Thứ Năm, 7/11/2024
Người Cộng sản không vô tín ngưỡng nhưng cũng không u u, mê mê…

 Minh họa

Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ký Công văn số 31 đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trị các tự viện và đề nghị:

“Chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam”.

Đây là nội dung không mới bởi điều này đã từng được đặt ra nhiều năm nay và thực sự, đã đến lúc ngoài việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục, cần có những biện pháp mạnh mẽ khác.

Cách đây 5 năm (2013), trả lời phỏng vấn báo Dân trí, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đã cho biết, việc đốt vàng mã xuất phát từ các triều đại Trung Quốc xa xưa, khi nhà vua băng hà thì tất cả cung nữ, người hầu sẽ phải bị chôn theo để hầu hạ dưới âm phủ. Sau này, họ thấy việc đó độc ác quá nên mới dùng các hình nhân thế mạng để thay vào.

“Ở Việt Nam, nhiều gia đình có điều kiện cũng lạm dụng việc dùng hình nhân thế mạng. Mỗi dịp đầu năm, họ đều mua nhiều hình nhân thế mạng cho mình và đốt đi nhằm cầu tai qua nạn khỏi. Nếu đúng như vậy thì người giàu chả bao giờ bị ốm hoặc chết cả, vì cứ khi sắp chết họ lại tiếp tục dùng hình nhân thế mạng cho mình! Đây là quan niệm mê tín và việc dùng vàng mã, hình nhân thế mạng cần phải loại bỏ ngay”. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói.

Về quan điểm cá nhân, người viết bài này rất đồng tình với tinh thần của Công văn 31 bởi mấy lý do.

Thứ nhất, nó mang nặng tính mê tín ngoại lai, không phải xuất xứ từ tín ngưỡng của người Việt. Hòa thượng Tố Liên cũng khẳng định Đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên và đặt câu hỏi:

"Tại sao ngày Rằm tháng Bảy là ngày lễ trọng thể của Phật giáo mà thấy một số tín đồ nhà Phật đốt rất nhiều vàng mã để cúng gia tiên. Xin hỏi giới trí thức Việt Nam hiện tại tìm thấy Phật giáo và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã ở kinh sách nào?"

Thứ hai, rất lãng phí về tiền bạc. Ước tính mỗi năm, Việt Nam đốt khoảng 50.000 tấn vàng mã, tiêu tốn 400 tỉ đồng.

Thứ ba, gây ô nhiễm cũng như nguy cơ hỏa hoạn. Việc ô nhiễm có lẽ không cần lý giải còn hỏa hoạn, theo Trung tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết nấu ăn quên trông coi, thắp nhang , đốt vàng mã không đúng cách là 3 nguyên nhân gây cháy nổ cao nhất.

Thành thực, người viết bài này không lý giải tại sao nhiều người lại có suy nghĩ kỳ lạ, ví như đốt cả ô tô, xe máy, điện thoại di động… cho người dưới âm nhỉ? Bởi muốn vận hành một cái ô tô chẳng hạn, cần rất nhiều yếu tố như đường sá, nhiên liệu, trạm bảo dưỡng… và bằng lái. Đó là chưa kể như luật lệ giao thông thế nào? Có hệ thống đèn báo hiệu hay không?

Hay muốn sử dụng một chiếc điện thoại di động cần có trạm phát sóng, không biết công nghệ viễn thông ở đó thế nào? Mỗi khi trục trặc liệu đã có thợ sửa chữa hay chưa?...

Tóm lại, việc đốt vàng mã mang lại nhiều hệ lụy như đã nói ở trên nên với người dân, cần tuyên truyền, vận động và thuyết phục.

Với các cơ sở tín ngưỡng, cần thực hiện nghiêm tinh thần Công văn 31 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đối với cơ quan Nhà nước và các cán bộ, đảng viên, cần nghiêm khắc bởi người Cộng sản không phải vô tín ngưỡng nhưng càng không phải người u u, mê mê, mê tín dị đoan thiếu khoa học và vô căn cứ./.

Nguồn: dantri.com.vn, ngày 24/2/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi