Thứ Năm, 5/12/2024
Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Nội dung của Bộ tiêu chí bao gồm: Tiêu chí ứng xử chung: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; Tiêu chí ứng xử cụ thể của vợ, chồng: chung thủy, nghĩa tình; Tiêu chí ứng xử cụ thể của cha, mẹ với con; ông, bà với cháu: gương mẫu, yêu thương; Tiêu chí ứng xử cụ thể của con với cha, mẹ; cháu với ông, bà: hiếu thảo, lễ phép và Tiêu chí ứng xử cụ thể của anh, chị, em: hòa thuận, chia sẻ.

Theo đó, kế hoạch cũng đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp là: (1). Xây dựng tài liệu hướng dẫn và tổ chức các hoạt động nghiệp vụ triển khai thực hiện Bộ tiêu chí phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Có thể lồng ghép vào các chương trình tập huấn, bồi dưỡng; vào các ngày kỷ niệm hàng năm; vào Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Phong trào xây dựng nông thôn mới,...; vào các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. (2). Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, cổ động trực quan, không gian mạng và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; thông qua các cuộc thi, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ và các hình thức mới thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân, các gia đình và thành viên trong gia đình. Trong đó, tập trung tuyên truyền vào các dịp kỷ niệm: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6), Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (tháng 11). Qua đây nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, mỗi gia đình và người dân về sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Bộ tiêu chí, hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, từ đó thúc đẩy tính tự giác, tích cực tham gia và thực hành các tiêu chí ứng xử của Bộ tiêu chí một cách thường xuyên. (3). Tổ chức phát động đăng ký và đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh. (4). Phát huy vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình nhằm giáo dục toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục Bộ tiêu chí cho học sinh, sinh viên nhằm chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình ngày càng tốt hơn và phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời, nâng cao nhận thức trong việc ứng xử đúng mực với ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em hướng đến mục tiêu phát triển con người toàn diện từ gia đình, nhất là với thế hệ trẻ. (5). Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác gia đình, ưu tiên vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nơi có nhiều khu công nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho cán bộ, người lao động tham gia, học tập nội dung của Bộ tiêu chí và đạo đức, lối sống trong gia đình. (6). Tổ chức biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Bộ tiêu chí; cũng như các gia đình tiêu biểu, gương điển hình ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con, cháu hiếu thảo, vợ, chồng hòa thuận, anh, chị, em đoàn kết, thương yêu nhau. (7). Kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí theo chuyên đề hoặc lồng ghép trong hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác gia đình hoặc các mặt công tác khác. (8). Tổng kết, báo cáo tình hình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025.

Trước ngày 15/12 hàng năm, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả thực hiện về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh.

Việt Anh

Gửi cho bạn bè