Thứ Năm, 9/5/2024
Công tác vận động, tập hợp chức sắc, tín đồ phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo ở Nghệ An
 
Đại diện Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Nghệ An trao tiền ủng hộ chống dịch COVID-19 

Hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo của tôn giáo dựa trên nền tảng giáo lý, giáo luật, xuất phát từ những giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo, chịu ảnh hưởng của đức tin tôn giáo và đường hướng hành đạo của Giáo hội, nên mang tính tự nguyện, tự giác cao và thường gắn với hoạt động tôn giáo. Với Công giáo, hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo dựa trên cơ sở của Thánh Kinh và thần học đề cao lòng bác ái, công bằng xã hội và giá trị cốt lõi “Mến Chúa, yêu người”. Với Phật giáo, hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo xuất phát từ quan niệm “từ bi”, “bố thí” và nguyên lý “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật” của Phật giáo.

Thông thường, các tổ chức tôn giáo hướng đến đối tượng cần giúp đỡ là nhóm những người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là những người già neo đơn, trẻ em không nơi nương tựa và các hộ nghèo, gia đình chính sách, không phân biệt tôn giáo, dân tộc. Hoạt động bảo trợ xã hội thường mang tính ổn định, thường xuyên và có tổ chức, địa điểm cố định hơn so với các hoạt động từ thiện nhân đạo khác. Trong khi các hoạt động từ thiện nhân đạo thu hút được đông đảo chức sắc, tín đồ tất cả các tôn giáo tham gia, thì hoạt động bảo trợ xã hội theo hình thức chăm sóc, nuôi dưỡng, hoặc trợ giúp thường xuyên cho các đối tượng bảo trợ tại cộng đồng (do các tín đồ tôn giáo tự thực hiện tại các cơ sở trợ giúp xã hội chưa đủ điều kiện thành lập) và chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội của tôn giáo (mái ấm, nhà tình thương, trại dưỡng lão, cô nhi viện...) thường chỉ là thế mạnh của một số tôn giáo lớn như Công giáo, Phật giáo, Tin lành.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 02 tổ chức tôn giáo lớn gồm Công giáo (với 22.329 tín đồ, 207 chức sắc, 357 nhà thờ xứ, họ đạo và là nơi tọa lạc của Tòa Giám mục Giáo phận Vinh), Phật giáo (với khoảng hơn 150.000 tín đồ, 109 vị tăng, ni, tu sĩ, 71 chùa, 1 niệm Phật đường). Dựa trên nền tảng những điểm tương đồng trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và tinh thần hòa hợp, đồng hành với dân tộc trong đường hướng hành đạo đúng đắn của các tổ chức tôn giáo, thời gian qua, đồng bào tôn giáo Nghệ An đã phát huy giá trị đạo đức tôn đẹp của tôn giáo đóng góp hiệu quả cho công tác phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung và công tác an sinh xã hội, bảo trợ xã hội của tỉnh nhà nói riêng.

Hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo của các tôn giáo ở Nghệ An

Về hoạt động bảo trợ xã hội, Tỉnh Nghệ An có 10 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 4 cơ sở công lập và 6 cơ sở ngoài công lập. 5/6 trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập thuộc tổ chức Công giáo. Bên cạnh đó, Công giáo còn có 1 trung tâm đang làm thủ tục cấp phép và một số cơ sở khác hoạt động chưa đăng ký với chính quyền.

Các Trung tâm bảo trợ xã hội hoạt động hợp pháp hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trẻ mồ côi và người khuyết tật. Số lượng người được chăm sóc tại 5 cơ sở là 334 người. Trong đó: Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Lâm Bích ở Hưng Yên Bắc, Hưng Nguyên chăm sóc, nuôi dưỡng 45 đối tượng; Trung tâm BTXH Thiện Tâm I ở Đô Thành, Yên Thành chăm sóc, nuôi dưỡng 157 đối tượng; Trung tâm Mẹ Terexa Calcutta ở Nghi Vạn, Nghi Lộc chăm sóc, nuôi dưỡng 40 đối tượng; Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật, nhiễm chất độc màu da cam 19/3 ở Nghi Diên, Nghi Lộc chăm sóc, nuôi dưỡng 45 đối tượng; Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tạt Beetania ở Nghi Diên, Nghi Lộc chăm sóc, nuôi dưỡng 47 đối tượng.

Kinh phí hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội của Công giáo ở Nghệ An chủ yếu từ nguồn quyên góp, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước; một phần từ nguồn cơ sở vật chất sẵn có của Giáo hội, dòng tu. Các nữ tu là những người đảm nhiệm chính công việc chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng được bảo trợ. Vừa chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ, các nữ tu vừa nỗ lực tăng gia, sản xuất, kinh doanh, làm đồ thủ công mỹ nghệ... để gia tăng thu nhập phục vụ hoạt động của Trung tâm. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, người khuyết tật là truyền thống, linh đạo của nhiều dòng tu. Các nữ tu chăm sóc các đối tượng trợ giúp xã hội với tinh thần tận tâm, tự nguyện, theo những điều răn dạy của Kinh Thánh đề cao lòng bác ái, công bằng xã hội và giá trị cốt lõi “Mến Chúa, yêu người”. Trước bao khó khăn về vật chất, áp lực về tinh thần, tại các cơ sở trợ giúp xã hội, các nữ tu Công giáo thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của tín đồ theo đường hướng mục vụ: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” của Hội đồng Giám mục Việt Nam, luôn âm thầm, sẵn sàng hỗ trợ các em bé mồ côi, người khuyết tật với mong muốn giúp họ vơi bớt phần nào những đau đớn, thiệt thòi của số phận.

Các cơ sở trợ giúp xã hội của tôn giáo ở Nghệ An tổ chức tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn, không có điều kiện được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng và không có khả năng tự lo được cuộc sống của bản thân. Cung cấp các dịch vụ điều trị y tế ban đầu, phục hồi chức năng, tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề, các hoạt động văn hóa, thể thao cho các đối tượng được nuôi dưỡng. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi cơ sở trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống...

Với sự trợ giúp của các cơ sở bảo trợ xã hội, nhiều trẻ em mồ côi, khuyết tật không chỉ được đảm bảo điều kiện ăn ở, mà còn có cơ hội học tập, được trợ giúp những phương tiện, cơ sở vật chất, công nghệ và phương pháp giáo dục văn hóa, dạy nghề thích hợp, được tiếp cận với sự chăm sóc và chương trình y tế, được tham gia lao động, sản xuất, vui chơi, thể thao, văn nghệ phù hợp lứa tuổi và thể chất. Người khuyết tật được hưởng quyền đặc thù là quyền được phục hồi chức năng để hòa nhập xã hội, có cơ hội  việc làm bình đẳng.

Về hoạt động từ thiện nhân đạo khác, các tổ chức tôn giáo ở Nghệ An tham gia rất tích cực các hoạt động từ thiện nhân đạo dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong lĩnh vực giáo dục: thực hiện các hoạt động miễn, giảm học phí trong các cơ sở giáo dục như các lớp mầm non, lớp học tình thương, các lớp dạy nghề; cấp học bổng, đồ dùng học tập; trợ giúp mùa thi… cho trẻ em nghèo, khuyết tật. Trong lĩnh vực y tế: thực hiện các hoạt động miễn, giảm kinh phí trong khám bệnh, phát thuốc; hỗ trợ chăm sóc người khuyết tật, bệnh nhân COVID-19, hiến máu nhân đạo Trong lĩnh vực an sinh xã hội và cứu trợ đột xuất khác: lập quỹ xóa đói giảm nghèo; xây dựng cơ sở hạ tầng; cứu trợ khẩn cấp nạn nhân thiên tai, nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh... Mạng lưới tu sĩ, chức sắc tôn giáo hiểu biết sâu về cộng đồng tín đồ tại địa phương và trực tiếp gần gũi với những người cần trợ giúp, nắm bắt chính xác những khó khăn và nhu cầu được trợ giúp nên thường đem đến cho họ sự hỗ trợ thiết thực nhất. Việc quản lý, điều hành quỹ từ thiện nhìn chung rõ ràng, chặt chẽ và tiết kiệm đã tạo nên sự tin tưởng cho những người đóng góp. Thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, xuất phát từ tâm lý tôn giáo nên hiệu quả cứu trợ trong những trường hợp khẩn cấp rất cao.

Giai đoạn 2011 - 2022, tổng kinh phí phục vụ hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo của Phật giáo Nghệ An là khoảng 200 tỷ đồng. Năm 2020 - 2021, Phật giáo ở Nghệ An đã quyên góp xây dựng hơn 100 nhà đại đoàn kết, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học hàng chục tỷ đồng, hỗ trợ đồng bào bị bão lụt ở miền Trung hơn 11 tỷ tiền mặt và 20 tấn quà. Tính đến tháng 6/2022, ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 hơn 20 tỷ đồng và hàng chục tấn nông sản, nhu yếu phẩm, thực hiện nhiều hoạt động từ thiện trong giáo dục (tiêu biểu Quỹ học bổng “Nâng bước nhân tài” do Đại đức Thích Tâm Thành lập), trong y tế như khám, chữa bệnh miễn, giảm phí.

Thực hiện Quy chế phối hợp số 01/QCPH-UBMTTQ-TGMGPV giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An và Tòa Giám mục Giáo phận Vinh “Vận động, hỗ trợ cải thiện nhà ở và sinh kế cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025”, sau 3 năm, Tòa Giám mục Giáo phận Vinh đã vận động, hỗ trợ gần 8 tỷ đồng. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, đến năm 2022, đồng bào Công giáo Nghệ An ủng hộ tiền, vật phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 với tổng giá trị hơn 18 tỷ đồng. Số tiền, quà quyên góp từ các tổ chức, cá nhân Công giáo ở Vinh cho hoạt động bảo trợ, từ thiện nhân đạo là hơn 25 tỷ đồng.


Chùa Đức Hậu (TP. Vinh) trao quà hỗ trợ chống dịch các địa phương.


Tuy đạt được những thành tích nêu trên, trong hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo của các tôn giáo ở tỉnh Nghệ An vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết:

Thứ nhất, về phía chủ thể, tuy các tổ chức tôn giáo đã rất nỗ lực trong đào tạo, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên làm công tác bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo, tuy nhiên, một số cơ sở vẫn đứng trước tình trạng thiếu về số lượng và chưa đảm bảo được tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực. Đội ngũ nhân viên chủ yếu là các nữ tu, rất có tâm và tinh thần trách nhiệm, nhưng nhiều người chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ y tế, sư phạm và công tác xã hội.

Thứ hai, nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chủ yếu dựa vào sự huy động từ các nhà hảo tâm và sự dâng cúng của tín đồ, nên ảnh hưởng đến tính chủ động, trợ giúp lâu dài. Vì các tổ chức tôn giáo hướng tới phục vụ miễn phí các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nên điều kiện kinh phí và vật chất có hạn, hầu như chỉ tập trung đảm bảo mức sống cơ bản, việc cung cấp các dịch vụ điều trị y tế nâng cao và phục hồi chức năng cho các đối tượng ở mức độ rất khiêm tốn, còn hoạt động chăm sóc, hỗ trợ tinh thần thì gần như chưa được quan tâm. Vẫn còn hiện tượng một số cơ sở bảo trợ xã hội chưa đủ điều kiện pháp lý để hoạt động, một số hoạt động từ thiện nhân đạo chưa tuân thủ đúng quy định.

Thứ ba, hệ thống chính sách, pháp luật còn một số bất cập, thiếu cụ thể, chưa tạo động lực thu hút được nguồn lực của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Công tác phối hợp quản lý hoạt động này giữa các cơ quan, đoàn thể với nhau và với tổ chức tôn giáo chưa được chặt chẽ, thường xuyên.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong vận động, tập hợp quần chúng tín đồ tham gia hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo ở Tỉnh Nghệ An

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm công tác vận động quần chúng tôn giáo tham gia bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo gắn với phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Các hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo của các tôn giáo của Nghệ An có ý nghĩa không chỉ đối với tôn giáo mà còn đối với xã hội. Các hoạt động hướng đích xã hội là cơ hội để các tôn giáo giáo dục tín đồ về những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong giáo lý, giáo luật tôn giáo, tự củng cố đức tin cho tín đồ và truyền bá đức tin, mở rộng đạo, thể hiện sự nhập thế ngày càng sâu sắc của tôn giáo theo phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”. Hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo giúp phát huy giá trị đạo đức tôn giáo, nguồn lực tôn giáo phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đóng góp không nhỏ vào công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo và các đối tượng gặp khó khăn. Thông qua việc làm từ thiện, đồng bào có đạo phát huy điểm tương đồng, khắc phục những dị biệt, hòa mình cùng nhân dân cả nước tham gia các phong trào thi đua yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, làm thất bại nhiều âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch. Vì vậy, các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị tích cực phối hợp làm tốt công tác vận động đồng bào tôn giáo đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và quê hương Nghệ An.

Về mặt chủ trương, các cấp ủy Đảng và chính quyền Nghệ An thống nhất quan điểm tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, đồng thời phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút mọi nguồn lực tôn giáo đóng góp cho công tác an sinh xã hội. Các nghị quyết, văn bản về tôn giáo của Tỉnh đã được ban hành, nhằm định hướng và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt đông bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo của tôn giáo ở Nghệ An theo đúng khuôn khổ pháp luật. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo nhằm giải quyết các vấn đề tôn giáo, trong đó có công tác bảo trợ và từ thiện nhân đạo của các tôn giáo. Chỉ đạo các cấp, các ngành làm tốt công tác vận động quần chúng, tổ chức quán triệt, tuyên truyền về chính sách, pháp luật tôn giáo và xây dựng mối liên hệ hiểu biết, đối thoại với đội ngũ chức sắc, chức việc tôn giáo, kiên trì giải thích, tác động để cùng phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp nảy sinh. Việc bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên là người có đạo được quan tâm, tập trung phát huy vai trò của những người có uy tín trong vùng dân tộc, tôn giáo.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã đổi mới phương thức vận động quần chúng, từ những đổi mới rất tinh tế trong những món quà tặng nhân các dịp lễ trọng của các tôn giáo để đảm bảo ý nghĩa, mang tính tuyên truyền. Từ năm 2021 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 02 hội nghị gặp mặt, đối thoại với chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo tiêu biểu, với sự tham gia của hàng trăm chức sắc, chức việc, tín đồ Công giáo và Phật giáo. Đặc biệt, trong quá trình vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, UB MTTQ Việt Nam Tinh đã xây dựng được các quy chế, chương trình phối hợp với các tổ chức tôn giáo như: Quy chế phối hợp số 01 ngày 6/2/2020 giữa UBMTTQ tỉnh và Tòa Giám mục Giáo phận Vinh về “Vận động, hỗ trợ cải thiện nhà ở và sinh kế cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025”, Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2026 ngày 11/12/2021 giữa Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh về phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu... Sau 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 01, tổng số tiền vận động được là 17.822.700 đồng, hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 242 hộ gia đình.

Hội LHPN tỉnh đã có nhiều sáng kiến xây dựng các mô hình, đề án tập hợp hội viên vùng giáo, từ các mô hình điểm cấp tỉnh như: Mô hình “Cơ sở Hội vùng giáo vững mạnh toàn diện” ở Xã Nam Lộc, Nam Đàn và xã Tường Sơn, An Sơn; mô hình “Tập hợp, thu hút hội viên vùng bãi ngang ven biển” tại xã Diễn Bích, Diễn Châu; mô hình “Xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, đồng hành cùng chi hội, tổ phụ nữ vùng giáo” tại xã Quỳnh Lâm, Huyện Quỳnh Lưu, 40 mô hình cấp huyện, xã đã được nhân rộng với nhiều tên gọi khác nhau; triển khai thành công một số đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị vùng đặc thù” (Hội LHPN huyện Anh Sơn); Đề án “Nâng cao tỷ lệ tập hợp phụ nữ, xây dưng tổ chức Hội vùng giáo vững mạnh, hỗ trợ phụ nữ vùng dân tộc phát triển kinh tế” (Hội LHPN huyện Tân Kỳ).  Thông qua triển khai các mô hình, đề án, Hội LHPN các cấp đã tuyên truyền, tập hợp, thu hút chị em phụ nữ có đạo tham gia hội viên Hội PN các cấp, tập huấn kỹ năng, giúp tiếp cận nguồn vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, xây dựng nông thôn mới... Một số mô hình liên kết giữa Hội Phụ nữ của Bộ Chỉ huy quân sự với các Chi hội PN cơ sở “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo” đã thắt chặt mối quan hệ quân - dân, lương - giáo, phát huy điểm tương đồng cùng hướng đến phục vụ các đối tượng yếu thế, thiệt thòi trong xã hội như giúp đỡ trẻ em mồ côi, khuyết tật, bệnh nhân có hoàn cảnh neo đơn...

Tỉnh đoàn Nghệ An với vai trò, chức năng của mình cũng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, mở cuộc vận động “Tuổi trẻ Nghệ An chung tay xây dựng nông thôn mới” đến các đoàn viên, thanh thiếu niên vùng giáo. Các cấp bộ Đoàn Thanh niên vùng tôn giáo phối hợp với chính quyền địa phương thành lập các mô hình “Xứ, Họ đạo bình yên”, “Tổ dân cư, tuyến đường an toàn”, trong đó thanh niên là lực lượng nòng cốt của các Đội Thanh niên tình nguyện, Đội Thanh niên xung kích an ninh, Đội an ninh trật tự tại chỗ... Đoàn Thanh niên đã vận động lực lượng đoàn viên là người có đạo đóng góp ngày công, huy động kinh phí xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, chăm lo giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Những hạn chế, khó khăn trong công tác vận động, tập hợp quần chúng: Một số chủ trương, chính sách về tôn giáo chưa đồng bộ và kịp thời, gây lúng túng cho địa phương, cơ sở trong quá trình xử lý như: vấn đề đất đai, hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo của các tổ chức tôn giáo, địa điểm sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam, chế tài xử lý các vi phạm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Công tác vận động, tập hợp quần chúng, tín đồ tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, từ thiện nhân đạo chưa cao và chưa đồng đều giữa các tổ chức tôn giáo và các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chưa có nhiều mô hình điển hình, tạo sự lan tỏa rộng lớn.

Tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo còn có những bất cập, khó khăn; chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác tôn giáo chưa được quan tâm đúng mức; Trung ương chưa có hướng dẫn về kinh phí cho công tác xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng cốt cán tôn giáo, gây khó khăn cho địa phương trong triển khai, thực hiện.

Do đặc thù về đức tin tôn giáo cũng làm ảnh hưởng đến công tác phát triển đảng viên, xây dựng đội ngũ cốt cán, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo một số địa phương, chưa phát huy hết vai trò của đội ngũ này trong công tác vận động bà con tín đồ tham gia các hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo.

Công tác vận động, tập hợp các tổ chức tôn giáo phối kết hợp chặt chẽ với nhau trong hoạt động bảo trợ, từ thiện chưa đạt chất lượng cao, phần lớn các tôn giáo tự thực hiện hoạt động này theo kế hoạch riêng.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong vận động, tập hợp quần chúng tín đồ tham gia hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo ở Tỉnh Nghệ An

Để các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo, tham gia đóng góp nhiều hơn nữa cho hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo, trước hết là sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động, tập hợp quần chúng tín đồ các tôn giáo; đồng thời là sự chủ động, tích cực của chính chủ thể các tổ chức tôn giáo trong hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo.

Thứ nhất, cần đổi mới công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức về hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo của các tôn giáo cho đội ngũ cán bộ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; phối hợp chặt chẽ với tổ chức tôn giáo trong tổ chức tuyên truyền về giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo, quan điểm, chủ trương phát huy giá trị văn hóa, đạo đức, nguồn lực tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, đổi mới phương thức, nội dung vận động, thu hút chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ, an sinh xã hội theo phương châm chính quyền, tổ chức tôn giáo cùng đối thoại, hiểu biết, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm xây dựng và phát triển địa phương, đất nước.

Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong vận động, tập hợp quần chúng tín đồ tham gia hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo; với phương châm “nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng”, lấy mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào tôn giáo trong sự nghiệp chung, đặc biệt trong hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo.

Thứ ba, quán triệt quy trình, thủ tục, quy định hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo đối với các tổ chức tôn giáo để các chủ thể này hoạt động đúng chính sách pháp luật Nhà nước. Hướng dẫn các tổ chức tôn giáo hoàn thiện thủ tục đăng ký hoạt động đối với các cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng từ thiện nhân đạo để hoạt động chống phá chế độ, gây ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc và làm mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội địa phương.

Thứ tư, phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong điều phối, quản lý hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo để đảm bảo sự hợp lý, thống nhất. Chủ động hơn trong xây dựng nguồn kinh phí hoạt động, cải thiện cơ sở vật chất nhằm giảm bớt bị động, tăng tính lâu dài, bền vững trong hoạt động này.

Thứ năm, phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng y tế, sư phạm, công tác xã hội cho các nhân viên, tình nguyện viên làm công tác bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo của các tổ chức tôn giáo.

Thứ sáu, có sự phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp với các cơ quan liên quan và các tổ chức giáo hội trong quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo của tôn giáo. Tăng cường xây dựng và triển khai các quy chế phối hợp giữa hệ thống chính trị địa phương với tổ chức tôn giáo trong hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo. Rà soát, sơ kết, tổng kết và nhân rộng mô hình phối hợp có chất lượng hiệu quả.

TS. Trần Thị Thu Hiền (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất