chế.

Ở biên giới tỉnh Quảng Nam, già làng Pơ Long Giớơch, 70 tuổi, đã dành cả cuộc đời mình phục vụ cách mạng, xây dựng quê hương. Già Pơ Long Giớơch là người dân tộc Cơ Tu, sống ở xã Tr’Hy, huyện Tây Giang. Ông là Lão thành cách mạng, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Ở cương vị nào, ông cũng làm việc tận tâm, tận lực. Ông vận động bà con không phá rừng đầu nguồn, rừng già làm nương rẫy, không săn bắn động vật hoang dã. Tìm sinh kế bền vững cho bà con, ông cùng với cán bộ xã vận động người dân trồng cây đẳng sâm - loại cây phù hợp với thổ những khí hậu ở đây và có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cây lúa, cây mì mà người Cơ Tu canh tác hàng trăm năm nay. Nhờ loại cây này, đời sống của người dân xã Tr’Hy đã được cải thiện hơn trước rất nhiều.

Đau đáu với văn hóa của dân tộc đang bị mai một, ông Pơ Long Giớơch đã tham gia bảo tồn điệu hát Lý, điệu thổi tút, điệu múa Tung tung dá dá và nhiều nét văn hóa đặc trưng khác của người Cơ Tư. Cùng với đó, ông vận động nhân dân hưởng ứng xây dựng 2 nhà gươl để phục vụ hội họp và sinh hoạt cộng đồng. Với uy tín của mình, ông đã vận động bà con xây dựng thôn, bản văn hóa, gia đình văn hóa, bài trừ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội...

Không chỉ vậy, ông Pơ Long Giớơch còn làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Ông có 28 lần tham gia dẫn đường, bảo vệ cho Đội cắm mốc liên hợp hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông (Lào) khảo sát, xác định vị trí cắm mốc. Bản thân ông cũng tham gia tuyên truyền 13 buổi cho hơn 1.300 lượt người về Nghị định 47/CP về quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn. Qua đó, ông đã vận động giao nộp 40 khẩu súng các loại cho Công an huyện Tây Giang.

Nguồn: bienphong.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất