Thứ Hai, 16/9/2024
Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức ngày 7/11

 Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ 2017-2022

Theo thông tư hướng dẫn việc tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội PGVN (1981-2021) được ban hành vào ngày 12/3,  Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Giáo hội PGVN tỉnh, thành phố sẽ tổ chức chuỗi các sự kiện văn hóa, lễ hội, triển lãm, văn hóa nghệ thuật chào mừng, hội thảo khoa học… bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 11/2021. Tuy nhiên, hầu hết các sự kiện đó đều bị hoãn do dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 kéo dài từ 27/4 đến nay.

Hiện dịch đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn còn những diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước nên cần hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người. Do đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự quyết định thay đổi hình thức tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập bằng hình thức trực tuyến.

Đại lễ kỷ niệm diễn ra theo hình thức trực tuyến bắt đầu 8 giờ ngày 7/11 với Chủ đề: “40 năm Giáo hội PGVN: Hội nhập và Phát triển cùng đất nước”. Điểm cầu Trung ương tại Trụ sở Ủy ban Trung ương MTTQVN, điểm cầu địa phương tại trụ sở Ủy ban MTTQVN 63 tỉnh, thành phố.

Đại lễ Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự kiện trọng đại của các cấp Giáo hội, của các Ban, Viện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và Tăng ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài. Qua đó khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là sự kết tinh trí tuệ, là đáp ứng trọn vẹn nguyện vọng thống nhất các sơn môn, hệ phái của Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam.

Theo Thông điệp của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Ngày 7/11/1981 là một sự kiện lịch sử trọng đại mang đầy ý nghĩa đối với tăng ni, cư sĩ Phật tử Việt Nam. Đó là ngày các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước đã chung sức chung lòng, nhất tâm thành lập ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đó cũng là kết quả của nguyện vọng thống nhất Phật giáo trải qua nhiều thế hệ trong lịch sử, mà khởi nguồn từ Giáo hội Trúc Lâm do Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Là chủ thể kế thừa tinh hoa 2.000 năm Phật giáo Việt Nam đồng hành với dân tộc, mọi Phật sự của Giáo hội đều được thực hiện theo phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, là minh chứng cho tinh thần nhập thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).

Trải qua 8 nhiệm kỳ, trong chặng đường 40 năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đại diện duy nhất cho tăng, ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, đã có nhiều hoạt động Phật sự ích đạo, lợi đời, có nhiều thành tích tham gia, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giáo hội luôn hướng dẫn tăng, ni, phật tử tu tập, thực hành đúng theo chính pháp giáo lý của Phật giáo, sống tốt đời, đẹp đạo, thực hiện nghiêm pháp luật nhà nước, phát huy tinh thần yêu nước, giữ gìn truyền thống văn hóa, nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, xây dựng đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh, bài trừ mê tín dị đoan, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng là dịp các cấp Giáo hội nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, kế thừa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử và nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp Giáo hội, của tăng, ni, phật tử trong việc đoàn kết, hòa hợp, không ngừng xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam trưởng thành và phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế theo phương châm: Đạo pháp - Dân tộc -Chủ nghĩa xã hội, có những bước đi vững chắc cùng đất nước trong tương lai, xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, hướng đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước. 

Từ ngày 4-7/11/1981, tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, 9 tổ chức hệ phái trong cả nước gồm: Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán, Giáo hội Tăng già Khất sỹ Việt Nam, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam bộ, Hội Phật học Nam Việt, cùng Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo, thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam

 Hiện tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam có hai hội đồng: Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Hội đồng Chứng minh có 96 thành viên là các trưởng lão cao tăng, thạc đức. Hội đồng Trị sự có 225 ủy viên Hội đồng Trị sự và 45 ủy viên dự khuyết.

Hội đồng Trị sự điều hành 13 ban, viện Trung ương và Phật sự của 63 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tổng số có gần 55.000 tăng, ni, hơn 18.000 cơ sở tự viện, hơn 50 triệu phật tử và những người yêu mến đạo Phật. Giáo hội đã thành lập 10 Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài và thiết lập mối liên lạc thường xuyên hướng dẫn tăng, ni, phật tử Việt Nam ở 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

HP

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất