Thứ Hai, 20/5/2024

Phong trào xây dựng nông thôn mới ở một số nước châu Á

Ba nguyên tắc chính xây dựng phong trào OVOP, đó là: địa phương hóa rồi hướng tới toàn cầu; tự chủ, tự lập, nỗ lực sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực. Điểm cốt lõi của OVOP là mỗi làng phải chọn cho mình một sản phẩm đặc biệt nổi trội, có tính cạnh tranh cao nhất so với các địa phương khác để chính quyền hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất.

Phong trào OVOP đã đem lại thành công cho tỉnh Oi-ta và lan rộng toàn nước Nhật. Từ một tỉnh nghèo, Oi-ta không lâu sau đó đã được thế giới biết đến nhờ các nông sản tuyệt hảo như nấm hương khô, chanh kakosu, rượu shouchu, lúa mạch, ngựa seiki... Phong trào này sớm trở nên nổi tiếng như một điển hình của việc phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương.

Thái Lan là một trong những nước học tập, triển khai thành công nhất phong trào OVOP. Sau chuyến đi tìm hiểu tại Oi-ta của Thủ tướng Thái Lan, nước này đã phát động phong trào OVOP từ năm 2001; theo đó, Chính phủ hỗ trợ về tiếp thị, xúc tiến bán hàng, huấn luyện và chuyển giao công nghệ cho nông dân nhằm phát triển các nghề thủ công truyền thống của Thái Lan, tạo ra sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương có chất lượng, độc đáo về mẫu mã, kiểu dáng, xuất khẩu rộng rãi trên thị trường thế giới.

Tiếp theo Thái Lan, các nước ASEAN, với sự hỗ trợ của Nhật Bản cũng đã quyết định xây dựng hướng dẫn OVOP ASEAN cho các chính quyền địa phương và trung ương áp dụng, cũng như điều chỉnh phù hợp với các điều kiện kinh tế và xã hội, cơ cấu quản lý hành chính của từng khu vực, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ phát triển. Qua thực tế, OVOP được chứng minh là một công cụ hiệu quả trong việc cải thiện phúc lợi của người dân nông thôn, năng động kinh tế làng xã, thu nhập địa phương, đoàn kết xã hội, phát triển du lịch… Ở Việt Nam, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên triển khai Chương trình này từ tháng 10/2013 với việc tập trung xây dựng thương hiệu OCOP Quảng Ninh (One commune, one product) - “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.

Phong trào “Làng mới” ở Hàn Quốc

Cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ có 85 USD; phần lớn người dân không đủ ăn; 80% dân nông thôn không có điện thắp sáng và phải dùng đèn dầu, sống trong những căn nhà lợp bằng lá. Là nước nông nghiệp trong khi lũ lụt và hạn hán lại xảy ra thường xuyên, mối lo lớn nhất của chính phủ khi đó là làm sao đưa đất nước thoát khỏi đói, nghèo.

Trong bối cảnh đó, phong trào Làng mới (SU) ra đời với 3 tiêu chí: Cần cù -  Tự lực vượt khó - Hợp tác (hiệp lực cộng đồng). Năm 1970, sau những dự án thí điểm đầu tư cho nông thôn có hiệu quả, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức phát động phong trào SU và được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ. Họ thi đua cải tạo nhà mái lá bằng mái ngói, đường giao thông trong làng, xã được mở rộng, nâng cấp; các công trình phúc lợi công cộng được đầu tư xây dựng. Phương thức canh tác được đổi mới, chẳng hạn, áp dụng canh tác tổng hợp với nhiều mặt hàng mũi nhọn như nấm và cây thuốc lá để tăng giá trị xuất khẩu. Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ xây dựng nhiều nhà máy ở nông thôn, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho nông dân.

Bộ mặt nông thôn Hàn Quốc đã có những thay đổi hết sức kỳ diệu. Chỉ sau 8 năm (1971 - 1978), các dự án phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn cơ bản được hoàn thành. Đặc biệt, vì không có quỹ bồi thường đất và các tài sản khác nên việc hiến đất, tháo dỡ công trình, cây cối… đều do dân tự giác bàn bạc, thỏa thuận, ghi công lao đóng góp của các hộ dân cho phong trào.

Nhờ phát triển giao thông nông thôn nên các hộ có điều kiện mua sắm phương tiện sản xuất. Cụ thể là, năm 1971, cứ 3 làng mới có 1 máy cày, thì đến năm 1975, trung bình mỗi làng đã có 2,6 máy cày, rồi nâng lên 20 máy vào năm 1980. Từ đó, tạo phong trào cơ khí hóa trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao, giống mới, công nghệ nhà lưới, nhà kính trồng rau, hoa quả đã thúc đẩy năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng nhanh. Năm 1979, Hàn Quốc đã có 98% số làng tự chủ về kinh tế.

Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần đầu tư hạ tầng để nông thôn tự mình vươn lên, xốc lại tinh thần, đánh thức khát vọng tự tin. Thắng lợi trong xây dựng nông thôn mới ở Hàn Quốc được tổng kết thành 6 bài học lớn:

Thứ nhất, phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn - phương châm là nhân dân quyết định và làm mọi việc, “nhà nước bỏ ra 1 vật tư, nhân dân bỏ ra 5 - 10 công sức và tiền của”. Dân tự quyết định loại công trình, dự án nào cần ưu tiên làm trước, công khai bàn bạc, quyết định thiết kế và chỉ đạo thi công, nghiệm thu công trình. Sự trợ giúp này chính là chất xúc tác thúc đẩy phong trào nông thôn mới, dân làng tự quyết định mức đóng góp đất, ngày công cho các dự án.

Thứ hai, phát triển sản xuất để tăng thu nhập. Khi kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất được xây dựng, các cơ quan, đơn vị chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống mới, KHCN giúp nông dân tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng chuyên canh hàng hóa. Chính phủ xây dựng nhiều nhà máy ở nông thôn để chế biến và tiêu thụ nông sản cũng như có chính sách tín dụng nông thôn, cho vay thúc đẩy sản xuất.

Thứ ba, đào tạo cán bộ phục vụ phát triển nông thôn. Xác định nhân tố quan trọng nhất để phát triển phong trào SU là đội ngũ cán bộ cơ sở theo tinh thần tự nguyện và do dân bầu, Hàn Quốc đã xây dựng 3 trung tâm đào tạo quốc gia và mạng lưới trường nghiệp vụ của các ngành ở địa phương. Nhà nước đài thọ, mở các lớp học trong thời gian từ 1-2 tuần để trang bị đủ kiến thức thiết thực như kỹ năng lãnh đạo cơ bản, quản lý dự án, phát triển cộng đồng.

Thứ tư, phát huy dân chủ để phát triển nông thôn. Thành lập hội đồng phát triển xã, quyết định sử dụng trợ giúp của chính phủ trên cơ sở công khai, dân chủ, bàn bạc để triển khai các dự án theo mức độ cần thiết của địa phương. Thành công ở Hàn Quốc là xã hội hóa các nguồn hỗ trợ để dân tự quyết định lựa chọn dự án, phương thức đóng góp, giám sát công trình.

Thứ năm, phát triển kinh tế hợp tác từ phát triển cộng đồng. Thiết lập lại các hợp tác xã (HTX) kiểu mới phục vụ trực tiếp nhu cầu của dân, cán bộ HTX do dân bầu chọn. Phong trào SU là bước ngoặt đối với sự phát triển của HTX hoạt động đa dạng, hiệu quả trong dịch vụ tín dụng, cung cấp đầu vào cho sản xuất, tiếp thị nông sản, bảo hiểm nông thôn và các dịch vụ khác. Trong vòng 10 năm, doanh thu bình quân của 1 HTX tăng từ 43 triệu won lên 2,3 tỉ won.

Thứ sáu, phát triển và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường bằng sức mạnh toàn dân. Chính phủ quy hoạch, xác định chủng loại cây rừng phù hợp, hỗ trợ giống, tập huấn cán bộ kỹ thuật chăm sóc vườn ươm và trồng rừng để hướng dẫn và yêu cầu tất cả chủ đất trên vùng núi trọc đều phải trồng rừng, bảo vệ rừng. Nếu năm 1970, phá rừng còn là quốc nạn, thì 20 năm sau, rừng xanh đã che phủ khắp nước, đây được coi là một kỳ tích của phong trào SU.

Đức Hoàng

TẠP CHÍ IN