Thứ Sáu, 17/5/2024
Phát huy vai trò của tôn giáo trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Điểm sáng trong khám, chữa bệnh

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ năm 2015 - 2018, một số tổ chức tôn giáo đã tuyên truyền, vận động được 1.975 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não; 743 người đăng ký hiến xác; và đặc biệt đã có 219 người đăng ký hiến tặng mô, tạng là các nhà sư, linh mục, chức sắc tôn giáo; 4 người đã hiến tạng ngay khi còn sống là các nhà tu hành, phật tử.

Theo thống kê của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiện cả nước có trên 60.000 cơ sở khám, chữa bệnh của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, bao gồm các cơ sở khám chuyên khoa và cơ sở khám bệnh chữa bệnh y học cổ truyền. Trong năm 2018, ước tính đã có 710.261 lượt người được khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở khám, chữa bệnh của các tôn giáo. Trong đó, số người được cấp thuốc miễn phí tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa là trên 600 nghìn lượt người; số người được cấp thuốc miễn phí tại các phòng chẩn trị y học cổ truyền là trên 1 triệu lượt người; số người được cấp thuốc miễn phí tại bệnh xá là trên 15 nghìn lượt người; tại các cơ sở khác là trên 123.000 lượt người.

Một trong những cơ sở tiêu biểu là Phòng khám nội nhân đạo Xuân Hòa (Giáo phận Xuân Lộc, Đồng Nai), thực hiện khám Tây y với việc đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, giúp điều trị các bệnh tai - mũi - họng - mắt và các bệnh nội khoa cho bệnh nhân. Trung bình mỗi năm tiếp nhận khoảng 9.000 lượt bệnh nhân; khám chữa bệnh và phát thuốc hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân nghèo, khó khăn, lang thang cơ nhỡ… Phòng khám còn thực hiện công tác tư vấn, chữa trị các bệnh xã hội, hỗ trợ người nhiễm HIV, hỗ trợ cai nghiện ma túy, thuốc lá và tổ chức các đoàn đi khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa 2 lần/1 năm. Số tiền chi trong năm 2018 là hơn 1 tỷ đồng do Tòa Giám Mục của giáo phận gửi tặng và 121.019.000 đồng do các ân nhân gần xa gửi tặng.


 Sư Thích Nữ Diệu Nhân đang khám cho bệnh nhân
tại Phòng khám đa khoa từ thiện chùa Hà Tiên, tỉnh Vĩnh Phúc

Đại diện Phòng khám nội nhân đạo Xuân Hòa, Tu sĩ Nguyễn Mạnh Hoan cho biết, phòng khám sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị và cơ sở mới, nhằm làm tốt hơn về các mặt để phục vụ bệnh nhân, các đối tượng khó khăn, neo đơn, người ở nhà trọ, có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, không phân biệt tôn giáo. Ngoài ra, năm 2019, Phòng khám sẽ đi khám bệnh và phát quà cho bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa nhiều hơn những năm trước.

Hay Phòng khám đa khoa từ thiện chùa Hà Tiên, xã Định Trung, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ, cấp thuốc miễn phí cho các cháu trường mầm non trên địa bàn thành phố, lập hồ sơ theo dõi định kỳ cho 690 cháu. Điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền cho hàng nghìn người cao tuổi với kinh phí thực hiện trên 350 triệu đồng. Từng là Phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương và đã hai lần sang Pháp làm nghiên cứu sinh, sư bác Thích Nữ Diệu Nhân luôn có tâm nguyện xây dựng Phòng khám trở thành địa chỉ tin tưởng để kết nối những tấm lòng nhân ái của các y, bác sĩ trên khắp cả nước với những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, thương bệnh binh, người già, trẻ nhỏ và người khuyết tật…

Bên cạnh đó, không thể không kể tới Phòng Chẩn trị Y học Đông y Chùa Phước An, TP Cần Thơ mỗi năm đón khoảng 80.000 lượt bệnh nhân, với 700 - 800 nghìn thang thuốc trị giá khoảng 4 - 5 tỷ đồng (miễn phí hoàn toàn); Phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh Đường, chùa Kỳ Quang II, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đã khám và chữa trị miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS bằng nguồn thảo dược thiên nhiên của Việt Nam. Trong năm 2018, có gần 82.000 bệnh nhân đến khám và điều trị; trong đó có trên 200 lượt bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.

Khuyến khích thành lập và phát triển

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, các văn bản pháp luật đã tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ và toàn diện để các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động trong lĩnh vực y tế, từ thiện nhân đạo và vận động hiến tặng mô, tạng. Đây là công cụ pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động này. Bên cạnh đó, công tác khám, chữa bệnh từ thiện của các tôn giáo mỗi khi triển khai đều được Mặt trận các cấp phối hợp với ngành y tế hướng dẫn và tạo điều kiện.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, hàng năm Bộ Y tế và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều ký kết các văn bản, chương trình để phối hợp triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe trong toàn quốc, nhằm phát huy vai trò và những thành quả đã đạt được của các tôn giáo trong công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Sở Y tế và các cơ quan chính quyền ở địa phương đều rất quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ cho việc khám chữa bệnh, hỗ trợ việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý tại các phòng khám của các tôn giáo. Nhìn chung, các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc các tổ chức tôn giáo đã thực hiện nghiêm túc quy định của Nhà nước về đăng ký hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh...

Tuy nhiên, tại một số địa phương, cơ sở y tế của tôn giáo vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn về chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cũng như thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Theo đại diện Ban Trị sự Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, hiện lòng tin của bệnh nhân về phương pháp điều trị bằng thuốc nam ngày càng đông, nhưng nhân viên phòng thuốc còn hạn chế nên việc khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được đúng nhu cầu của bệnh nhân; đồng thời bày tỏ mong muốn nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký hành nghề y tế tư nhân, tạo điều kiện cho y sĩ đông y hoạt động trong lĩnh vực khám, chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, các cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố, các Sở Y tế, các tổ chức tôn giáo cần quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ sở khám, chữa bệnh vượt qua khó khăn. Mặt trận các cấp cần khuyến khích tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia thành lập các trung tâm khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật… vì mục đích phi lợi nhuận; nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách đặc thù với các cơ sở từ thiện nhân đạo của các tổ chức tôn giáo, phù hợp với hiến chương, điều lệ của các tôn giáo và quy định của pháp luật./.

Nguồn: daibieunhandan.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất